USAID, IM Group và 40 doanh nghiệp thảo luận về giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực và gia tăng cơ hội việc làm, ngày 5/4.
Trong buổi tọa đàm, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam đã có buổi gặp gỡ đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Các đơn vị đề cập tới giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số Đồng bằng sông Cửu Long và quá trình số hóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sự kiện công bố hợp tác giữa USAID và IM Group. Đơn vị này cũng ký kết hợp tác chiến lược cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ và Công ty cổ phần Trustpay giai đoạn 2022-2027.
USAID dự kiến đầu tư hơn 40 triệu USD để đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số chất lượng cao, trong đó có việc hỗ trợ IM Group xây dựng hệ thống trung tâm chuyển đổi số khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. IM Group cũng phối hợp nhiều tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khu vực.
Bà Ann Marie Yastishock cho biết, thông qua buổi tọa đàm, bà đã nắm rõ những vấn đề cần hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực tại khu vực. Dự kiến, USAID sẽ đầu tư tổ chức các lớp đào tạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tập trung vào phụ nữ. Đơn vị cũng đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn chuyển đổi số, đầu tư cho các dự án xúc tiến thương mại trên nền tảng số.
Cũng trong buổi ký kết, ông Nguyễn Minh Đức – CEO IM Group cùng với bà Ann Marie và ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch VECOM tiến hành nghi thức cắt băng khánh thành, ra mắt Trung tâm đào tạo Chuyển đổi số IM Group Cần Thơ. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng các trung tâm đào tạo trong khu vực và trên toàn quốc.
Việc ký kết hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và năng lực về thương mại điện tử, đào tạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam và hội viên của năm đơn vị; đồng thời tham gia tích cực, hiệu quả vào Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025.
IM Group sẽ hợp tác đào tạo kỹ năng thực tế về kinh doanh trên thương mại điện tử và chuyển đổi số doanh nghiệp cho hội viên của các đối tác lớn tại Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các giải pháp chuyển đổi số bao gồm: giới thiệu sản phẩm du lịch; sản phẩm nông nghiệp theo hình thức liên minh hợp tác (co-op) và chuyển đổi số cho hoạt động logistics người sản xuất tại nông thôn kết nối người tiêu dùng.
Thông qua buổi tọa đàm, các đơn vị lớn đã có những định hướng chiến lược trong tương lai, mang đến những giải pháp kịp thời, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực thúc đẩy nền kinh tế số.
Ánh Dương–Theo Nhịp Sống Kinh Tế