Anh Nguyễn Văn Vĩnh, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là người đầu tiên trong thôn trồng cam kiểu lạ. Đó là anh ghép cam trên gốc bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ khi còn nhỏ anh Nguyễn Văn Vĩnh đã được bố mẹ hướng dẫn chăm sóc cây phật thủ và cây cam Canh nên niềm đam mê trồng cây có múi bắt đầu từ đó.
Năm 2006, anh trồng 2 ha cam. Sau 2 năm chăm sóc, cây cam cho thu nhập, có thêm vốn, gia đình tận dụng diện tích đất đồi trồng thêm bưởi.
Tuy nhiên, cây bưởi do không hợp đất nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Song, anh nghĩ, cây bưởi trồng đã được 4, 5 năm, gốc đã to, khỏe, nếu chặt bỏ đi rất lãng phí. Vì vậy, anh đã nghiên cứu, tìm tòi cách ghép cam trên thân cây bưởi.
Anh không ngần ngại đi khắp các nơi để học hỏi kinh nghiệm. Anh tìm đến các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình để học tập kinh nghiệm ghép gốc cây bưởi với cam.
Sau đó, mang kiến thức đã học được về miền đất Tứ Quận, anh tiến hành ghép 1.000 gốc cam trên thân cây bưởi. Không phụ lòng người, sau 2 năm chăm sóc vườn cam của anh ra trĩu quả.
Hiện nay, vườn cam của anh Vĩnh rộng khoảng 4 ha, trong đó có 1,5 ha cây cam ghép trên gốc bưởi, cây khỏe đều, lá xanh, cây nào cũng sai quả.
Từ ngày trồng cam, chưa khi nào gia đình bị mất mùa. Anh Vĩnh chia sẻ, một trong những nguyên nhân vườn cam luôn được mùa là từ kỹ thuật và phương pháp chăm sóc. Đặc biệt, anh duy trì kỹ thuật ghép cam trên thân bưởi mang lại nhiều lợi ích.
Quả cam trên cây ghép vẫn giữ được chất lượng thơm mát vốn có và mẫu mã còn đẹp hơn. Giống cam ghép trên thân bưởi dễ trồng, chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc nhưng thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với cam chưa ghép.
Vụ cam vừa rồi, gia đình thu hoạch 4 ha cam cho năng suất 100 tấn, thu lãi 1,6 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 1,5 ha cam ghép đã cho 60 tấn quả, thu lãi 1,2 tỷ đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Vĩnh, kinh nghiệm để ghép cam trên thân bưởi đạt kết quả tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tốt nhất cây gốc cắt vào tháng 11 âm lịch, nên ghép vào tháng 4 âm lịch, ghép giai đoạn mầm 2.
Cây ghép khi lên mầm tỉa bỏ mầm yếu, để 2 mầm trụ khỏe nhất. Chăm sóc đến tháng 4 âm lịch lên mầm thứ 2 bắt đầu tiến hành ghép.
Sau một tháng ghép nếu mầm cam dài khoảng 20 cm thì tiến hành tháo bỏ túi bóng cuốn ghép. Chỉ sau 2 năm cây sẽ bắt đầu cho quả bói.
Nhiều gia đình trồng cam đang áp dụng phương pháp ghép cam lên thân bưởi này và mang lại hiệu quả thiết thực, sản lượng cam tăng gấp 2 lần so với cây cam chưa ghép.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ gia đình khác trên địa bàn thôn, xã và các huyện khác.
Ông Tạ Văn Quang, Trưởng thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, hiện thôn có hơn 10 ha cam ghép trên thân bưởi. Đây là một mô hình sản xuất hiệu quả tạo điều kiện cho bà con học hỏi kinh nghiệm, nâng cao đời sống người dân.
Lý Thu (Báo Tuyên Quang)