Tuần trước, tôi trở lại trường cũ để tham gia lễ kỷ niệm ngày thành lập trường, cũng trùng với thời điểm sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp. Trong buổi lễ, có người vô tình gợi ra một chủ đề: Bạn nghĩ xem 10 năm sau bản thân mình sẽ như thế nào?
Hầu hết mọi người đều nói rằng họ đã nghĩ đến điều đó. Một số người nói rằng sau 10 năm họ nghĩ mình đã có chỗ đứng ở các thành phố lớn. Có người lại nói, 10 năm sau chắc chắn sẽ mua được một căn hộ tiện nghi ở thủ đô. Có người lại kỳ vọng sau 10 năm đã có một gia đình hạnh phúc mỹ mãn với những đứa con ngoan.
Nghe qua thì tất cả đều rất bình thường, nhưng những bạn học đã qua tuổi 30 xung quanh tôi chẳng ai nói lời nào. Mười năm trước, cũng tại nơi này, chúng tôi cũng đã nói chính xác những câu như vậy. Nhưng 10 năm sau quay đầu nhìn lại mới thấy là cuộc sống không như mình mong tưởng. Chẳng ai nghĩ đến khi 30 tuổi mình vẫn còn phiêu bạt chưa ổn định. Chẳng ai nghĩ đến 30 tuổi mình vẫn cô đơn độc thân. Muốn kết hôn, muốn kiếm tiền, muốn mua nhà… mọi mong muốn của năm 20 tuổi đều chưa làm được.
Tựa như một thời cảm thán! Chưa đến tuổi 30, thì còn chưa biết được mong muốn tuổi 20 hóa ra lại không dễ thực hiện đến vậy!
Khi một người bạn thân của tôi sinh nhật năm 30 tuổi, cô ấy không thể hiện ra cảm xúc gì đặc biệt. Nhưng tôi hiểu cô ấy đang chịu không ít khủng hoảng trong cuộc sống. Những gì cô ấy mong ước ở tuổi 20 đều không có được, dù là trong cuộc sống hay công việc. Cô ấy có một người bạn trai không mấy hòa hợp, họ thường xuyên xung đột nhưng cô ấy không đủ dũng cảm để chấm dứt mối quan hệ. Cô ấy có một công việc đầy áp lực mệt mỏi, nhưng ngại không muốn thay đổi vì sợ tìm được một việc làm mới không chắc đã tốt hơn. Gần 30 tuổi, cô ấy vẫn đi thuê nhà và chưa có gì chắc chắn sẽ có một bước đột phá trong tương lai gần.
Những năm gần đây, khi nói chuyện với bạn bè, nhắc đến chuyện “quá muộn để làm gì đó”, không ít người bác bỏ tôi và khẳng định rằng không có gì là quá muộn. Đúng, khi bạn muốn làm một điều gì đó thì thực sự không phải muộn cho bất cứ thời điểm nào. Nhưng có một số việc, khi đã qua và để lỡ thì sẽ không còn nữa. Có quá nhiều hối tiếc trong cuộc sống bắt nguồn từ việc bạn không sớm lên kế hoạch cho bản thân.
Không ít người bạn của tôi từng nói rằng một trong những điều họ hối tiếc khi 30 tuổi chính là những năm tháng thời trẻ không học hành đến nơi đến chốn, không tìm được một trường đại học tốt để sau này bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm. Một người bạn khác của tôi được đánh giá rất có tư chất, học hành thông minh, nhưng lại ham chơi và thường xuyên trốn học. Đến khi vào đại học, cậu ấy chỉ có thể vào một trường không mấy danh tiếng và khi tốt nghiệp chật vật mãi mà sự nghiệp không khởi sắc lên được. Sau cùng, cậu ấy phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để đi học một khóa tại chức. Đến khi hơn 30 tuổi, cậu ấy cuối cùng đã có chút thành công, được mọi người nhìn nhận là chí lớn muộn thành. Nhưng cậu ấy chỉ cười mà nói rằng, cái gì mà chí lớn muộn thành, thành công chẳng qua là do những nỗ lực suốt cả bao nhiêu năm đằng đẵng mà thôi. Có lần cậu ấy nói, suốt những năm tuổi 20 đào hố và đến tận khi ngoài 30 tuổi mới chui ra khỏi được cái hố đó để làm lại từ đầu.
Tôi nhớ có lần tham gia một buổi diễn thuyết và nhà diễn giả đã nói, không có quãng thời gian nào trong cuộc đời con người chồng khít lên nhau, và tuổi 30 sẽ không bao giờ còn giống được như tuổi 20. Mười năm trôi qua, tức là đã qua không trở lại.
Ở tuổi 20, bạn không quan tâm đến sức khỏe và đến ngoài 30 tuổi, bạn phải liều mạng chạy vào bệnh viện!
Ở tuổi 20, bạn không nghĩ xem mình thích làm công việc gì và đến tuổi 30, bạn đột nhiên cảm thấy bản thân mãi vẫn cứ không có một mục tiêu để theo đuổi!
Ở tuổi 20, bạn không nghĩ xem mình muốn tìm kiếm người bạn đời như thế nào và đến tuổi 30, khi đối mặt với chuyện hôn nhân gia đình, bạn chợt cảm thấy thật khủng hoảng!
Không phải là 30 tuổi quá muộn để tiếp tục thực hiện những điều mình muốn, nhưng càng đến tuổi trung niên, gánh nặng cuộc sống càng nhiều, bạn sẽ càng ít thời gian và năng lượng hơn. Thời gian bị hoang phí những năm 20 tuổi sẽ càng khó lấy lại hơn những năm 30 tuổi. Điều này giống như làm bài tập về nhà. Nếu hôm nay bạn không hoàn thành bài tập của ngày hôm qua, thì ngày mai phần việc của bạn sẽ tăng lên gấp đôi.
Hãy nghĩ xem, bạn không thể đợi đến khi thất nghiệp mới rèn giũa kỹ năng cho mình. Bạn không thể đợi đến lúc muốn kết hôn rồi mới đi tìm người mà mình muốn. Trong cuộc sống này, bất kỳ giai đoạn nào người ta cũng phải hối hả vội vã trên đường? Liệu có khi nào bạn hỏi xem sống như vậy có mệt không? Đương nhiên là mệt. Nhưng nếu như không có gì để làm thì mới là mệt mỏi vô vọng nhất!
Những người 20 tuổi sẽ không bao giờ nghĩ được độ tuổi 30 có bao nhiêu khó khăn. Chúng ta luôn tràn ngập niềm tin và đầy ắp những khát khao cháy bỏng cho tương lai. Điều này rất tốt, nhưng thế giới này có quá nhiều thử thách để khiến những điều đó không thành hiện thực. Ở tuổi 20, bạn không đưa ra một lựa chọn đúng đắn, đến tuổi 30 thậm chí sẽ không còn lựa chọn nào khác nữa.
Cuộc sống giống như một cuộc đua marathon, bạn sẽ phải chạy từ đầu đến cuối quãng đường. Nhưng nếu những chặng đầu bạn có thể có được các vị trí hàng đầu, thì nửa đường sau sẽ có cơ sở để không phải quá vất vả, còn nếu như ngay từ đầu đã lùi lại phía sau, thì nửa đường của bạn chắc chắn sẽ đầy chông gai mệt nhọc. Hãy nhớ rằng, khủng hoảng tuổi 30 bắt nguồn từ những quyết định tuổi 20 của bạn. Và một hành trình tiếp nối cho 10 năm của tuổi 30 sẽ là cơ sở cho những tháng ngày tuổi 40!
Bảo Ngọc (sưu tầm và biên dịch)