Tỷ phú Rockefeller Sr. dặn con đời người có một thứ càng khoe càng gặp sóng gió, có 2 loại người càng kết giao càng dễ thụt lùi. Cách dạy con này của ông đã giúp gia tộc của mình giàu sang đến tận 7 đời.
Tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. (8/7/1839 – 23/5/1937) là một ông trùm kinh doanh và nhà từ thiện người Mỹ. Với biệt danh “Vua dầu mỏ”, ông là người đã sáng lập nên đế chế dầu mỏ lừng lẫy – Tập đoàn Standard Oil.
Người ta thường nói rằng nhắc đến John Davison Rockefeller Sr. là nhắc đến sự giàu có tột bậc. Theo đó, khối tài sản của Rockefeller Sr. năm 1916 chiếm gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia, và nếu được điều chỉnh theo lạm phát thì ngày nay tài sản của ông sẽ có giá trị khoảng 418 tỷ USD. Con số này lớn hơn nhiều so với tài sản của Jeff Bezos, người giàu nhất hiện nay. Cũng bởi vậy mà tỷ phú này được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Người xưa có câu: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó 3 đời”. Tuy nhiên, câu nói này không đúng với gia tộc Rockefeller. Trải qua hơn 100 năm, gia tộc này đã giàu có và hưng thịnh tới 6 đời. Bước sang thế hệ thứ 7 với 174 người thừa kế, họ vẫn giữ được số tài sản khổng lồ với tổng giá trị tài sản xấp xỉ 11 tỷ USD vào năm 2019.
Không chỉ sự giàu có, dấu ấn của gia tộc Rockefeller cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi khi nhìn lại lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Rất nhiều “niềm vinh quang” của nước Mỹ đều do gia tộc này tạo nên. Lý giải nguyên do con cháu của Rockefeller vẫn có thể phá bỏ “lời nguyền” đáng sợ một cách dễ dàng, nhiều người cho rằng tất cả đều nhờ vào nền tảng giáo dục gia đình.
John Davison Rockefeller Sr. không chỉ là doanh nhân giỏi mà còn là một người cha tuyệt vời. Những lời dặn dò của ông dành cho con cháu đều cho thấy được tầm nhìn hơn người. Cũng nhờ vậy mà các thế hệ con cháu đều tiếp tục sự thịnh vượng, nối dài sự thành công, giàu có của ông.
Trong suốt cuộc đời mình, “Vua dầu mỏ” đã viết cho con trai tổng cộng 38 lá thư. Điều đáng bất ngờ chính là nội dung trong những bức thư này đều là những lời dặn dò rút ra từ những bài học cuộc sống quý báu mà bản thân ông đã từng trải qua và tự mình chiêm nghiệm.
Một trong những lời dặn dò “kinh điển” nhất đó là: “Một kẻ rêu rao về trí thông minh chính là kẻ ngu ngốc. Còn người biết giả ngốc mới thật sự thông minh”. Qua câu nói này, vị tỷ phú giàu có nhất lịch sử Rockefeller đã dặn các con nên giấu kín sự khôn ngoan, chớ nên cho thiên hạ biết bởi càng khoe đời người càng gặp nhiều sóng gió.
Theo vua dầu mỏ: “So với phô bày trí thông minh, giả ngu ngốc có rất nhiều lợi ích. Quan trọng nhất là để cho người khác thả lỏng cảnh giác. Sau đó bạn tóm lấy cơ hội, lặng lẽ đứng đầu và khiến mọi người kinh ngạc”.
Ông cũng giải thích thêm cho con rằng bản chất con người là điều khó lường nhất. Vì vậy không phô trương sự thông minh là tốt nhất, có như vậy thì con mới tránh được sự cạnh tranh gay gắt, và tiêu cực. Tuy nhiên, cần phải hiểu biểu hiện ngốc nghếch ở người thông minh chính là một loại trạng thái bình tĩnh, họ thấu hiểu hết tất thảy đạo lý ở đời nhưng lại không thể hiện ra, có như vậy đại sự mới dễ thành.
