Giáo sư Hiromi Murakami thừa nhận rằng bà khá “bất ngờ” trước sắc thái trong bài nói của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.
Đơn phương và cưỡng ép
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động của nước này ở Biển Đông và khu vực biển gần Nhật Bản, chỉ vài ngày trước chuyến thăm dự kiến của ông tới Bắc Kinh và cuộc gặp với người đồng cấp Ngụy Phương Hòa, NHK đưa tin.
“Trung Quốc đang tham gia vào những nỗ lực đơn phương và cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng dựa trên những quan điểm của riêng mình, không phù hợp với trật tự quốc tế hiện thời”, ông Kono phát biểu tại hội thảo quốc tế Diễn đàn Doha (Qatar).
Vị chính trị gia cấp cao của Nhật Bản – người trước đó đã từng giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và được xem là một ứng viên sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe – nói thêm rằng, Nhật Bản “lo ngại về tốc độ hiện đại hóa lực lượng quân đội chóng vánh, thiếu minh bạch của Trung Quốc, bao gồm cả năng lực hạt nhân và tên lửa của nước này”.
“Luật lệ, vốn đặc biệt quan trọng với an ninh và ổn định toàn cầu, là một giá trị được chia sẻ bởi cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc”, ông Kono nói và nhấn mạnh rằng các quốc gia không được phép sử dụng vũ lực để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và “những kẻ gây hấn buộc phải trả giá”.
Sắc thái “bất thường”
Hiromi Murakami, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Temple (Tokyo) thừa nhận rằng bà khá “bất ngờ” trước sắc thái trong bài nói của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.
“(Bài phát biểu) xảy ra ngay sau những cuộc đàm phán an ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ nên tôi chỉ có thể coi đây là một lời nhắc nhở đối với Trung Quốc, rằng nước này không thể thích gì thì làm, thích can thiệp ở đâu cũng được”, bà Murakami nói, “Nhật Bản phải hợp tác với những nước khác trong khu vực nếu muốn hạn chế Trung Quốc”.
Truyền thông Trung Quốc chưa có bình luận gì về phát biểu của ông Kono nhưng theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ để ý.
Những căng thẳng gần đây với Mỹ đã buộc Bắc Kinh phải tập trung tăng cường quan hệ với các nước láng giềng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thực hiện chuyến công du Nhật Bản vào tháng 4 năm sau trong bối cảnh nỗ lực cải thiện quan hệ song phương vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ những bất đồng về quá khứ chiến tranh lẫn tranh chấp lãnh thổ.
Jun Okumura, nhà phân tích của Viện Minh Trị về các vấn đề toàn cầu, đồng ý với nhận định rằng phát ngôn của ông Kono có phần “bất thường” nhưng ông cũng chỉ ra rằng quan điểm này hoàn toàn phù hợp với lập trường của Tokyo về những vấn đề đã được trình bày trong sách trắng thường niên năm nay của Nhật Bản.
Okumura cho rằng, trong khi Bắc Kinh muốn “xoa dịu” thì có lẽ Nhật Bản coi đây là một cơ hội để thể hiện quan điểm của mình.
Phát ngôn đầy cứng rắn được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đưa ra vào một thời điểm khá đặc biệt: Chỉ vài ngày trước khi ông có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và tiến hành gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa.
Theo dự đoán của các nhà phân tích với SCMP, chương trình nghị sự nhiều khả năng sẽ tập trung vào Sáng kiến Vành đai – Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh (mà Nhật Bản hiện đang bày tỏ sự ủng hộ đối với một phần dự án), vấn đề Triều Tiên và khả năng thiết lập đường dây nóng quân sự giữa hai bên.
Theo Trí Thức Trẻ