Thông tin này đang gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc.
“Liên minh NATO phi quân sự thu nhỏ”?
Gần đây, nhiều nền tảng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông lan truyền thông tin: Sau cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan và ba nước Baltic tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đồng ý với đề xuất của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc thành lập một “liên minh NATO phi quân sự thu nhỏ” nhằm chống lại Nga với sự tham gia của sáu nước Ukraine, Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia và Phần Lan.
Một số người dùng Twitter cho biết thêm, tin tức này xuất phát từ “Thông cáo Kiev của bốn nước Baltic”, nêu rõ sáu nước Ukraine, Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia và Phần Lan sẽ “thành lập một lực lượng phản ứng nhanh liên hợp ở Kiev, đưa ra chiến lược hạt nhân, tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân và cắt đứt hoàn toàn mọi kết nối trên bộ giữa Nga và Châu Âu”.
Cư dân mạng Trung Quốc đưa tin về cái gọi là “liên minh NATO phi quân sự thu nhỏ”.
Sự thật là gì?
Tuy nhiên, theo The Paper (Trung Quốc) xác minh, Tổng thống Ba Lan và ba nước Baltic đã thực sự đến thăm Ukraine gần đây. Hãng tin Reuters ngày 13/4 đưa tin, Tổng thống Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia đã đến Kiev bằng tàu hỏa và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Bốn quốc gia yêu cầu Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động quân sự ở Ukraine, đồng thời kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng xác nhận chuyến thăm này. Ngày 13/4, trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Ukraine đăng hai bài báo cho biết Tổng thống Volodymyr Zelensky đã dùng bữa trưa với các Tổng thống Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia, đồng thời tổ chức hội nghị chung và gặp gỡ giới truyền thông sau đó. Tổng thống Zelensky cho biết, Ba Lan và các nước Baltic là những người bạn thực sự của Ukraine, luôn đi đầu trong việc bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. Tổng thống của các nước Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia lần lượt đưa ra những tuyên bố xoay quanh xung đột Nga-Ukraine hiện nay.
Theo nội dung bài báo, lãnh đạo các nước Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia đều bày tỏ sự đồng tình với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga tại cuộc gặp gỡ truyền thông. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, ông hy vọng các lệnh trừng phạt mà các nước áp đặt lên Nga sẽ giúp chấm dứt xung đột và ngăn chặn “hành động tương tự trong tương lai”, đồng thời hy vọng Ukraine sớm trở thành một phần của EU.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho rằng chính quyền Nga phải chịu trách nhiệm về sự cố Bucha và Ukraine phải giành chiến thắng trong xung đột nên Ukraine cần hỗ trợ về các phương diện như quân sự, vũ trang, nhân đạo, tài chính, kinh tế. Ông Nauseda kêu gọi quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận toàn bộ đối với dầu khí của Nga và các ngân hàng của Nga. Ngoài ra, ông cũng thông báo rằng Lithuania có kế hoạch thành lập một trung tâm văn hóa và giáo dục Ukraine ở thủ đô Vilnius. Trung tâm này sẽ hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đệ nhất phu nhân Lithuania.
Tại cuộc gặp gỡ truyền thông ngày 13/4, Tổng thống Estonia Alar Karis và Tổng thống Latvia Egils Levits cùng đề cập đến nhu cầu hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Ông Levits cho rằng tất cả các thành viên NATO nên viện trợ vũ khí cho Ukraine và Latvia cũng có thể hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Tổng thống Karis thì chỉ ra sự cần thiết phải đẩy quân đội Nga xa hơn về phía đông để đảm bảo hòa bình ở châu Âu.
Nhưng ngoài điều đó ra, không có tin tức nào cho thấy Ukraine cùng với Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đưa ra “Tuyên bố Kiev” về việc thành lập một “liên minh NATO phi quân sự thu nhỏ” và cũng không có tin tức nào cho thấy Phần Lan liên quan đến mô hình này.
Theo thông tin tức trên các nền tảng mạng xã hội, sáu quốc gia Ukraine, Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia và Phần Lan có kế hoạch thành lập một liên minh “phi quân sự hóa”. Tuy nhiên, luồng thông tin này cũng nói rằng, các nước thành lập “lực lượng phản ứng nhanh liên hợp, đưa ra chiến lược hạt nhân và tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân” ở Kiev. Như vậy, có thể tự hiểu, đây rõ ràng là sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Điều này rất mâu thuẫn.
Tìm kiếm các từ khóa như “Johnson NATO” trên các thanh công cụ tìm kiếm, không thể tìm thấy bất kỳ tin tức nào về việc Thủ tướng Anh đề xuất với Tổng thống Ukraine thành lập một liên minh phi quân sự.
Sau khi xác minh, cái gọi là “Tổng thống Zelensky thông qua đề xuất của Johnson về việc thành lập một liên minh NATO phi quân sự thu nhỏ bao gồm Ukraine, Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia và Phần Lan để chống lại Nga” chỉ được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ngoài ra, theo The Independent (Anh), vào giữa tháng 3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố trước công chúng rằng “Ukraine khó có thể gia nhập NATO”.
Vậy, về hợp tác an ninh, cuộc họp diễn ra tại Kiev vào ngày 13/4 đã mang lại kết quả thực chất chưa? Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Ukraine đưa tin vào ngày 15/4, ba nước Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania và Ukraine đã ra một tuyên bố chung, trong đó đề cập đến việc ba nước Baltic sẽ thúc đẩy và tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng với Ukraine.
Tóm lại, thông tin Ukraine sẽ cùng với Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia và Phần Lan thành lập một “liên minh NATO phi quân sự thu nhỏ” để chống lại Nga là không có bằng chứng. Tổng thống Ba Lan và ba nước Baltic đã gặp tổng thống Ukraine vào ngày 13/4 và công khai bày tỏ ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ba nước Baltic và Ukraine mới đây đã ra tuyên bố chung, trong đó đề cập đến việc sẽ thúc đẩy và tăng cường hợp tác song phương và đa phương trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Theo Pháp luật và Bạn đọc