Việc các quốc gia không tin tưởng vào khoản đầu tư của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với BRI.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – dự án đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu dài hạn của Trung Quốc nhằm kết nối châu Á và châu Âu – đồng thời để tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của nước này trên trường thế giới – đang vấp phải những rào cản không nhỏ ở Trung và Đông Âu, theo Global Finance.
Hồi tháng 2 vừa qua, Rumani đã thông báo về quyết định cấm các khoản đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng của các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) và không có thỏa thuận thương mại với EU (ám chỉ Trung Quốc). Trong những tháng gần đây, Rumani cũng không nhận tiền đầu tư của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp viễn thông và điện hạt nhân.
Và Rumani không phải trường hợp duy nhất. Cũng trong tháng 2, 6/12 thành viên EU tham gia nhóm 17+1 đã cử quan chức cấp thấp hơn thay cho nguyên thủ tham gia hội đàm với Trung Quốc, bất chấp những áp lực lớn từ phía Bắc Kinh.
Nhóm 17+1 là diễn đàn do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2012 để phát triển mối quan hệ với các quốc gia ở Đông và Trung Âu.
Litva đã tiến hành nhiều bước ngăn chặn các công ty Trung Quốc tham gia vào một số dự án của nước này.
Cộng hòa Séc, Croatia và Slovenia cũng khiến kế hoạch tham gia đấu thầu công khai trong các dự án xây dựng tuyến vận tải biển, đường sắt, điện hạt nhân và đường bộ của Trung Quốc tại các nước này “trật bánh”.
Trong khi đó, Ba Lan đã phàn nàn về việc Bắc Kinh khiến họ gặp trở ngại trong việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Hy Lạp là một trong số các thành viên ít ỏi của nhóm 17+1 dường như vẫn còn giữ thái độ tích cực với Trung Quốc, khi nước này quyết định cho phép “ông lớn” vận tải Cosco của Trung Quốc mua thêm phần lớn cổ phần tại cảng Piraeus, cảng biển lớn nhất nước này.
Việc các quốc gia không tin tưởng vào khoản đầu tư của Trung Quốc là một thách thức lớn đối với BRI. Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ đã chỉ ra sự bất mãn ngày càng gia tăng trong một bài viết hồi mùa thu năm ngoái: “Nhiều quốc gia đã than phiền về việc Trung Quốc sử dụng chính sách ngoại giao ‘bẫy nợ’ và cho vay săn mồi”.
Nhưng Trung Âu và Đông Âu lại đặc biệt thẳng thắn trong việc cưỡng lại sự “ve vãn” và tiền đầu tư của Trung Quốc, có lẽ là bởi trải nghiệm trước đó của họ với Hiệp ước Warsaw.
Hơn nữa, các quốc gia trong khu vực Trung-Đông Âu vẫn đang “để mắt” đến Nga. Họ dựa vào sự đảm bảo an ninh của NATO, và hầu hết các nước tham gia nhóm 17+1 đều là thành viên của EU. Nếu họ buộc phải lựa chọn, thì những lời cam kết, hứa hẹn về khoản đầu tư đầu tư của Trung Quốc có thể sẽ không còn là ưu tiên khi các nước này phải đối mặt với những mối lo về địa chính trị và chiến lược to lớn hơn./.
(Theo Global Finance)-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị