Phố Wall từng cười nhạo Jeff Bezos cách đây 20 năm vì điện toán đám mây, giờ đây Amazon cười lại cả thị trường.
Từ một dự án kỳ quặc, mảng điện toán đám mây hiện đem lại lợi nhuận hoạt động gấp 3 lần so với toàn bộ mảng kinh doanh khác của Amazon.
Theo tờ Fortune, trong 12 tháng qua hàng loạt các công ty từ Pinterest, Tinder, Netflix, Zoom cho đến những tờ báo điện tử như Wall Street Journal hay chính bản thân Fortune đều đã có báo cáo thừa nhận hoạt động kinh doanh của họ sẽ chịu thiệt hại nặng nếu thiếu mảng điện toán đám mây của Amazon (AWS).
Thậm chí, đến chính Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) cũng phải dùng đến dịch vụ này.
Chính tầm quan trọng đó khiến dù Amazon có tuyên bố sa thải 10.000 lao động thì cũng sẽ không chạm đến những nhân viên của AWS. Xin được nhắc là CEO mới của Amazon, ông Andy Jassy đã từng là người quản lý AWS, qua đó cho thấy sự ảnh hưởng của mảng kinh doanh này đến tập đoàn.
Trên thực tế, Amazon giờ đây đã chẳng còn là một hãng thương mại điện tử khi mảng AWS đem lại nhiều lợi nhuận hơn tất cả các mảng kinh doanh khác cộng lại. Năm 2021, lợi nhuận hoạt động kinh doanh (Operation Profit) của AWS là 18,5 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần so với lợi nhuận hoạt động của toàn bộ các mảng kinh doanh khác của Amazon cộng lại (6,3 tỷ USD).
Trong 9 tháng đầu năm 2022, AWS đã đem về 58,7 tỷ USD doanh thu và nếu được tách khỏi Amazon thì mảng này đã được xếp hạng trong Fortune 100.
Vậy tại sao từ một hãng thương mại điện tử, giờ đây Amazon lại trở thành ông lớn điện toán đám mây ngang hàng với Microsoft hay Google? Phải chăng hãng thừa dung lượng máy tính đến mức phải cho thuê bên ngoài?
Truyền thuyết và sự thật
Câu chuyện Amazon thừa dung lượng máy tính rồi cho đi thuê để hình thành AWS là một chuyện cười nửa đúng nửa sai.
Mọi chuyện bắt đầu từ đầu thập niên 2000 khi Amazon vẫn chỉ là startup bán sách trực tuyến. Việc phải xây dựng từ đầu mọi thứ, gia tăng thêm những tính năng mới với công ty này là một cực hình khi các kỹ sư phần mềm phải dành đến 70% thời gian phát triển các yếu tố cơ bản cho những dự án. Trong đó, 2 yếu tố quan trọng nhất là hệ thống lưu trữ (Storage System) và hạ tầng cơ sở máy tính phù hợp.
Hầu như mọi nhóm dự án đều phải làm những công việc cực nhọc này và các lãnh đạo Amazon bắt đầu nảy ra ý tưởng xây dựng một nền tảng để giúp nhân viên trong mảng lưu trữ dữ liệu, dung lượng máy tính, số liệu… Tại thời điểm đó, chẳng ai nghĩ đến từ “điện toán đám mây” cả, nhưng đây chính là tiền đề cho tất cả.
Tuy nhiên việc xây dựng nền tảng này là chưa đủ để AWS được hình thành và phải chờ đến một yếu tố nữa tác động, đó là khách hàng.
Ban đầu, Amazon thường gửi một đoạn mã cho các trang web liên kết nếu họ muốn kết nối đến sản phẩm mà công ty bán trên trang thương mại điện tử. Nếu ai đó mua sản phẩm thông qua đường link này thì phía chủ sở hữu trang web sẽ được phí hoa hồng.
Tuy nhiên khi thương mại điện tử phát triển, việc tạo ra các đoạn mã cho từng trang liên kết quá mất thời gian và nguồn lực nên các đối tác muốn được tự tạo đường link thay vì chờ đợi Amazon làm điều đó.
Do đó vào năm 2002, Amazon đã tạo ra một nền tảng cho phép các đối tác tự dựng đường link cho riêng mình đến các sản phẩm trên Amazon. Nền tảng mới này khá phức tạp khi người dùng phải tự viết phần mềm thay vì chỉ dán đường link sẵn lên trang như trước đây, thế nhưng hàng nghìn kỹ sư lại yêu thích chúng.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là những người dùng nền tảng này nhiều nhất lại chính là những kỹ sư phần mềm của Amazon, qua đó cho thấy nhu cầu được giải phóng khỏi các công việc nặng nhọc liên quan đến dung lượng mà chỉ tập trung xây dựng phần mềm.
Ngay lập tức, các giám đốc cấp cao của Amazon đã quyết định xây dựng AWS vào năm 2033 trong một cuộc họp ở nhà riêng của Jeff Bezos. Đây là một động thái gây ngạc nhiên cho những người ngoài bởi khi đó Amazon chỉ được coi là hãng bán sách trực tuyến đang chuyển mình qua thương mại điện tử, nhưng các lãnh đạo của công ty thì khẳng định họ là một công ty công nghệ.