Ngoài ra, trong một lá thư viết cho con trai mình, Rockefeller cũng đã nói rõ và cảnh báo con không được kết giao với hai loại người: Loại thứ nhất là loại người hoàn toàn đầu hàng và hài lòng với hiện trạng của bản thân; loại thứ hai là những người không thể thực hiện mục tiêu tới cuối cùng.
Ông Rockefeller gọi hai kiểu người này là “khối u tư duy” rất dễ lây lan tư tưởng tiêu cực cho người khác khi tiếp xúc. Điều tồi tệ là 2 loại người này xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống. Do đó, Rockefeller khuyên con trai mình nên tránh xa 2 loại người này càng sớm càng tốt bởi ông luôn nghĩ rằng tính cách, tham vọng và địa vị hiện tại của một người có liên quan đến người mà họ kết giao.
Ông cho rằng nếu con cái thường xuyên kết giao với người tiêu cực, bản thân sẽ trở nên tiêu cực, thậm chí là làm nhụt chí tiến thủ. Ngược lại, nếu con cái tiếp xúc với người có tham vọng thành công thì bản thân cũng tham vọng hơn, suy nghĩ sẽ phóng khoáng hơn và dễ thành công hơn. Vì vậy, Rockefeller luôn dặn dò và nhắc nhở con trai nên biết “chọn bạn mà chơi”, phải thường xuyên tiếp xúc với những người thành công, có chí cầu tiến.
Những bức thư mà Rockefeller gửi con tuy đơn giản, thẳng thắn nhưng ẩn chứa những ý nghĩa to lớn, thiết thực. Mỗi một câu nói ra đều rất quý giá và đáng để mọi người cùng suy ngẫm:
- Không có quyền nghèo.
- Sự giàu có chỉ là kết quả phụ của sự siêng năng.
- Thu nhập chỉ là sản phẩm phụ của công việc, hãy làm những gì cần làm, làm tốt công việc của mình, có như vậy mức lương lý tưởng nhất định sẽ tìm đến bạn.
- Yêu công việc là một niềm tin. Với niềm tin này, chúng ta có thể đập nát núi tuyệt vọng thành những viên đá hy vọng. Nếu bạn xem công việc là một thú vui, cuộc sống sẽ là thiên đường; nếu bạn xem công việc là nghĩa vụ, cuộc sống sẽ là địa ngục.
- Vay tiền không phải là một điều xấu, nó sẽ không làm bạn phá sản, chỉ cần bạn không xem nó như một chiếc phao cứu sinh và chỉ sử dụng nó trong lúc khủng hoảng, mà là một công cụ đắc lực, bạn có thể sử dụng nó để tạo cơ hội.
- Những lời bào chữa khiến hầu hết mọi người không mở được cánh cửa dẫn đến thành công. 99% thất bại là do mọi người đã quen với việc bao biện.
- Đừng sống bằng sự may rủi mà hãy phát triển bằng cách lập kế hoạch. Một kế hoạch tốt có thể ảnh hưởng đến vận may, và trong mọi trường hợp, nó có thể ảnh hưởng đến cái gọi là may mắn.
- Tình bạn được xây dựng trên cơ sở kinh doanh tốt hơn nhiều so với tình bạn được xây dựng trên tình bạn. Đối xử tốt với người khác khi bạn đi lên vì bạn sẽ va vào họ khi bạn đi xuống.
- Trên đời không có gì thay thế được lòng kiên trì. Tài năng không được đánh giá cao có rất nhiều, và những thiên tài không thành công cũng là điều thường thấy. Giáo dục cũng vậy, thế giới đầy rẫy những kẻ vô dụng. Chỉ có sự kiên trì và quyết tâm mới dẫn đến thành công.
(Tổng hợp)-Theo Ánh Lê–Theo Trí Thức Trẻ