“Tôi nghĩ các Shark ở đây ai cũng có khả năng đầu tư 300 triệu đồng, nhưng vấn đề không nằm ở số tiền đấy. Sau đó thì sao? Đã mất công đầu tư thì chúng tôi không mong lấy lại 300 triệu, hay 315, 320 triệu, vì bản chất không khác gì đi gửi ngân hàng lấy lãi suất”, Shark Tuệ Lâm nói với cặp du học sinh Gen Z lên gọi vốn cho startup túi da. Tuy nhiên ở hậu trường, Shark Hưng đã chia sẻ lý do ông quyết định đầu tư.
Trong tập 4 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, thương hiệu thời trang cao cấp L’arlesienne lên kêu gọi số vốn 300 triệu đồng cho 15% cổ phần , với sản phẩm chính là những chiếc túi da mang thiết kế độc đáo. Đáng chú ý, startup này chỉ gồm 2 nhân sự còn rất trẻ là Đinh Phúc Khang – Nhà sáng lập mới bước qua tuổi 18 và Nguyễn Ngọc Khánh Linh – Giám đốc mỹ thuật 16 tuổi.
Dù mới thành lập vào tháng 12/2022 với vốn điều lệ là 300 triệu đồng, L’arlesienne đã bán được 95% sản phẩm của bộ sưu tập đầu tiên sau 6 tháng mở bán, thu về hơn 500 triệu đồng với tỷ suất lợi nhuận là 28%.
Phúc Khang cho biết số vốn 300 triệu đồng kêu gọi trên Shark Tank nhằm đầu tư vào việc sản xuất bộ sưu tập mới. Tổng chi phí dự tính để bắt đầu sản xuất rơi vào 1 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến là 2,4 tỷ đồng với 400 sản phẩm. Giá bán dự kiến là 6 triệu đồng/chiếc.
Sau khi nghe phần trình bày từ hai đại diện của L’arlesienne, các “cá mập” chung một e ngại rằng hai em đều đang đi học tại Mỹ thì không ai quản lý công ty, mặc dù Phúc Khang giải thích rằng 6 tháng đầu năm công ty tập trung vào thiết kế, đến kỳ nghỉ hè sẽ tiến hành sản xuất và mở bán vào cuối năm.
Về đối tượng khách hàng, L’arlesienne nhắm đến những người có thu nhập ổn định, trên 20 triệu đồng, không muốn phải tiêu quá nhiều vào một chiếc túi hàng hiệu nhưng vẫn muốn sở hữu một mẫu thiết kế độc đáo.
Tuy nhiên, Shark Lê Hàn Tuệ Lâm không đồng tình. Cô cho rằng với người Việt Nam, tầng lớp có thu nhập cao, chứ không phải là ổn định, mới có thể hướng đến những chiếc túi giá trên 5 triệu đồng. Thêm vào đó, thị trường hiện nay vô cùng đa dạng với đủ mặt hàng từ nhiều quốc gia, với giá dao động chỉ từ vài trăm nghìn.
“Các bạn nên tìm những thị trường mà thu nhập cao hơn, thứ hai là họ có khẩu vị phù hợp với những sản phẩm như thế này. Tôi nghĩ các Shark ở đây ai cũng có khả năng đầu tư 300 triệu đồng, nhưng vấn đề không nằm ở số tiền đấy. Sau đó thì sao?”, Shark Tuệ Lâm nêu quan điểm.
“Đã mất công đầu tư thì chúng tôi không mong lấy lại 300 triệu, hay 315, 320 triệu làm gì, vì bản chất không khác gì đi gửi ngân hàng lấy lãi suất. Tôi nghĩ các bạn nên làm tốt phần hiện tại. Có thể có đơn hàng thì mình làm tiếp. Sau này học xong thì mình làm business. Vì lý do đấy, tôi sẽ không đầu tư”, nữ “cá mập” thẳng thắn.
3 nhà đầu tư khác là Shark Nguyễn Hòa Bình, Shark Lê Hùng Anh và Shark Louis Nguyễn cũng đồng tình rằng cặp du học sinh Gen Z trước hết nên tập trung vào việc học, nên từ chối rót vốn. Duy nhất có Shark Phạm Thanh Hưng chỉ ra rằng ông “đang có vài chục doanh nghiệp mà vẫn đi học bình thường, nếu biết cách sắp xếp”.
Do đó, Shark Hưng đề nghị đầu tư 300 triệu đồng cho 34% cổ phần. Tuy nhiên mục tiêu đầu tiên là hai nhà sáng lập phải đảm bảo việc học, không được quá xao nhãng.
Sau khi cân nhắc, Phúc Khang đàm phán với Shark Hưng mức đầu tư 300 triệu đổi lấy 25% cổ phần. Shark Hưng tiếp tục đưa ra con số 30% cổ phần và L’arlesienne đồng ý.
Tại hậu trường Shark Tank Việt Nam, Shark Hưng cho biết với những bạn trẻ khởi nghiệp ở lứa tuổi rất sớm như hai đại diện của L’arlesienne, ông đánh giá cao nhất là tinh thần khởi nghiệp và tính tự lập.
“Bây giờ mọi người lo lắng rất nhiều vấn đề về các bạn trẻ, bởi các bạn có những mối quan tâm dường như không giống thế hệ chúng tôi. Bởi vậy, những bạn thậm chí chưa đủ tuổi đại diện pháp luật cho doanh nghiệp mà đã có tinh thần khởi nghiệp là điều rất đáng khích lệ”, Shark Hưng nêu cảm nhận về startup thời trang non trẻ.
Khi được hỏi về lý do cam kết đầu tư cho L’arlesienne, Shark Hưng thừa nhận việc đầu tư không vì mục đích lợi nhuận.
“Bởi vì tôi không muốn các bạn dành quá nhiều thời gian mà ảnh hưởng đến chuyện học hành. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp các bạn phải có thái độ nghiêm túc với chuyện này, không phải đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu”, Shark Hưng lý giải.
“Đây là số tiền đầu tư tương đối nhỏ. Vì vậy, tôi mong muốn truyền đạt được tinh thần khởi nghiệp cũng như các bài học kinh doanh qua những tình huống thực tế của các bạn ấy là điều quan trọng nhất.
Tôi cũng mong muốn các bạn tập trung vào hoàn thiện việc học hành. Việc học là chuyện cả đời, nhưng đạt được bằng cấp đầu tiên trong cuộc đời là điều hết sức quan trọng”, Shark Hưng cho biết.
Minh Anh –Theo Nhịp sống thị trường