Hoàng Tuấn Long (28 tuổi, Hà Nội) đã không ít lần vấp ngã, vay nợ, muốn từ bỏ khi kinh doanh theo đam mê. Tuy nhiên, khó khăn không cản trở anh đứng dậy và bước tiếp.
“Khi vẫn là sinh viên, chưa dư dả tài chính, mình chỉ âm thầm đọc những bài viết chia sẻ và giao lưu trên hội những hội nhóm nhỏ lẻ trên forum/Facebook, nổi bật trong số đó là “Hội giày tây”. Đôi giày da đầu tiên mình có được là một đôi da lộn Zara Việt Nam xuất khẩu trị giá 300.000 đồng, cũng là một món tiền lớn thời bấy giờ. Nhưng mình đã làm hỏng đôi giày sau khi làm theo một bài viết trôi nổi trên Google, dùng nước rửa bát vệ sinh giày…”
Long vui vẻ nhớ lại thời gian đầu tiên được tiếp cận với những thông tin về những đôi giày da, cũng là thời điểm vun vén tình yêu của anh đối với bộ môn “chơi giày”. Tuy mặt hàng giày da ở Việt Nam không thiếu, thậm chí có những làng nghề nổi tiếng như Phú Xuyên hay các công ty xuất khẩu hàng trăm nghìn sản phẩm ra nước ngoài như Vinagiay, nhưng theo đánh giá của 9X, thời điểm ấy những thương hiệu bán lẻ tập trung cho dòng sản phẩm thủ công cao cấp mang tính chất lâu đời như nước ngoài chưa tồn tại.
Lì lợm bước qua thử thách
Năm 2016, vừa tốt nghiệp khoa Tiếng Pháp thương mại, ĐH Ngoại Thương 1 năm, Long “chân ướt chân ráo” thử sức với kinh doanh. 12 năm học phổ thông và 4 năm học ĐH, 9X gắn bó chủ yếu với ngoại ngữ. Khi ấy, Long giống như một “tờ giấy trắng”, suy nghĩ đơn giản chỉ cần đăng vài tấm ảnh và chạy quảng cáo sẽ thu hút được khách hàng, hào hứng khởi nghiệp theo phong trào thích làm chủ nên anh thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng, thiếu tài chính…
Sử dụng số tiền tích góp được từ công việc làm thêm khi sinh viên, một chút tiền lãi đầu tư chứng khoán và tiền vay mẹ, tổng cộng 50 triệu đồng, Long hùn vốn làm ăn với 2 người bạn. Tuy nhiên, thời gian đầu, 2 người bạn đều bận rộn với dự án riêng nên mọi công việc của cửa hàng đều do một mình anh điều hành và lo liệu: từ xây dựng kênh truyền thông, làm content, làm mẫu ảnh, tự chụp những concept có thể chụp được, ship hàng, chăm sóc giày và túc trực tại cửa hàng hơn 12 tiếng/ngày.
Anh bày tỏ: “Cộng với việc không có tài chính tốt để lo cho địa điểm, L’amant đã lựa chọn văn phòng cũ của một công ty kiến trúc nằm trên tầng 2 một toà nhà trong ngõ đường Khuất Duy Tiến, gần ngã tư Đại lộ Thăng Long. Kết quả, tháng đầu tiên, mình chỉ bán được 2 đôi giày và không ai trong số đó là khách hàng mới. Đó là một cú shock! Nhưng cũng nhờ đó, mình hiểu rằng cuộc chơi này không màu hồng và cần tìm một hướng tiếp cận khác.”
Anh bắt đầu tìm cách chụp ảnh theo dạng concept mới lạ nhưng phải tiết kiệm tối đa chi phí cũng như dành nhiều thời gian viết content chất lượng về giày thay vì tập trung vào quảng cáo các chương trình giảm giá. Anh cũng tìm cách “đến” với khách hàng nhiều hơn, đưa ra chương trình “Thử giày tận nhà miễn phí”, khách không ưng có thể trả lại mà không chịu bất cứ chi phí nào. Anh thừa nhận công việc chồng công việc, vất vả gấp đôi nhưng doanh thu tháng sau lại cao hơn tháng trước và bùng nổ vào dịp Tết năm đó.
Anh có thêm vốn xoay vòng sản phẩm, thuê thêm nhân viên bán hàng, chuyển địa chỉ cửa hàng lên một ngõ nhỏ nằm trên phố Nam Đồng thuận tiện hơn cho khách hàng. “Tưởng chừng mọi việc đã đi vào quỹ đạo, ấy vậy mà đầu năm 2018, mình đã mắc phải một sai lầm chí mạng. Với sự tham gia của hàng loạt thương hiệu, thị trường giày đế khâu khi đó vẫn là tâm điểm. Nhiều khách hàng cũ tìm đến cửa hàng mình với mong muốn mở thêm đại lý tại Hà Nội và các tỉnh. Mình nhanh chóng nhận lời và trong đầu chỉ nghĩ tới việc tên tuổi mình sẽ oai ra sao mà không nhìn ra vấn đề rằng bộ máy này chưa đủ để vận hành một chuỗi cửa hàng” , Long kể lại.
