Tuệ Nghi tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc (SN 1993, quê quán Khánh Hòa). Mới đây nữ doanh nhân 9X đã chia sẻ về căn biệt thự dát vàng làm quà mừng sinh nhật mẹ, để bù đắp lại những ngày hai mẹ con ở nhờ ban công khu ổ chuột.
“Sóng gió” từ thuở ấu thơ
Tuệ Nghi, được biết đến là một cô gái tài năng và nghị lực. Trong suốt 6 năm lăn lộn vào đời, bắt đầu từ khi mới lên 14 tuổi, Tuệ Nghi đã trải qua không ít gian nan, khổ cực nhưng đến năm 20 tuổi, độ tuổi còn non trẻ, cô đã thu lượm về những thành công đáng nể.
Mười bốn tuổi bố mất, mẹ con Tuệ Nghi dắt nhau vào TP.HCM khi trong người mẹ có 2 khối u. Hai mẹ con vừa sống tạm bợ trên một góc ban công thuê của một gia đình, phải phơi quần áo lên tứ bề để che nắng, che mưa, vừa chữa bệnh.
“Khi mẹ Nghi sắp vào phòng mổ, lúc đó Nghi sợ mẹ chết lắm, ba Nghi đã mất cách đó vài tháng. Nghi mới nói là mẹ không được chết, con sẽ làm kiếm tiền xây cho mẹ nhà đẹp, mua nhiều đồ ăn ngon, cho mẹ đi hết thế giới luôn. Mà thiệt lúc đó nghèo, tiền phẫu thuật cũng không có. Dì cậu mỗi người cho một ít cộng với bảo hiểm y tế cho người nghèo, nhưng không hiểu sao mình dám mạnh miệng đòi xây biệt thự cho mẹ (cười)”, Tuệ Nghi nhớ lại những ngày dù khổ nhưng vẫn giữ được ý chí lạc quan.
Hè năm 2008, Tuệ Nghi cùng mẹ rời quê vào Sài Gòn, trải qua nhiều biến cố, bị lừa sạch tiền. Hai mẹ con chỉ còn 35.000 đồng để trang trải. “Không nhà ở, không thức ăn, không phương tiện đi lại. Chúng tôi chỉ có đôi chân để đi và đôi tay để làm việc. Tôi phải khai dối tuổi để xin việc và giấu hết giấy tờ tuỳ thân vì sợ bị đuổi bởi lúc đó mình chưa đủ tuổi”, Tuệ Nghi hồi ức.
Cô cho biết sau này có thời gian rất ít ăn sáng, chẳng phải vì kén chọn hay lười biếng mà là dạ dày đã quen với những năm tháng đói nghèo phải nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền.
Từ một cô học sinh trường chuyên, Tuệ Nghi phải nghỉ học và đi học tại một trung tâm giáo dục thường xuyên ở TP.HCM. Thương mẹ đau ốm, cô không ngần ngại làm các công việc nặng nhọc vất vả và bắt đầu tập tành kinh doanh.
Vì không có tiền, Nghi và mẹ phải thuê nhờ ban công ở khu nhà ổ chuột để ở, mùa mưa chưa bao giờ có nổi một cái mền khô ráo để đắp vì nước tạt vào ướt hết mọi đồ đạc. Thế nhưng Tuệ Nghi nói: Đó là giai đoạn mẹ con Nghi đã “lên đời” rồi vì trước còn ngủ nhờ trong chuồng heo của nhà người khác, “căn phòng” vỏn vẹn chỉ có một chiếc chiếu rách và một cái lò xô để nấu nướng.
Tờ Ngôi sao thông
tin, năm 2008, khi đang là nhân viên bán hàng cho một công ty vật liệu xây dựng tại hội chợ thương mại, Tuệ Nghi đã có cơ duyên gặp được một nhà cung cấp lụa tơ tằm. Nhờ thời gian đi bán quần áo, Tuệ Nghi có những hiểu biết nhất định về thị trường và nắm bắt cơ hội nhập lụa tơ tằm về bán tại TP.HCM.
Ban đầu, Tuệ Nghi đem lụa đến chào bán tại các sạp vải, tiệm may và ký gửi tại các cửa hàng bán quà lưu niệm cho du khách. Dần dần có được thị trường, cô tiến hành xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua kênh thương mại điện tử. Đồng thời trong thời gian này cô còn chuyển sang buôn bán linh kiện điện tử và điện thoại.
Năm 2009, Tuệ Nghi lại nhìn thấy cơ hội kinh doanh mới khi đang tu sửa căn nhà nhỏ của hai mẹ con ở ngoại ô. Vốn dĩ căn nhà này được cậu ruột cô cho hai mẹ con để có chỗ trú chân. Cô bán căn nhà được 100 triệu đồng làm số vốn đầu tiên để bước chân vào thị trường bất động sản dành cho người thu nhập thấp.
Với kiến thức xây dựng cơ bản từ người bố đã qua đời và sự giúp đỡ từ mẹ, Tuệ Nghi đã mua lại những căn nhà nhỏ, cũ ở ngoại ô để tu sửa lại và bán cho người có nhu cầu nhà ở nhưng có mức thu nhập thấp. Chính sự chịu khó và am hiểu phân khúc thị trường mà Tuệ Nghi đã kiếm được một số vốn kha khá để thành lập công ty cho riêng mình.