Dẫu vậy, Amazon cũng phải mất 3 năm sau mới thành lập được AWS và hầu hết các nhà đầu tư phố Wall đều chê cười Bezos.
“Tôi chẳng thấy khoản đầu tư này đem lại tý lợi nhuận nào. Chúng trông như một gánh nặng hơn”, chuyên gia phân tích Piper Jaffray đã nói vào năm 2006.
“Tại thời điểm đó, vô số người đã hỏi tôi rằng: ‘Cái này thì liên quan gì đến bán sách?’. Câu trả lời là AWS không liên quan đến bán sách nhưng mọi công nghệ cho việc bán sách cũng như những mảng khác thì đều sẽ dính đến AWS”, CEO Adam Selipsky, người tiếp quản của Jassy tại AWS nhớ lại.
Không một đối thủ
“Khi làm những điều mới, chúng tôi chấp nhận rằng bản thân có thể bị hiểu lầm trong thời gian dài”, là một trong những tôn chỉ của Amazon, theo lời CEO Selipsky tại AWS.
Tuy nhiên, sự hiểu lầm với điện toán đám mây chẳng kéo dài được lâu. Chỉ vài tháng sau khi cho ra mắt các sản phẩm mới, AWS đã tạo nên cơn sốt thực sự. Giờ đây thay vì tốn hàng triệu USD mua các máy chủ (Server) và xây dựng những trung tâm dữ liệu thì các startup có thể thuê điện toán đám mây và trả tiền dịch vụ hàng tháng.
Khi một phần mềm mới được ra đời, các startup này có thể dùng ngay được dịch vụ điện toán đám mây làm nền tảng để bán chúng trên Internet. Nếu sản phẩm thất bại, công ty cũng chẳng cần phải lo lắng việc dọn đống máy chủ hay các thiết bị dữ liệu thừa.
Đáng ngạc nhiên hơn, không một đối thủ nào trong làng công nghệ nhận ra được tiềm năng này để cạnh tranh với Amazon trong suốt 7 năm sau đó.
“Thật là một phép màu trong kinh doanh. Đây có lẽ là điềm may mắn nhất trong lịch sử thương trường mà tôi từng biết. Công ty chẳng gặp bất kỳ đối thủ xứng tầm nào trong suốt 7 năm. Tôi nghĩ rằng chẳng tập đoàn công nghệ nào thấy được tiềm năng của mẳng này như Amazon nên chúng tôi đã có một giai đoạn phát triển dễ dàng”, nhà sáng lập Amazon Jaff Bezos nhớ lại.
“Họ không tin rằng đây sẽ trở thành một mảng kinh doanh thực thụ, hoặc sợ việc làm này sẽ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh chính. Thậm chí nhiều người còn cho rằng việc thu thêm tiền dịch vụ của khách hàng là điều không có lợi”, CEO Selipsky của AWS bổ sung.
Báo cáo của hãng tư vấn công nghệ Gartner cho thấy mảng điện toán đám mây sẽ tăng trưởng bình quân 20%/năm từ nay đến 2026, nhanh hơn bất kỳ mảng công nghệ thông tin (Infotech) nào khác. Hiện hãng nào cũng đã nhận ra mảng kinh doanh béo bở này của Amazon và đầu tư hàng trăm triệu USD mỗi năm.
“Tôi chẳng còn bất ngờ với những khoản đầu tư lên đến 200 triệu USD mỗi năm cho mảng này nữa”, chuyên gia phân tích Raj Bala của Gartner nhận định.
Nhờ sự thành công của AWS, Amazon được dự đoán sẽ vượt mức doanh thu 500 tỷ USD năm 2022, từ một hãng bán sách trực tuyến thành công ty thương mại điện tử và giờ đây là tập đoàn điện toán đám mây.
Tuy vậy, thách thức với Amazon cũng không hề nhỏ. Mặc dù AWS hiện chiếm 44% thị phần điện toán đám mây, cao hơn người xếp thứ 2 là Azure của Microsoft với 24% nhưng khoảng cách đang dần thu hẹp.
“Trong 5-6 năm tới, khoảng cách này sẽ ngày càng thu hẹp nếu không muốn nói là bị san bằng khi hàng loạt công ty nhảy vào cuộc chơi. Ví dụ rất nhiều đối tác của Microsoft và Google sẽ chuyển sang dùng điện toán đám mây Azure hay Google Cloud vì có mối liên kết về phần cứng lẫn phần mềm với các tập đoàn này”, chuyên gia Bala cảnh báo.
Đứng trước sự cạnh tranh này, hiện vẫn chưa rõ Amazon sẽ làm gì, nhất là khi nhà sáng lập Jeff Bezos rời đi để theo đuổi đam mê vũ trụ.
Một số chuyên gia dự đoán mảng y tế, sức khỏe, dược phẩm có thể là mục tiêu mới của Amazon khi hãng mua công ty dược phẩm trực tuyến PillPack vào năm 2018 và mạng lưới chăm sóc sức khỏe One Medical vào năm 2021 với giá 3,9 tỷ USD.
Lần này, nhiều người lại chê cười Amazon, nhưng liệu lịch sử của một AWS trong làng dược phẩm, chăm sóc sức khỏe có lặp lại hay không thì vẫn chưa rõ.
*Nguồn: Fortune–Băng Băng–Nhịp sống thị trường