Những điều khoản ràng buộc với đại lý khá lỏng lẻo: không mua đứt hàng, không ép doanh số… Ngoài ra, đa số những người chủ đại lý coi việc mở cửa hàng giày là nghề tay trái nên không đầu tư công sức nhiều. Kết quả, chỉ sau 3 tháng vận hành, 4 đại lý mở ra tại Hà Nội ngừng hoạt động, còn Long phải nhận lại toàn bộ hàng hoá và chịu công nợ với xưởng sản xuất. Phải mất gần 2 năm, anh mới có thể đưa cửa hàng về lại trạng thái cân bằng mới vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, tới tháng 3/2020, thời điểm đầu dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp đều lao đao và L’amant không phải ngoại lệ, buộc phải đóng cửa hàng offline và chuỗi cung ứng đứt gãy do xưởng sản xuất nằm ở Sài Gòn. Tới nay, việc sản xuất nói chung vẫn còn bị ảnh hưởng từ đại dịch, cung không đủ cầu, nhưng Long tin đội ngũ của mình sẽ giải quyết được dứt điểm vấn đề này trước khi bước sang năm 2023.
“Mình từng ít nhất 3 lần nghĩ tới việc từ bỏ: lần thứ nhất, sau khi tổng kết tháng đầu vận hành khi chỉ bán được 2 đôi; lần thứ hai, thời điểm các đại lý đồng loạt báo off trả lại giày và phải ôm món nợ hơn 1 tỷ đồng năm 2018; lần thứ ba, thời điểm bùng dịch ngay sau khi khai trương cửa hàng mới và Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Mình thấy bản thân không có khả năng gì quá nổi trội, duy chỉ có một điểm mạnh là sự lì lợm. Trong thế “dựa lưng vào tường”, tính cách đó đã giúp mình vượt qua nghịch cảnh và tiếp tục chiến đấu tới ngày hôm nay”, Long chia sẻ.
Không ngừng nỗ lực mỗi ngày
Là một người cầu toàn và khó tính, đặc biệt trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm, anh luôn ưu tiên việc trải nghiệm sản phẩm để giữ chân khách hàng. Vì thế, đôi khi, dù xa cách địa lý nhưng Long vẫn luôn sắp xếp bay vào Sài Gòn thường xuyên để thăm xưởng và làm việc với đội ngũ tại địa phương để họ đảm bảo được khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Long kể, đã từng có thời điểm, do thời gian yêu cầu giao sản phẩm gấp nên xưởng làm ra một lô hàng chất lượng không đồng đều. Tuy nhiên, vì muốn đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe mình đưa ra, anh không chấp nhận việc bán ra những sản phẩm như vậy ra thị trường dù có thể giảm giá, chấp nhận hụt đi một khoản doanh thu lớn trong tháng tiếp theo.
Anh cho hay: “Giày Tây là một sản phẩm mang tính đặc thù, nhất là ở thị trường Việt Nam vẫn bị đóng khung bởi các định nghĩa “chỉ dành cho công sở hoặc dịp trang trọng”, “già”, “đi không thoải mái”… Chính vì vậy, mình ưu tiên việc định hướng thị trường một cách bài bản bằng cách chọn cách tiếp cận khách hàng thông qua các hội nhóm về âu phục, có thể kể đến Sartorial Guys, Classic Storytellers…
Tại showroom, mình áp dụng ‘mindset’ cho toàn bộ nhân sự là giải quyết vấn đề giúp khách hàng. Thay vì chỉ chăm chăm bán một đôi giày, tất cả các bạn sale hay tư vấn online sẽ cố gắng tư vấn tất cả các vấn đề liên quan, có thể là cách bảo quản giày, phối màu sao cho hợp lý… hay xa hơn là địa chỉ may suit, đơn vị chụp ảnh cưới phù hợp… Để làm được việc này phải cần sự sát sao tới từng đoạn chat với khách hàng và nỗ lực trong việc xây dựng hệ sinh thái bổ trợ”.
Đặt mục tiêu cuối cùng trở thành một doanh nghiệp mà cả khách hàng và nhân sự đều cảm thấy như là nhà, hơn nữa lại là người sống tình cảm nên Long thừa nhận cách vận hành công ty vẫn mang tính gia đình. Anh không sử dụng nhiều hình thức phạt và thường xuyên trò chuyện để tạo kết nối thật với từng thành viên làm việc tại cửa hàng. Tất nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi ở một môi trường chuyên nghiệp nên anh vẫn đang cố gắng tìm một điểm cân bằng.
9X không ngại tiết lộ biệt danh mà mọi người đặt cho mình, “vua lì đòn”. Sau những vấp ngã, anh được trực tiếp chiêm nghiệm những bài học không có trong sách vở, đặc biệt thông qua những mối quan hệ với đối tác, khách hàng và nhân sự. Anh tin cứ quyết tâm đến cùng, chắc chắn sẽ đạt thành tựu như mong đợi. Tuy nhiên, không phải cứ kinh doanh bất chấp sẽ thành công mà cũng cần phải học tập với tâm thế luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm: xác định vấn đề – đưa ra giải pháp – thử nghiệm và review – lặp lại cho đến khi kết quả.
Theo Nhịp sống thị trường