Câu chuyện về tướng lĩnh thời Nam Tống, Nhạc Phi, được Tân Hoa Xã đăng tải ngày 1/4, kèm theo thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc tuyên truyền mạnh về Nhạc Phi
Câu chuyện về Nhạc Phi được Tân Hoa Xã đăng tải dưới hình thức truyện tranh, trong đó mô tả tình tiết Nhạc Phi được mẹ xăm lên lưng bốn chữ “tinh trung báo quốc” và các sự tích liên quan đến viên tướng này.
Thông điệp mở đầu truyện là phát ngôn của ông Tập Cận Bình gửi đến các bậc phụ huynh Trung Quốc, kêu gọi “cần truyền đạt những quan niệm đạo đức tốt đẹp cho con em từ nhỏ”, “thúc đẩy trẻ em trưởng thành một cách lành mạnh, trở thành người có ích cho nhân dân và quốc gia”.
Nhạc Phi là nhân vật mà ông Tập “thần tượng” và được truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập trong nhiều báo cáo khác nhau.
“Bốn chữ ‘tinh trung báo quốc’ được tôi ghi nhớ từ đó tới nay. Đây cũng trở thành mục tiêu trong suốt cuộc đời của tôi,” báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo số ra ngày 24/10/2016 dẫn lời ông Tập.
Nhân dịp Ngày của mẹ vào 10/5/2020, kênh CGTN (Trung Quốc) đăng tải lại câu chuyện ông Tập được mẹ của mình – bà Tề Tâm – tặng cho những cuốn truyện tranh về Nhạc Phi khi ông còn nhỏ.
Trong khi đó, Trại hè Văn hóa Nhạc Phi giữa hai bờ Eo biển là một sự kiện được tổ chức thường xuyên nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc Đại lục và đảo Đài Loan.
Nhạc Phi là ai?
Truyện tranh mà Tân Hoa Xã đăng tải ngày 1/4 mô tả Nhạc Phi là “nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, anh hùng dân tộc, tướng lĩnh quân sự kiệt xuất thời Nam Tống”. Trên Baidu, Nhạc Phi được gọi là “danh tướng kháng Kim”.
Nhạc Phi bị hành quyết vào năm 1142 sau khi bị giam giữ với cáo buộc phản quốc. Bản án được lật lại trong thập kỷ sau đó và viên tướng này trở thành hình mẫu về lòng yêu nước và trung thành tại Trung Quốc.
Trong 9 thế kỷ, Nhạc Phi trở thành một trong những huyền thoại nổi tiếng nhất của Trung Quốc, điển phạm về đạo đức, lập trường chính trị và câu chuyện về viên tướng cũng trở thành một công cụ thúc đẩy các nghị trình trong nước.
Nhạc Phi sinh năm 1103 ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Giáo sư sử học James Carter từ Đại học Saint Joseph ở Philadelphia, Mỹ, cho rằng hành động khó ngờ nhất của Nhạc Phi là lựa chọn sự nghiệp: Ông gia nhập quân đội trong lúc thanh danh của quân đội Trung Quốc ở mức rất thấp.
Carter cho hay, Tống – triều đại chính thức cai trị Trung Quốc vào thế kỷ 12 – không hề mạnh khi so sánh với các láng giềng phương bắc lúc đó là nước Liêu của người Khiết Đan và nước Kim của tộc Nữ Chân. Cả Liêu và Kim đã đánh chiếm được nhiều lãnh thổ của Tống, và Tống thậm chí thừa nhận vị thế “cửa trên” của Kim như một bằng chứng rõ ràng về thực tế chính trị thời điểm đó.
Nhạc Phi tham gia cuộc chiến chống lại quân Kim khi còn trẻ và góp mặt trong các chiến dịch bảo vệ thành công Nam Kinh và Hàng Châu năm 1130, cùng nhiều chiến dịch khác.
Nhạc Phi vươn lên hàng ngũ tướng lĩnh và chỉ huy quân đội “gần như” báo thù được một trong những thất bại đau đớn nhất của nhà Tống – để mất kinh đô Khai Phong.
Truyền thông Trung Quốc mô tả Nhạc Phi là danh tướng “bách chiến bách thắng” và đã không thất bại trong hàng trăm chiến dịch lớn nhỏ đối đầu với Kim. Người Nữ Chân muốn cầu hòa, và Nhạc Phi trở một trong những rào cản.
Viên tướng bị ám hại và di sản Nhạc Phi
Nhân vật phản diện trong câu chuyện về Nhạc Phi là Tấn Cối, thừa tướng triều Nam Tống. Tần Cối bị người Kim bắt giữ cùng với vua Tống Khâm Tông trong sự kiện Tĩnh Khang chi biến (1125-1127), đánh dấu sự kết thúc của triều Bắc Tống.
James Carter cho hay, Tần Cối trốn thoát một cách kỳ diệu và đáng ngờ khỏi tay người Nữ Chân, sau đó trở lại triều đình Nam Tống, trong bối cảnh lực lượng mà Nhạc Phi dẫn dắt tiến gần đến cơ hội chiếm lại Khai Phong. Thay vì thúc đẩy chiến dịch tái chiếm kinh đô, Tần Cối thúc giục vua Tống đàm phán với Kim.
Vua Tống cùng Tần Cối đạt một thỏa thuận với người Nữ Chân vào năm 1142, nhưng ba tướng lĩnh quân đội phản đối điều này. Hai trong số các tướng bị mua chuộc, trong khi Nhạc Phi từ chối. Tần Cối thuyết phục nhà vua rằng Nhạc Phi có ý đồ riêng và viên tướng bị triệu hồi khỏi mặt trận.
Nhạc Phi bị buộc tội phản quốc, tuyên án tử và bị hành quyết. Vụ án ngày nay được coi là một trong những “thiên cổ kỳ oan”.
Nhạc Phi chính thức được rửa tội vào năm 1162, và Tần Cối – chết năm 1155 – trở thành kẻ tội đồ.
Nhà sử học Marc Matten đã theo dõi những di sản liên quan đến Nhạc Phi trong các giai đoạn sau đó, và nhận thấy rằng chỉ đến giữa thế kỷ 15 thì hình tượng về viên tướng này mới trở nên nổi trội.
Vào thập niên1440, người Mông Cổ vượt qua Vạn lý trường thành, đánh bại một số lực lượng Trung Quốc và bắt giữ được hoàng đế Minh Anh Tông – sự kiện được cho là tương tự với thời đại Nhạc Phi.
Để đáp trả – Matten viết – các đền đài thờ Nhạc Phi mọc lên trên khắp Trung Quốc, như một giải pháp tuyên truyền để nhà chức trách kêu gọi chủ nghĩa dân tộc và anh hùng chống lại thế lực bên ngoài.
Dưới triều Thanh của người Mãn Châu – những hậu duệ của người Nữ Chân đối đầu với Nhạc Phi, Nhạc Phi được nhấn mạnh là biểu tượng về lòng trung thành, thay vì chiến binh chống xâm lược.
Bất chấp những tranh cãi liên quan, từ đầu thế kỷ 20, Nhạc Phi được tôn vinh như một biểu tượng về sự kháng cự trước sức mạnh bên ngoài, và đến nay phổ biến được người Trung Quốc coi là một anh hùng quốc gia.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị