Trong cuốn sách Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam tác giả kể nhiều gương sáng trong hoạt động nhân ái của một số tỉ phú Mỹ, trong đó có Chuck Feeney, một người đã bỏ rất nhiều tài sản của mình giúp các hoạt động giáo dục, khoa học và y tế, trong đó có nhiều đề án đã được thực hiện ở Việt Nam. Trong bài này, tác giả kể thêm một số chuyện về nhân vật đặc biệt này.
(I)
Chắc nhiều người Việt Nam đã biết về nhà tỉ phú Mỹ hoạt động nhân ái nổi tiếng này, “keo kiệt” với bản thân, nhưng hào phóng với thiên hạ. Tin trên mạng Việt về ông không thiếu. Ông đã mang tặng Việt Nam tổng số tiền $220 triệu cho các đề án giáo dục, y tế, thư viện, trong khoảng thời gian 1998 – 2006, từ Cẩn Thơ ra đến miền Trung và Thái Nguyên.
Nhưng có lẽ ít ai biết rằng ông là người mà quỹ nhân ái Atlantic Philanthropies của ông đã tài trợ phân nửa chi phí xây dựng cho Đại học RMIT Nam Sài gòn, 33,6 triệu USD, để đại học này hình thành từ mảnh đất hoang. Mục đích ông là xây dựng môt đại học hiện đại nhất để “làm kiểu mẫu” cho đại học Việt Nam, như cựu thủ tướng Phan Văn Khải mong mỏi. Thực tế đại học đó đã giúp đổi đời bao thanh niên, cho rất nhiều học bổng, góp phần phát triển nguồn nhân lực không những của thành phố mà của cả Việt Nam (RMIT giờ có thêm chi nhánh ở Hà Nội). “Cho ai con cá, nuôi người đó một ngày. Dạy ai câu cá, nuôi người đó cả đời.” Đó là mục tiêu của hoạt động nhân ái (philanthropy).
Vào trong đại học, người ta có cảm giác đó là đại học ở nước ngoài, hiện đại, mỹ thuật và chuyên nghiệp, toả ra cái không khí đại học, thu hút, và truyền cảm hứng. Chuck Feeney tâm sự: Việt Nam đối với ông như ngọn đèn, và ông như con mối. Mối cứ bay lăn xả vào đèn. Ông hoạt động hết sức âm thầm, chỉ nhắm tới tính hiệu quả.
Ông là một con người hết sức đặc biệt. Cái nhà riêng, xe riêng cũng không có, ăn thì ở những quán bình dân, tỉ như “ăn bụi” ở Việt Nam, tuy chưa đến nỗi, đi máy bay thì hạng nhì (economy class), đồng hồ thì giá chỉ $15, vân vân.
Trong lá thư gửi cho Bill Gates và Warren Buffett, ông đã viết: “Tôi không tưởng tượng nổi có một sự sử dụng tài sản cá nhân nào mà đáng làm và thích hợp hơn là việc hiến tặng trong khi chúng ta còn sống – để mình dấn thân cho những nỗ lực cải thiện điều kiện sống của nhân loại.” (trong Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam).
Ngưỡng mộ làm sao tấm gương nhân ái của một con người có trái tim và tình cảm mênh mông như thế. Phải chi có ai, một tập thể, hay một tổ chức nào, mời ông đến toạ đàm với cộng đồng Việt Nam, với sinh viên, và giới doanh nhân, nhà giáo dục, nhà làm luật, để truyền cảm hứng! Đáng làm thay! Sẽ là một sự kiện quan trọng và đáng nhớ cho cộng đồng Việt Nam, hỗ trợ hình thành phong trào nhân ái.
(II)
Tôi muốn kể tiếp câu chuyện của nhà hoạt động nhân ái Chuck Feeney. Tôi đã có lần giới thiệu quyển sách nhỏ “Chủng tộc Technion” (Tiếng Anh: Technion Nation) nói về Đại học Công nghệ Technion rất mạnh của Israel tại Haifa. Đây là đại học công nghệ đầu tiên của Do Thái được xây dựng trước khi Do Thái có quốc gia. Einstein là một người đỡ đầu đầu tiên, kêu gọi những người Do Thái thế giới hãy gây quỹ để xây dựng. Đại học này đã gieo mầm cho “Sự thần kỳ kinh tế” Do Thái, đầu tiên và trên hết công việc của họ là hỗ trợ công nghệ hiện đại cho quốc phòng, rồi từ đó lan toả sang lãnh vực dân dụng, và trở thành nền tảng của “Quốc gia khởi nghiệp” của Israel.
Feeney và Technion có mối liên hệ gì không? Có lắm chứ, một cách tình cờ và kỳ lạ. Một mặt, chủ tịch David Skorton của Đại học Cornell đang ấp ủ một giấc mơ thiết lập thêm một campus tại một thành phố quan trọng để đầu tư thêm vào lãnh vực công nghệ cao quan trọng hàng đầu. New York, cách 4 giờ xe, là một địa điểm trong tầm ngắm. Cornell cũng đã có dấu chân họ tại đây với một trung tâm y khoa quan trọng. Thành phố New York cũng có 50.000 cựu sinh viên của họ đang sống.
Mặt khác, và đây là cơ hội vàng, đầu năm 2011, Thị trưởng Michael Bloomberg của thành phố New York kêu gọi các nhà đầu tư đại học tham gia đấu thầu đề án “Thung lũng Silicon phía Đông” tại New York, New Jersey. Bloomberg có ý định táo bạo muốn biến “Quả táo to” (Big Apple, ám chỉ thành phố New York) thành “một tổ ong của đổi mới sáng tạo và khám phá”, một trung tâm của khởi nghiệp sáng tạo (entrepreneurship) và công nghệ, tham vọng sẽ cạnh tranh với Thung lũng Silicon của California. Trung tâm này sẽ được xây dựng trên đảo Roosevelt nằm trên sông East River. Lãnh đạo thành phố tin rằng một trung tâm công nghệ như thế sẽ có tác dụng biến đổi NY như kênh đào Erie nối sông Hudson và Great Lakes đã từng làm. Hạn chót nộp đề bài là ngày 28 tháng 10, 2011. Chi phí xây dựng là $2 tỉ.
Tham gia đấu thầu là những “đại gia” mạnh, như Harvard, Cornell, Columbia và Stanford. Dĩ nhiên, là một “lò ấp trứng” công nghệ thành công cho Thung lũng Silicon, Stanford là “nhà chào thầu” sáng giá nhất, trong khi Cornell, với những chương trình công nghệ và khoa học tính toán chỉ đứng vào danh sách top ten của Mỹ. Nhưng rồi, một quyết định táo bạo, Cornell thành lập “liên doanh” với Technion của Israel, để củng cố thế đứng của mình. Technion được xem như một MIT (Đại học Công nghệ Massachusetts) của Israel, có những thành tựu khoa học công nghệ xuất sắc, một cái “lò” sản xuất khởi nghiệp nổi tiếng, và đã sản xuất ra ba nhà khoa học giải Nobel từ 2004.
Tất cả những diễn biến trên đều được chủ tịch Skorton của Cornell thông báo đều đặn cho Feeney, và ông tỏ ra rất quan tâm, tuy chỉ ở mức độ quan tâm mà chưa có cam kết gì.
Rồi ngày 1 tháng 12, Feeney chính thức “vào cuộc”. Ông cam kết ủng hộ $350 triệu như quà tặng từ Quỹ Atlantic Philanthropies của ông cho liên doanh Cornell-Technion làm chi phí xây dựng ban đầu, một số tiền rất rất lớn cho một dự án giáo dục. Điều này gây hết sức bất ngờ cho Skorton. Ông sững sờ chưa tin, hỏi lại bà Helga, vợ (sau) của Feeney, vốn là người Đức, rằng có đúng như thế hay không. Bà trả lời với giọng Đức: “Vâng, đúng như anh ấy đã nói”. Đây là quà tặng nhân ái lớn nhất của Feeney. Chính ông cũng tràn đầy cảm xúc khi trao cam kết cho đại diện của Cornell. Mà đấy chỉ mới là tiền “up front”, “đặt cọc” thôi. Cam kết này đủ sức để củng cố thêm vị thế của liên doanh. Các mạnh thường quân khác theo sau.
Stanford chào một chương trình chi tiết đầy hứa hẹn với tất cả thành công của quá khứ, với sự giàu có về kinh nghiệm như một “bảo chứng”, nhưng lại rơi vào một tình huống bất lợi ngay từ đầu. Bởi lẽ thành phố New York mong muốn có một Thung lũng Silicon hạng nhất thế giới, không phải hạng hai sau California. “Nếu bạn muốn trở thành số một, thì Silicon Valley phải trở thành số hai.”
Giờ cuối Stanford tuyên bố rút lui, khi thấy mình thất thế. Và liên doanh Cornell-Technion được chọn. Đại học mới đi vào hoạt động chính thức năm 2017. Và đó là mối liên hệ kỳ lạ giữa Feeney và Technion, và New York, nơi không xa chỗ sinh của ông.
Chuck (Charles Francis) Feeney sinh năm 1931 tại khu phố áo cổ xanh Elmora, thành phố Elizabeth, bang New Jersey, từ một gia đình gốc Ireland. Nhà nghèo, ông sớm phải làm thêm kiếm tiền. Khi thì bán dù trên bãi biển, “Umbrella boy”, khi thì bán bánh mì kẹp tại ĐH Cornell, “Sandwitch boy”, nơi sau này ông học và tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn. Ông lúc nào cũng nghĩ ra cơ hội kinh doanh. Và cuối cùng ông giàu lên với chuỗi cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop). Ông tiên đoán sức mua sẽ tăng cao của giới quân sự, và những nhà có tiền của Nhật Bản, và dĩ nhiên của Đức, và cả thế giới phương Tây, khi những thần kỳ kinh tế thời hậu chiến xuất hiện.
Có lẽ ông đã thừa hưởng các tố chất của cha lẫn mẹ là những người tuy nghèo nhưng lúc nào cũng sẵn sàng làm từ thiện một cách ẩn danh. Và ông cảm thấy gắn bó với những đứa trẻ nghèo, những người thợ áo cổ xanh của vùng Elmora, sống “phung phí” là “phản bội” lại họ. Sự chia tay với bà vợ thứ nhất có lẽ phần lớn nằm trong hai quan niệm sống khác biệt. Tuy đi chung máy bay với nhân viên điều hành của Quỹ Atlantic Philanthropies, hay với các con ông, tuy họ đều ngồi ghế hạng doanh nhân, nhưng ông vẫn một mực ngồi hạng kinh tế phía sau, không cách gì lay chuyển. Ông cũng không đòi hỏi con cái phải sống như ông.
Cái chết của một đứa cháu, con của một bà chị, rất gần gũi với ông, và có những tố chất giống ông, gây ra một cuộc khủng hoảng cho ông. Ông ý thức rằng, tuy có tiền, và tuy nỗ lực hết sức mình, nhưng không thể nào cứu được đứa cháu. Tiền bạc không mua lại được mạng sống của con người. Cho nên ông quyết định đầu tư nhiều vào ngành y tế.
Feeney và Helga là cặp chim không tổ, sống “rày đây mai đó”, ít ai biết họ đang ở đâu. “Thế giới là nhà”. Ông đi để tìm những đề án hoạt động nhân ái. Lúc nào người ta cũng thấy ông, ngoài chiếc vali đồ dùng, luôn có nhứng túi đựng sách kèm theo. Ông không bao giờ rời xa sách vở. Người ta chọc ông rằng, với chín bằng tiến sĩ danh dự được trao tặng ông, người ta phải trân trọng gọi ông là “Ngài Dr., Dr., Dr., Dr., Dr., Dr., Dr., Dr., Dr., Dr. Feeney!”
Khi Forbes xếp ông là tỷ phú năm 1988, nhà báo Buddy de Lazaro viết trên một cột báo của Elizabeth Daily Journal, rằng sự thành đạt trở thành tỷ phú là “không tồi cho một cậu bé Elizabeth đã từng khởi đầu bằng cách bán những chiếc dù và bánh mì kẹp”. Ngày hôm sau Feeney tìm cách gặp de Lazaro để nói rằng bài báo đã làm ông vui còn hơn một bài trang nhất của Business Week. “Chúng ta những đứa trẻ của Elmora hãy gắn bó với nhau”, ông viết. Và “Có một ngạn ngữ phương Đông”, ông tiếp, nói rằng “Sự giàu có không thay đổi con người, nó chỉ làm lộ ra con người thật thôi. Tôi đoán, dưới cái mặt nạ kia là một đứa trẻ từ Elmora đội chiếc mũ bóng chày”.
“Giàu có mang lại trách nhiệm”. “Người ta phải xác định mình, hoặc cảm thấy một trách nhiệm sử dụng một số tiền của tài sản để cải thiện cuộc sống cho các đồng loại mình, hay thích tạo ra những vấn đề rối rắm cho các thế hệ tương lai hơn.” Ông tin, như Carnegie, rằng tài sản dễ làm cho con người hư hỏng.
Bill Gates nói với Feeney: “Bạn đã làm một tấm gương tốt nhất cho tất cả”. “Bạn đã đi trước chúng tôi vạn dặm”. “Rất lâu trước khi Cam Kết Hiến Tặng (Giving Pledge) ra đời (từ sáng kiến của vợ chồng Gates và Buffett), Chuck Feeney đã là tấm gương tiêu biểu cho các đồng nghiệp hoạt động nhân ái của ông”, như Bill Gates được trích dẫn.
Như Gandhi từng nói “Đời tôi là một thông điệp”, thì cũng tương tự, đời của Chuck Feeney cũng là một thông điệp. Ông ngưỡng mộ và sống theo lời khuyên của Carnegie, là không để lại tài sản gì ngoài một tấm gương của “Một cuộc đời khiêm tốn, không khoe khoang, tránh xa sự phô trương và phung phí; thoả mãn vừa phải những nhu cầu chính đáng của những người thân gia đình; và sau khi đã làm điều đó, hãy xem tất cả những lợi tức thặng dư đã đến với anh ta đơn giản chỉ là những quỹ ủy quyền mà anh ta đã được chọn để quản trị… để tạo ra những kết quả có lợi nhất cho cộng đồng” (Xem Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam)
Nhưng ông cũng không hoàn toàn giống Carnegie. Các đề án của Carnegie như thư viện, trường học… còn mang tên ông, trong khi các đề án của Feeney thì không hề mang tên Feeney. Ông luôn vẫn muốn ẩn danh. Truyền thống của gia đình ông, và của khu phố Elmora là giúp đỡ nhau mà không phô trương sự giàu có, hoặc phô trương hoạt động của mình!
Nhìn những việc làm của Feeney, của đầu tư vào dự án RMIT, và dự án khổng lồ Cornell-Technion, tôi chợt nghĩ: Tại sao RMIT không mở một campus thứ hai chuyên về các công nghệ cao, liên doanh với một đại học nào khác có tên tuổi trên thế giới? RMIT-Technion, RMIT-MIT, hay gì đó? Nó sẽ là vườn ươm công nghệ và entrepreneurship cho các thế hệ trẻ Việt Nam, và kích thích các đại học Việt Nam nâng cao chất lượng? Thành phố không thể cất cánh nếu không có một trung tâm công nghệ với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo có tầm cỡ.
Làm sao chuyển đến ngài Feeney những suy nghĩ thô thiển này? Việt Nam rất cần đến ông ra tay nghĩa hiệp một lần nữa. Ông từng được người ta ví là một James Bond của hoạt động nhân ái mà.
Cám ơn ông đã để lại tấm gương hoạt động nhân ái muôn đời cho hậu thế. Như đã nói trong lần trước, nếu có một nhóm tình nguyện mời ông qua Việt Nam để nói chuyện với giới doanh nhân, sinh viên, trí thức, nhà làm luật, để truyền cảm hứng từ một tấm gương nhân ái vĩ đại, người thật, việc thật, thì thật không còn gì quý bằng. Việt Nam cũng nên trao tặng bằng tiến sĩ danh dự thứ mười cho ông, để nói với ông: Thank you!
Nguyễn Xuân Xanh
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (diendan.org)