Năm 2010, cô thành lập công ty khi mới 17 tuổi. Kể từ đây cô mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực và du lịch. Trở về quê, cô mở thêm chuỗi cơm văn phòng, villa hotel dành cho khách du lịch và kinh doanh yến sào, đặc sản của vùng đất Khánh Hòa.
Sau thời gian tìm hiểu về ngành khách sạn nhà hàng, Tuệ Nghi mạnh dạn mở rộng ngành nghề
kinh doanh sang lĩnh vực tư vấn và quản lý các dự án bất động sản, khách sạn, resort theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau nhiều nỗ lực đến năm 2014, cô đã ký kết hợp đồng làm đại diện phát triển thương hiệu cho tập đoàn khách sạn 5 sao Langham International tại Đông Nam Á và đại diện phát triển thương hiệu khách sạn Lexington tại Đông Dương.
Song song với công việc kinh doanh, Tuệ Nghi còn hoàn tất việc học và có bằng cử nhân Luật năm 2014. Đồng thời trong thời điểm này cô cũng thực hiện ước mơ lớn nhất của mình là bắt tay vào viết lách. Thành quả là cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Luật ngầm ra đời năm 2016 và được nhà sản xuất phim mua lại bản quyền chỉ sau 40 ngày phát hành.
Sau Luật ngầm cô còn ra mắt các cuốn tản văn: Sẽ có cách, đừng lo, Cứ bình tĩnh, Đàn ông hay hứa, Phụ nữ hay tin…
Đến căn nhà dát vàng tặng mẹ
Căn nhà với nội thất dát vàng mà Nghi tặng sinh nhật cho mẹ
Nói về căn nhà tặng mẹ, Tuệ Nghi kể: “Ngày đó không có tiền thuê phòng trọ, nhà kia có một cái chuồng heo bỏ trống không còn nuôi heo nữa vì bà chủ bị bệnh, thế là cho Nghi và mẹ thuê ở nhờ. Chuồng heo nên chẳng có cửa nẻo gì hết, mẹ con Nghi trải chiếu xuống nền ngủ, nên sau này thuê được ở ban công là đã lên đời rồi”, Tuệ Nghi hài hước kể.
Và cũng chính sự hài hước, lạc quan này đã giúp Nghi vượt qua được những tháng ngày khó khăn nhất. Nghi cho biết bản thân luôn nghĩ đó là tạm thời, dù ở trong chuồng heo, hay ban công, nắng mưa đều phải chịu trận, hay những lúc quyết tâm tiếp tục đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng bị bạn học đánh, những ngày đi làm ca đêm về phải đi ngang qua khu nghĩa trang bị đám con trai lêu lổng doạ dẫm, thậm chí nhặt lại hộp mì từ thùng rác để ăn. Tất cả trong suy nghĩ của cô gái 15 tuổi lúc đó chỉ là tạm thời mà thôi, rồi mọi chuyện sẽ khác, rồi bản thân sẽ gầy dựng được cuộc sống tốt hơn.
“Tối nào về Nghi cũng nói với mẹ là sau này con sẽ mở công ty, sẽ mua nhà to, có vườn hoa hồng cho mẹ. Nghi sống lạc quan lắm. Lạc quan tới nổi người ở trọ xung quanh họ tưởng Nghi thần kinh đó, toàn nói huyên thuyên chuyện trên trời, tiền thuê nhà còn không có mà đòi làm chủ doanh nghiệp, đòi xây nhà to. Lúc mình chưa có gì thì đó gọi là điên, nhưng khi mình làm được rồi, thì người ta gọi đó là ý chí…”, Nghi cười mỗi khi nhớ lại.
Nghi cho rằng mình là người lạc quan và hài hước trong mọi hoàn cảnh: “Dù cuộc sống có túng quẫn đến đâu thì sự lạc quan vẫn khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mỗi ngày đều vui vẻ dù trong túi không có tiền, Nghi nghĩ sống bi lụy thì tiền cũng không rơi xuống đầu mình. Hơn thế nữa, than thở, bi quan, đổ lỗi cho cuộc đời không giúp mình thoát nghèo. Thái độ sống là một trong những điều có thể thay đổi được số phận của một con người”.
Dù bản thân rất lạc quan, nhưng theo Nghi, chỉ thế thôi chưa đủ: “Một phần là lạc quan, một phần Nghi rất tin vào bản thân mình. Người khác có thể không tin mình, nhưng đến mình cũng không tin vào bản thân thì còn làm nên trò trống gì. Nghi nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm ăn kiếm tiền hết. Vốn ít Nghi làm theo kiểu ít, không có vốn Nghi cũng đi hóng hớt, học hỏi người ta cách làm ăn. Được cái nết là năng động và chịu học”.
Không những thế, Nghi cho rằng: “Vì sao tôi tồn tại được giữa Sài Gòn chỉ với 10.000 đồng ở tuổi 15? Vì tôi có hy vọng, hay nói khác hơn là tham vọng. Cuộc sống này nếu chúng ta không có hy vọng, thì dù 100 triệu hay 100 tỉ đồng cũng chẳng thể làm được gì một cách hiệu quả. Có lẽ các bạn còn có thứ để chọn lựa, mà khi người ta còn có thứ để cân, đo, đong, đếm thì không bao nhiêu là đủ. Vì thế có thể các bạn chưa thể chạm được đến giới hạn tiềm năng bên trong của mình. Còn Nghi khi đó, không có đường chọn lựa, không nỗ lực thì sẽ chết và bằng mọi cách phải sinh tồn”.
PV (t/h)