Có hàng trăm người biết đến lối tư duy này, nhưng chỉ có vài chục người hiểu nó, một số người quyết định làm theo nó và một người duy nhất dám trung thành với nó. Đó chính là sự khác biệt giữa thất bại với thành công.
Theo báo cáo tín dụng của Credit Suisse đưa ra, 1% số dân siêu giàu nắm giữ hơn 80% tổng giá trị tài sản của cả thế giới. Khoảng cách của giới siêu giàu và phần còn lại của thế giới lại nới rộng hơn nữa qua từng năm khiến người ta nhận ra rằng, người giàu sẽ ngày một giàu hơn với tốc độ nhanh chóng gấp hàng trăm lần người bình thường.
Sự thành công của họ được cho là đến từ 5 lối tư duy đầy trí tuệ sau:
Biến chi phí sinh hoạt thành một loại tư bản
Cùng có 500 ngàn đồng trong tay, anh A dùng số tiền đó để mua củi gạo dầu muối, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cuối tháng đó, anh A tiêu hết chẳng còn gì trong tay. Trong khi đó, anh B dùng 500 ngàn đồng để mua 50 đôi dép, sau đó bán ra với giá 20 ngàn đồng mỗi đôi. Vậy là chỉ sau một thời gian, anh B đã lãi gấp đôi số tiền ban đầu.
Có thể thấy, cùng là 500 ngàn đồng, một khoản biến thành số vốn ban đầu, thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh để gia tăng giá trị; một khoản thì biến thành chi phí sinh hoạt thường ngày, một đi không bao giờ trở lại.
Muốn làm được như vậy, chúng ta phải có một khát vọng thành công cực kỳ to lớn, có ý thức tư bản và kinh nghiệm kinh doanh đủ để đầu tư toàn bộ vốn sống của mình vào đó. Chỉ những người tràn đầy khát khao về sự giàu có và tận hưởng niềm vui kiếm tiền trong quá trình đầu tư mới có thể biến chi phí sinh hoạt thành nguồn vốn đầu tiên, đồng thời tích lũy nhận thức về vốn và tư duy điều hành tài chính. Kinh nghiệm và kỹ năng đạt được trong quá trình này là chìa khóa quan trọng để tiến tới thành công cuối cùng.
Khó khăn nhất trong vài năm đầu
Đối với một người dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, muốn kiếm ra 1 tỷ đầu tiên có thể mất đến 10 năm, nhưng phát triển đến 10 tỷ có thể chỉ mất thêm 5 năm, đến 20 tỷ có thể chỉ mất 2 hoặc 3 năm nữa là đủ rồi. Có thể thấy rằng, thời gian khởi nghiệp đầu tiên bao giờ cũng là những ngày tháng khó khăn nhất nhưng sau đó, khi chúng ta dần dần tích lũy được ngày càng nhiều kinh nghiệm và nguồn vốn, tốc độ phát triển của chúng ta sẽ ngày càng nhanh hơn giống như một chiếc xe đạp đã vào guồng chạy, chỉ cần ấn nhẹ pedal cũng có thể vượt vạn dặm đường.
Tài sản lớn nhất của mỗi người là bộ não
Sự khác biệt về trí thông minh và sức mạnh thể chất giữa mỗi con người không lớn như chúng ta tưởng. Nếu người khác làm được thì chúng ta cũng có thể làm được, chỉ là kết quả không hoàn toàn giống nhau vì chi tiết quá trình khác biệt. Chính vì thế, tài sản quý giá nhất của mỗi người không phải số tiền gửi ngân hàng, không phải một cơ thể mạnh mẽ, mà là một bộ não thông tuệ. Tư tưởng không chỉ đem tới sự giàu có về mặt tinh thần, mà bao gồm cả khía cạnh vật chất. Một ý tưởng sáng tạo đủ tốt có thể sinh ra một ngành công nghiệp, hoặc một lối tư duy tài chính linh hoạt cũng có thể tạo ra một sự thay đổi chưa từng có cho hoạt động kinh doanh.
Vì tư duy quyết định tính cách, nếu một nhân viên cậy tài khinh người bị ông chủ ghét bỏ, anh ta chỉ đổ lỗi cho việc mình không biết nịnh nọt sếp. Đúng là không có một vị ông chủ nào không ghét những kẻ thiếu tôn trọng mình, nhưng quan trọng hơn, thông qua cách hành xử của nhân viên, ông ta còn nhìn thấu giá trị của người đó. Tương tự, nếu vì một chút lợi ích nho nhỏ, bạn có thể tranh cãi đỏ mặt tía tai với đối tác làm ăn để giành phần hơn cho mình thì những vụ làm ăn của bạn mãi mãi chỉ để giành chút lợi ích nhỏ đó mà thôi. Với lối tư duy phiến diện ấy, đừng nói đến đầu tư, chỉ công việc quản lý tài chính hàng ngày thôi cũng đã đủ khó rồi.
Đầu tư khả năng của chính mình
Như Warren Buffett đã nói: “Đầu tư càng nhiều vào bản thân mình càng tốt, bạn là tài sản lớn nhất của chính mình cho đến thời điểm này”. Bạn sẽ không bao giờ có được khoản lợi nhuận nào tốt hơn trong cuộc sống so với khi bạn thực sự đầu tư vào chính mình. Chính vì thế, một trong những bí quyết tuyệt vời nhất để đạt được thành công của Warren Buffett là không ngừng học tập.
Charlie Munger, Phó chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway đã từng nói về người đồng nghiệp huyền thoại như sau: “Warren Buffett đã trở thành nhà đầu tư giỏi hơn rất nhiều kể từ ngày tôi gặp ông ấy và tôi cũng vậy. Nếu chúng tôi bị đóng băng ở giai đoạn nào đó với kiến thức chúng tôi có thì kết quả có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều. Vì vậy, muốn tiếp tục cuộc chơi thì phải học tập không ngừng.”
Đừng lấy xui xẻo ra viện cớ để thua cuộc
Một người phụ nữ từng than thở rằng, chồng cô đi làm mãi mà không chịu thăng tiến. Nghề kinh doanh chỉ cần lười một chút thôi là hỏng bét, thậm chí có thể không kiếm đủ tiền mà ăn. Chồng cô lại không chịu “giữ mình” ở trên mặt đất, luôn cho rằng mình là mẫu người sau này làm nên nghiệp lớn. Câu cửa miệng của chồng cô là: “Chỉ vì anh thiếu một chút may mắn”. Anh ta cho rằng nếu mình cũng có lộc, có điều kiện như những người khác, bây giờ nào phải chịu cảnh đầu tắt mặt tối kiếm tiền như thế này. Cuộc sống luôn tồn tại kiểu người này, những người “thành thạo” trong việc đổ lỗi cho ngoại cảnh và đùn đẩy trách nhiệm lên người khác mỗi khi bản thân vấp ngã. “Lỗi không phải do tôi”, họ luôn có niềm tin mãnh liệt như vậy.
Họ không hiểu rằng thất bại đơn giản là cơ hội để bắt đầu lại theo cách trí tuệ hơn. Không có gì gọi là xui xẻo, đó thực sự chính là cơ hội tuyệt vời để học tập nhiều điều quý giá hơn, giống như tiêu đề cuốn sách nổi tiếng “Hãy trộm lấy cơ may từ vận rủi” của Ryan Holiday, một tác giả, nhà tiếp thị và doanh nhân người Mỹ. Ông cũng là một chiến lược gia truyền thông, cựu giám đốc tiếp thị cho American Apparel và là một chuyên gia truyền thông, biên tập viên lớn cho tờ New York Observer.
Phương Thúy – Theo Trí thức trẻ