Mark Zuckerberg là một anh chàng mọt sách, trong khi tỷ phú Mike Bloomberg là một đứa trẻ không có gì đặc biệt.
Các tỷ phú thường trông như thế nào khi còn nhỏ? Liệu con bạn có tính cách của một “anh chàng mọt sách”, một “kẻ lạc loài lập dị” hay một cậu bé bị thúc đẩy bởi “cái tát vào mặt”? Nếu có, con bạn có thể đang sở hữu tính cách của một tỷ phú tiềm năng…
1. Mark Zuckerberg: Anh chàng mọt sách
Cha của Zuckerberg thường chia sẻ về triết lý nuôi dạy con mà vợ chồng ông đã thống nhất rằng: Bảo vệ con bạn khỏi những lo lắng về tài chính, khuyến khích chúng tìm ra sở thích của mình, bày tỏ niềm tự hào và đặt ra giới hạn.
Khi ở trường dự bị vào đầu những năm 2000, Zuckerberg đã viết một chương trình sử dụng trí thông minh nhân tạo để dự đoán sở thích âm nhạc của người dùng. Sau đó, anh chàng đã đến Harvard và trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở đó, Zuckerberg bắt đầu gây dựng Facebook và gặp người vợ tương lai của mình – Priscilla Chan, khi đang xếp hàng chờ vào nhà vệ sinh.
Chan chia sẻ với tờ The New Yorker vào năm 2010: “Anh ấy là một gã mọt sách và chỉ có một chút thời gian dành cho thế giới ngoài kia”.
2. Jeff Bezos: Một kẻ lập dị
Bezos lớn lên cùng mẹ và cha dượng (người đã nhận nuôi ông). Ông từng dành cả mùa hè làm việc trong trang trại của ông bà. Ông cũng từng là thủ khoa ở trường trung học và là học sinh được cấp bằng khen quốc gia trước khi nhập học Princeton, nơi ông là một trong khoảng 20 sinh viên của chương trình kỹ thuật điện và khoa học máy tính (EECS).
Một người bạn cùng lớp ở Princeton nhớ lại: “Bạn phải nhớ rằng, hồi đó anh ấy chưa nổi tiếng, và có những người tài giỏi ở khắp mọi nơi. Chúng tôi là một nhóm nam trầm lặng và lập dị”.
3. Larry Ellison: Một đứa trẻ lanh lợi, cứng đầu
Người sáng lập 73 tuổi của Tập đoàn Oracle được nuôi dưỡng bởi dì và chú của mình trong “một căn hộ chật chội ở khu trung lưu South Side”. Theo mọi người, ông từng là một đứa trẻ lanh lợi và cứng đầu.
Ông đã làm nhiều việc trước khi đầu quân cho một vài công ty công nghệ và cuối cùng thành lập Oracle vào năm 1977 với 2.000 USD, trong đó có 1.200 USD là tiền của mình. Sau một giai đoạn căng thẳng, đến giữa những năm 1980, Oracle là một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất ở thung lũng Silicon.
4. Bill Gates: Một “boy wonder”
Từ nhỏ, Gates đã được mọi người đặt cho biệt danh “boy wonder”, ám chỉ về một cậu bé thông minh, khéo léo và thành công. Gates có một tuổi thơ yên bình ở Seattle, là con trai của một luật sư nổi tiếng và một chủ ngân hàng.
Ông lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính vào cuối những năm 1960 khi đang theo học trường dự bị, vào thời điểm mà rất ít người trẻ được tiếp cận. Cuối cùng, điều này dẫn đến công việc được trả lương đầu tiên của Gates ở tuổi 16. Lúc đó, ông làm việc cho một công ty hiện không còn tồn tại có tên là TRW, chuyên số hóa lưới điện ở tây bắc Thái Bình Dương.
Gates sau này nhớ lại: “Đó là một trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi, bởi vì TRW đã đưa những lập trình viên giỏi nhất đến đó để lập trình… Tôi sẽ viết mã và những bộ óc siêu thông minh này sẽ xem qua và nói với tôi: ‘Này, cái này không tốt lắm, cái này không tốt lắm’, vì vậy toàn bộ kỹ năng lập trình trong thời gian tôi ở đó đã tăng lên một bậc”.
5. MIKe Bloomberg: Một đứa trẻ “bình thường”
Bloomberg sinh ra trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Boston. Dù không phải là một học sinh xuất sắc về học thuật, cũng không giỏi thể thao, nhưng ông đã được định hướng đúng cách. Em gái ông từng mô tả anh trai mình “chỉ là một đứa trẻ bình thường”.
Sau khi theo học tại Đại học Johns Hopkins, Bloomberg tiếp tục theo học Trường Kinh doanh Harvard, đầu quân cho Phố Wall và trở thành đối tác chung của Salomon Brothers. Sau khi bị sa thải khỏi Salomon Brothers, ông đã bỏ ra 10 triệu USD để thành lập công ty công nghệ thông tin sau này mang tên ông.
6. Amancio Ortega: Người từng nhận “một cái tát vào mặt”
Tỷ phú cuối cùng trong danh sách này ít được người Mỹ biết đến. Thứ nhất vì ông là người châu Âu, thứ hai ông sống rất ẩn dật. Ortega là người đồng sáng lập hãng bán lẻ Zara ở châu Âu.
Theo tiểu sử, ông lớn lên trong gia cảnh nghèo khó ở Tây Ban Nha thời hậu chiến. Năm ông 14 tuổi, mẹ ông bỏ đi khi cố gắng mua thức ăn ở một cửa hàng nhưng không thể xin nợ thêm được nữa. Nhưng cũng biến cố đó đã thúc đẩy ông trở thành một doanh nhân thành công.
Người viết tiểu sử Covadonga O’Shea cho rằng: “Hậu quả của ‘cái tát vào mặt’ mà anh ấy phải chịu khi còn nhỏ là thành lập một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất của Tây Ban Nha với các chi nhánh ở mọi ngóc ngách trên thế giới”.
Đăng Dương (Vietnamnet)