Mặc dù sự hậu thuẫn của Iran đối với Hamas đã quá rõ ràng nhưng Trung Quốc có thể cũng đang âm thầm đóng góp vào cuộc xung đột giữa Israel với Hamas.
Hamas sử dụng vũ khí “made in China”?
Trong những năm qua, cuộc xung đột Israel-Palestine ở Dải Gaza đã được hình dung là cuộc chiến mà trong đó, quân đội Israel đang tìm cách chống lại các lực lượng ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn như Hamas.
Hamas và các lực lượng phiến quân khác chống lại Israel thường dựa vào kho vũ khí của Iran trong các cuộc giao tranh chống lại Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Akshay Narang, giờ thì hãy tạm quên Iran đi, bởi Trung Quốc có thể đã tham gia vào cuộc xung đột này.
Mặc dù sự hậu thuẫn của Iran đối với Hamas đã quá rõ ràng nhưng Trung Quốc có thể cũng đang âm thầm đóng góp vào cuộc xung đột giữa Israel với Hamas.
Theo ông Narang, mối quan hệ thân thiết giữa Palestine và Trung Quốc không phải điều gì mới. Trong lịch sử, “con rồng giấy” đã nhìn thấy từ cuộc xung đột Israel-Palestine cơ hội để thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền chống lại phương Tây, dù cuối cùng phải từ bỏ do không thành công.
Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh đang muốn len lỏi vào cuộc xung đột này một lần nữa khi các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng Hamas có thể đã sử dụng khí tài quân sự “made in China” trong các cuộc giao tranh ở Dải Gaza.
Hamas được cho là đã sử dụng nhiều loại vũ khí sát thương khác nhau như rocket, tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) và máy bay không người lái tự sát. Mặc dù đã tung ra hàng nghìn vũ khí như vậy về phía Israel nhưng Hamas hiếm khi “xuyên thủng” được hệ thống phòng thủ Iron Dome của quốc gia Do Thái.
Hầu hết vũ khí mà Hamas sử dụng đều được sản xuất tại địa phương với sự hỗ trợ của nước ngoài. Song, theo tờ Eurasian Times, Hamas cũng đang sử dụng rocket phóng loạt BM-21 [thời Liên Xô] có sẵn trên thị trường chợ đen. Và quan trọng hơn cả, tổ chức này còn được cho là có sử dụng các tên lửa do Trung Quốc sản xuất.
Trên mạng xã hội chia sẻ những tin tức cho rằng Hamas đang sử dụng những tên lửa được sản xuất tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ý đồ của Trung Quốc
Theo ông Narang, những cáo buộc gần đây nhất về việc Hamas sử dụng vũ khí Trung Quốc đã “làm sống lại” lịch sử của liên minh Palestine-Trung Quốc.
Sau khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Bắc Kinh cảm thấy họ cần gia tăng sự hiện diện ở Trung Đông. Đây cũng là một phần chiến dịch tuyên truyền mà Trung Quốc muốn khởi xướng nhằm vào phương Tây.
Ban đầu, Trung Quốc mô tả Israel như một lực lượng chiếm đóng và ủng hộ Palestine. Ngoài việc cung cấp vũ khí và khí tài quân sự cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Bắc Kinh được cho là cũng truyền cảm hứng tư tưởng và huấn luyện quân sự cho PLO.
Năm 1970, tạp chí tiếng Anh Peking Review (hay Beijing Review) đã dẫn lời lãnh đạo Palestine Yasser Arafat mô tả Trung Quốc như “nguồn ảnh hưởng lớn nhất” trong cuộc cách mạng của người Palestine.
Song, tới cuối những năm 1970, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Palestine bắt đầu giảm dần. Bắc Kinh bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn nội bộ và khó khăn trong nước. Trong khi đó, Israel đã phát triển thành một cường quốc đáng ghen tị. Do đó, Trung Quốc không còn nguồn lực hay cảm hứng nào để giúp Palestine nữa.
Vào những năm 1980, Bắc Kinh bắt đầu mở cửa thương mại và đầu tư với phương Tây. Điều này càng khiến cho việc ủng hộ Palestine không còn ý nghĩa đối với Trung Quốc.
Trong hơn 4 thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với sự hỗ trợ của phương Tây. Sau đó, Bắc Kinh thậm chí còn cố gắng khuyến khích quan hệ chặt chẽ hơn với Israel.
Thế nhưng giờ đây, theo ông Narang, một lần nữa Trung Quốc muốn “vũ khí hóa” xung đột Israel-Gaza bằng cách tăng cường sức mạnh cho Hamas.
Nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm hỗ trợ Palestine được tiến hành dựa trên hai diễn biến. Một là Trung Quốc đã vượt qua thời kỳ khốn khó về kinh tế và có khả năng cung cấp hỗ trợ quân sự cho các nhóm chiến binh người Palestine. Hai là, dưới thời ông Tập, quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây lại trở nên căng thẳng.
Ông Narang cho hay, trên thực tế, Trung Quốc đã lợi dụng đợt xung đột mới nhất giữa Israel-Palestine để chỉ trích phương Tây theo hướng “phớt lờ nỗi đau khổ” của người Hồi giáo ở Gaza.
“Điều chúng tôi có thể cảm nhận được là Mỹ luôn nói rằng họ quan tâm đến nhân quyền của người Hồi giáo… nhưng thực chất họ đã phớt lờ những nỗi đau khổ của người dân Palestine” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố.
Theo ông Narang, xung đột Israel-Palestine là một tình huống thuận lợi cho Bắc Kinh để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận về vấn đề Tân Cương. Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc thực sự cung cấp vũ khí cho Hamas để tấn công Israel trong các cuộc giao tranh đang diễn ra.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị