Theo tỷ phú Rockefeller, tư duy cao cấp nhất của người giàu không phải là kiếm tiền, mà là… tiêu tiền. Tuy nhiên ý người hiểu và làm được.
Rockefeller là tỷ phú đầu tiên trên thế giới với tài sản cá nhân hơn 1 tỷ USD Mỹ, tài sản của ông từng bằng 1,5% GDP của Hoa Kỳ. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, Rockefeller đã luôn tìm tòi mọi cách để có thể kiếm tiền. Rockefeller cũng chưa từng che giấu lòng tham tiền bạc của mình, bởi ông tin rằng chính “lòng tham” tiền bạc đã cho ông động lực để tiến lên phía trước.
Con trai của ông, John Jr. từng đề nghị cha thay đổi “lòng tham” thành “tham vọng”, nhưng ông đã phản đối. Theo Rockefeller, không có gì đáng xấu hổ khi thích tiền, ông thích dùng từ “tham lam” hơn “tham vọng” và nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm. Bởi vì nó có thể huy động cảm xúc của một người và thực sự khiến anh ta cảm thấy hạnh phúc.
Ngoài ra, ông cũng có một định nghĩa rất khác về việc “kiếm tiền và tiêu tiền”. Theo tỷ phú này, kiếm tiền là năng lực, tiêu tiền là kiến thức. Biết cách tiêu tiền là tư duy cao cấp nhất của người giàu.
Tuy nhiên, để nhận ra điều này, tỷ phú giàu nhất lịch sử nước Mỹ cũng phải trải qua một hành trình nhận thức lâu dài.
Khi còn trẻ, từ bàn tay trắng, tỷ phú Rockefeller đã liều lĩnh kiếm tiền bằng mọi cách và không kiêng nể ai hay điều gì. Nhờ đó, ông trở thành doanh nhân giàu có sớm nhất và thành công nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là người sáng lập ra tổ chức độc quyền kinh tế đầu tiên, Standard Oil Company.
Vào thời điểm đó, nhiều doanh nhân Mỹ rất ghét Rockefeller và công ty của ông vì hầu hết của cải, cơ hội làm ăn và sức ảnh hưởng ở Mỹ đều nằm trong tay tỷ phú này.
Ngoài 50 tuổi, khi trải qua một trận trọng bệnh, Rockefeller nhìn vào đống của cải mình có được rồi nhận ra rằng tiền bạc là vật ngoài thân, chết đi cũng không mang theo được.
Cũng từ đó, ông quyết định khối tài sản này phải được chi tiêu một cách đúng đắn nhất, đó là điều mà những người giàu có thực sự làm. Rockefeller cũng không có ý định trao cho con trai ông quyền thừa kế gia sản. Điều đó khiến cả thế giới tò mò xem khối tài sản khổng lồ của vị tỷ phú này sẽ đi về đâu.
Năm 1905, Rockefeller 66 tuổi. Tạp chí Cosmopolitan đã xuất bản một loạt các bài báo có tựa đề “Vua dầu mỏ Mỹ sẽ an bài khối tài sản khổng lồ như thế nào?”. Nội dung của những bài báo này nói lên việc mọi người rất quan tâm đến khối tài sản của tỷ phú Rockefeller trong tương lai và đưa ra nhiều dự đoán về “số phận” của nó.
Trước những suy đoán của mọi người, tỷ phú này lại chọn cách “tiêu tiền”, tiêu đi một phần số của cải của mình và coi đó “ là cách đầu tư tốt nhất”. Theo đó, tỷ phú Rockefeller đã liên tiếp phân phát hàng trăm triệu USD cho các trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, …, đồng thời thành lập một tổ chức từ thiện khổng lồ. Trong vòng 12 năm, Rockefeller đã đầu tư 446 triệu USD vào 4 tổ chức từ thiện lớn của mình rồi trao lại cho con trai.
Thông qua các tổ chức này, Vua dầu mỏ Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào các hoạt động phúc lợi công cộng như giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và văn học nghệ thuật. Con trai ông sau đó cũng đổ 822 triệu USD tài sản vào những tổ chức này. Hiệu quả thu về cũng rất đáng chú ý. Quỹ Rockefeller đã liên tiếp đào tạo được 12 nhân tài đoạt giải Nobel về y học, ba ngoại trưởng Hoa Kỳ, và vô số nhà khoa học, nhà văn và nghệ sĩ.
Thông qua việc tiêu tiền đúng đắn, Rockefeller không chỉ kiếm được thêm tiền, tích lũy thêm tài sản mà còn giành được sự tôn trọng của thế giới, tạo dựng hình ảnh đẹp cho gia tộc Rockefeller. Đồng thời cũng tạo nên một bàn đạp tốt cho sự nghiệp lớn của gia tộc.
Cho đến nay, ảnh hưởng của Rockefeller ở Mỹ và thậm chí cả thế giới vẫn rất quan trọng. Các sản phẩm dầu mỏ của đế chế Rockefeller vẫn đang chảy đến mọi nơi trên thế giới.
Không ai có thể phủ nhận rằng Rockefeller chính là công dân Mỹ vĩ đại. Bởi vì ông đã tạo ra tri thức cùng của cải và thay đổi cả thế giới. Rockefeller đã quyên góp rất nhiều tiền cho các tổ chức giáo dục trong suốt cuộc đời của mình. Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh danh tiếng ở Trung Quốc cũng được thành lập vào năm 1921 bởi Quỹ Rockefeller.
Hành động của tỷ phú Rockefeller đã thể hiện rõ ràng tư duy của ông: Kiếm tiền là kỹ năng, tiêu tiền là kiến thức. Biết cách tiêu tiền là tư duy cao cấp nhất của người giàu!
(Theo Toutiao)-Ánh Lê–Theo Nhịp sống thị trường