Không khó để nhận ra sự khốc liệt trên thị trường lao động những năm gần đây, ngay cả sinh viên đến từ ngôi trường Đại học danh giá bậc nhất Trung Quốc – Thanh Hoa cũng phải ngậm ngùi trở về quê, làm một nhân viên bảo vệ.
Nhân vật trong câu chuyện là Trương Tiểu Dũng, anh từng đỗ vào Thanh Hoa với điểm số gần như tuyệt đối. Nhưng cuộc sống của anh hiện tại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, nuối tiếc cho một tài năng.
Vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn
Trương Tiểu Dũng sinh ra và lớn lên ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cha mẹ anh là những người lao động nhập cư bình thường, tuy nhiên họ luôn cố gắng ủng hộ con trai và mong anh có một tương lai tốt đẹp hơn, làm những công việc trí óc thay vì lao động chân tay. Hiểu được điều đó, ngay từ khi còn nhỏ, anh đã rất coi trọng việc học của mình.
Anh Trương luôn giành được điểm số cao ở hầu hết các môn học, đặc biệt là toán và sinh học. Anh cũng giành được không ít chứng nhận và tiền thưởng nhờ điểm số xuất sắc của mình. Cha mẹ anh lại càng hy vọng hơn về con trai.
Ghi danh bảng vàng, trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa
Sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học và nhận kết quả, anh Trương đạt được 703/710 điểm, tức là chỉ cách điểm số tuyệt đối 7 điểm, và đồng thời anh cũng là nhà vô địch khoa học của thành phố năm đó. Nhà trường lập tức tổ chức một buổi lễ hoành tráng để vinh danh, trao thưởng, cha mẹ anh lại càng thêm tự hào.
Cả hai ngôi trường danh giá hàng đầu Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh đều gửi lời mời anh nhập học, cuối cùng anh đã chọn đăng ký vào chuyên ngành khoa học công nghệ Sinh học của Đại học Thanh Hoa. Anh đã quan tâm đến sinh học từ lâu, sau khi tốt nghiệp đại học, anh cũng muốn trở thành một nhà sinh vật học chuyên nghiệp và nghiên cứu các công trình cống hiến cho đất nước.
Ngoài việc chú tâm vào học tập, Trương Tiểu Dũng không tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu kết bạn với nhiều người hay làm các công việc bán thời gian như những người bạn đồng trang lứa khác. Sau bốn năm, anh cảm thấy trình độ chuyên môn về Sinh học của mình chưa đạt đến mức mong muốn nên anh muốn tiếp tục học cao học tại Đại học Thanh Hoa.
Nhưng vào thời điểm đó, Đại học Thanh Hoa cũng không thiếu nhân tài, có rất nhiều người đăng ký học cao học về ngành khoa học và công nghệ Sinh học mà anh theo đuổi, hồ sơ của anh Trương không đủ mạnh để cạnh tranh và anh đã không trúng tuyển. Anh đã quyết định đi xin việc.
Sự nghiệp trượt dài
Do theo đuổi định hướng nghiên cứu nên anh Trương lại gặp phải khó khăn khi cạnh tranh với các ứng viên khác khi ứng tuyển, họ đều có kinh nghiệm làm việc thực chiến. Sau cùng, anh miễn cưỡng chấp nhận sự sắp xếp và được phân về Công ty Dược phẩm Sinh học Huiming Quảng Châu. Mặc dù công ty này có liên quan đến chuyên ngành anh học, nhưng thay vì được đảm nhận vị trí lý tưởng thì anh được phân công đến bộ phận dịch vụ khách hàng, làm nhân viên lễ tân trực điện thoại.
Công việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp xã hội cao này hoàn toàn không phù hợp với anh. Dù cố gắng bám trụ với công việc nhưng công việc của anh vẫn không có tiến triển sau 5 năm làm việc.
Đối với một chàng trai trẻ, làm một công việc không mấy vui vẻ để kiếm sống đã là một điều bất hạnh, nhưng rồi điều đáng tiếc hơn đã xảy đến với anh – cha anh bị liệt vì bệnh tật và cần được chăm sóc tại nhà. Khi đó, Trương Tiểu Dũng là con trai duy nhất, anh quyết định từ bỏ công việc và trở về quê hương để chăm sóc cha mình.
Chi phí chữa bệnh của bố và sinh kế của gia đình đều cần tiền để duy trì nên anh đã tìm một công việc gần nhà, bảo vệ tại một tổ chức cộng đồng. Hàng xóm xung quanh đều tỏ ra ngỡ ngàng trước quyết định này.
Khi làm bảo vệ, anh hầu như không bao giờ đề cập đến bằng cấp của mình tại Đại học Thanh Hoa, tuy công việc này có mức lương thấp hơn và phải đối mặt với nắng gió nhưng lại phù hợp với cuộc sống của anh ở thời điểm hiện tại. Điều quan trọng nhất là anh được ở gần nhà và có thể gánh vác trách nhiệm chăm sóc người cha ốm nặng.
Câu chuyện của Trương Tiểu Dũng cũng là lời cảnh báo tới các sinh viên đại học rằng khi học tập trên trường không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn mà còn phải phát triển các kỹ năng mềm khác như giao tiếp, làm việc nhóm, bởi đây cũng là những điều kiện cực kỳ quan trọng cho việc làm sau này.
Theo Hoa Thu-Theo Phụ nữ số