Đó là “Căn bệnh trầm kha” trong giới start-up. Mỗi một doanh nhân ngoài kia đều phải trải qua những tháng ngày ngờ vực, trầm cảm và sợ hãi trong bóng tối. Bạn cũng vậy!
Dành trọn tâm huyết, tiền bạc hay nói cách khác là tất cả mọi thứ vào một công ty với vô vàn rủi ro thất bại có thể khiến bạn sụp đổ hy vọng, tan vỡ cảm xúc. Nhưng khi bạn nhìn những đồng nghiệp xung quanh mình, hay nghe những chia sẻ của nhiều doanh nhân trên podcast, đọc sách của họ, thì dường như họ không phải chịu đựng khó khăn này.
Sự thực là họ chỉ đang chế ngự cảm xúc của mình. Mỗi một doanh nhân ngoài kia đều phải trải qua những tháng ngày ngờ vực, trầm cảm và sợ hãi trong bóng tối. Bạn cũng vậy!
Sự thật đau lòng
Thật không may, nhiều doanh nhân không chịu nổi tình trạng đó và cuối cùng phải chấm dứt việc kinh doanh, các mối quan hệ và thậm chí những điều tồi tệ hơn rất nhiều.
Điều này không quá ngạc nhiên. Theo nghiên cứu của Trường kinh doanh Harvard, có đến 9 trên 10 công ty khởi nghiệp thất bại. Trong khi đó, tỷ lệ thất bại của tất cả các công ty Mỹ sau 5 năm ở mức trên 50% và hơn 70% sau 10 năm. Những xung đột xảy ra liên tiếp như muốn chống lại bạn.
Có rất nhiều cạm bẫy gây ra sự thất bại này và có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình phát triển công ty: Giá cả kém, chất lượng kém, thị trường quá cạnh tranh, không có thị trường, tiếp thị kém, quảng bá sản phẩm kém, thiếu dòng vốn, quyết định thiếu sáng suốt, khách hàng xấu, làm việc nhóm kém hiệu quả hay thậm chí là lãnh đạo yếu kém.
Với tỷ lệ 25% người mắc bệnh trầm cảm ở Anh, việc nhiều start-up mắc phải chứng bệnh này là điều không quá ngạc nhiên. Vì thế, có lẽ không có gì lạ khi rất nhiều doanh nhân phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trách nhiệm khiến mọi người hạnh phúc
Là ông chủ của một công ty, bạn đặt rất nhiều tránh nhiệm trên đôi vai của mình. Dù giới start-up khốc liệt đến đâu nhưng bạn đều cố gắng kìm hãm những tiêu cực đang xảy ra cả trong nội tâm lẫn bên ngoài và luôn thể hiện làm tốt mọi việc.
Hầu hết các doanh nhân đều rất khéo léo trong việc thể hiện mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp. Đó thực sự là một kỹ năng ấn tượng – luôn cố gắng để trông mạnh mẽ, tự tin và kiểm soát mọi thứ, ngay cả khi những sóng gió đổ ập ngay trước mắt.
Sau đó, bạn phải đảm bảo tất cả mọi người và mọi thứ đều thoải mái và hài lòng, ngay cả khi phải làm những việc trái những gì mình muốn, bởi bạn không muốn để nhân viên, khách hàng, những người ủng hộ mình hay bất kỳ ai thất vọng. Và đặc biệt hơn, bạn cũng không muốn làm bản thân mình thất vọng.
Áp lực không chỉ dừng lại ở đó mà còn theo chân những ông chủ về tổ ấm riêng: Tiền thuê nhà, những hóa đơn chi tiêu định kỳ được gửi đến đều đặn. Mặc dù thật khó có thể tự xoay sở nhưng bạn không muốn gia đình thất vọng, người bạn chung giường hay con cái mình phải lo lắng.
Và cuối cùng, tận cùng của tất cả những áp lực đó là nỗi sợ thất bại. Không ai muốn cảm thấy hoặc bị coi là kẻ ngu ngốc. Thất bại là một điều thật đáng sợ nhưng nó vẫn dai dẳng bám theo như một đám mây đen ngay cả khi bạn đạt được những dấu mốc quan trọng trên con đường sự nghiệp. Ngay cả khi có động lực thực hiện những điều mình muốn thì nỗi sợ thất bại vẫn luôn quẩn quanh như muốn nhắc nhở về sự hiện diện của nó.
Đối mặt với trầm cảm trong khởi nghiệp
Khởi nghiệp không hoàn toàn khiến bạn phải chịu đựng trầm cảm hoặc những vấn đề sức khỏe tâm thần trong thời gian dài nhưng nó chắc chắn ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn, quan điểm sống và hạnh phúc ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Khi là một doanh nhân, trầm cảm sẽ thể hiện rõ nhất qua việc nếu bạn không thể rời khỏi giường hoặc thúc đẩy bản thân hoàn thành công việc, cuộc sống và “miếng cơm manh áo” sẽ đóng cửa theo đúng nghĩa đen. Đó là một vòng luẩn quẩn.
Không có cách nào để vượt qua nó dễ dàng nhưng có một vài lời khuyên từ những doanh nhân thành công có thể giúp bạn ngăn chặn nó hoặc giữ trong tầm kiểm soát.
- Giảm bớt những mong đợi
Khi bạn bắt đầu kinh doanh riêng, nghĩa là bạn đi lên từ hai bàn tay trắng. Động lực sục sôi đến mức rất nhiều người sau vô vàn vấp ngã vẫn tự đứng lên và làm lại từ đầu.
Nhưng bạn cần phải thực tế khi đặt mục tiêu, kế hoạch và kỳ vọng của bản thân. “Thất bại không phải là một lựa chọn” là một câu thần chú thật ngớ ngẩn khi làm việc bởi bạn đang thực sự dồn nén áp lực ngay từ giây phút đầu tiên và sẽ sớm thất vọng từ những kỳ vọng cao này.
Hãy bắt đầu với những mục tiêu có thể đạt được. Điều đó có thể tạo những phản ứng tích cực và giúp bạn có thêm động lực để tiếp tục hơn.
- Bắt đầu chậm
Đừng đánh giá thấp những thách thức mà bạn đặt ra khi bắt đầu kinh doanh. Thế nên, hãy bắt đầu chậm và ổn định. Khi đó bạn vẫn có thể xử lý dễ dàng những công việc phía sau và tạo dựng một nền tảng vững chắc để bắt đầu những bước tiến mạnh mẽ trong khi vẫn đủ khả năng chi trả việc ăn uống hằng ngày. Hãy nhớ, ăn uống là điều rất quan trọng!
- Trò chuyện với ai đó!
Điểm cuối cùng là đơn giản nhất nhưng cũng là lời khuyên khó nhất để thực hiện.
Đề cập đến những vấn đề bạn đang đối mặt là điều thật khó khăn. Thông thường, các doanh nhân sẽ gác những vấn đề này sang một bên và coi như mọi thứ vẫn suôn sẻ khi nói chuyện với người khác.
Nhưng thực tế là khi bạn chia sẻ khó khăn, bạn sẽ không bị chê cười hay từ chối. Tất cả doanh nhân đều đã trải qua điều này và những mọi người xung quanh bạn cũng vậy.
Và hãy nhớ rằng, khởi nghiệp chỉ là một sự lựa chọn trong vô vàn sự lựa chọn. Thất bại trong kinh doanh khác với việc thất bại trong cuộc sống. Không một ai thất bại mãi mãi nếu họ có ý chí và quyết tâm.
Anh Thơ – Theo Nhịp sống kinh tế/Medium