Nam Định là nơi đặt trường cấp 3 đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản theo mô hình Nhật Bản. Có em từ tận Cà Mau ra học. Một lớp nông dân mới có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình đang dần hình thành một cách bài bản…
“Để hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì chúng ta cần một lớp nông dân mới, trang bị kiến thức đầy đủ”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ tại Tọa đàm Việt Nam và Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh do báo Việt Nam News – nhật báo đối ngoại bằng tiếng Anh trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam – phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây.
Liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực khu vực nông thôn, ông Tuấn nhắc tới một mô hình đặc biệt học hỏi từ Nhật Bản – trang bị kiến thức nông nghiệp cho những em học sinh học hết cấp 2.
Hạnh phúc vì con em học làm nông
Ngôi trường có tên Trường cấp 3 Nông nghiệp mô hình Nhật Bản. Đây là mô hình liên kết đào tạo nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao dành cho học sinh học hết cấp 2, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định hợp tác thực hiện với Hiệp hội Giáo dục nhân lực Kirishima Sanroku Kasseika, Nhật Bản, được cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Đây cũng là ngôi trường cấp 3 đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản.
“Các em vừa học cấp 3 đã được trang bị kiến thức nông nghiệp, hiểu nông nghiệp, yêu nông nghiệp, khi vào đời có thể ứng dụng ngay trên mảnh đất của quê hương mình. Mô hình thí điểm ấy thu hút được rất nhiều học sinh cấp 3. Và các em học sinh không chỉ đến từ Nam Định, có em từ tận Cà Mau ra học”.
“Tất cả bố mẹ các em đều thấy hạnh phúc khi con học trường ấy. Trường ấy không chỉ dạy các em về kỹ năng mà chủ yếu dạy về thái độ, cách sống, một cách chỉn chu và có trách nhiệm như người Nhật”, ông Tuấn kể.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sau khi thí điểm ở tỉnh Nam Định, Bộ cũng đang đề nghị JICA mở rộng hơn mô hình này.
Nông nghiệp là lĩnh vực Nhật Bản ngày càng mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dẫn số liệu cho biết, đăng ký vốn đầu tư lũy kế đến năm 2020 từ phía Nhật Bản đạt gần 240 triệu USD với 42 dự án, đứng thứ 6 trong các đối tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam. Quy mô các dự án đầu tư của Nhật Bản đạt trung bình khoảng 6 triệu USD/dự án, trong đó có dự án đạt gần 80 triệu USD.
Cơ hội nhìn từ việc một quỹ đầu tư 22 năm tại Việt Nam lần đầu tiên nhắm tới lĩnh vực môi trường
Nông nghiệp là một trong 4 lĩnh vực JICA đang hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam, bên cạnh 3 lĩnh vực khác là Biến đổi khí hậu, Phòng chống thiên tai và Năng lượng tái tạo.
Đại diện JICA khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nâng cao khả năng của Việt Nam trong việc giảm khí thải carbon, tập trung vào quản lý tài nguyên nước; hợp tác với các công ty nông nghiệp trong việc cải thiện điều kiện sống và triển khai công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai tự nhiên.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) nhấn mạnh rằng việc tập trung vào phát triển xanh là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp bách tại Việt Nam, bao gồm chất lượng nước, ô nhiễm không khí, quản lý chất thải, tái chế, hiệu suất năng lượng và khí thải carbon. JETRO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn, mở rộng trách nhiệm môi trường của các nhà sản xuất và đẩy nhanh sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
“Các doanh nghiệp đang theo dõi, chờ đợi cơ hội từ các chính sách về tăng trưởng xanh của Việt Nam để có thể yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này,” ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại Việt Nam, chia sẻ.
Tính đến tháng 8 năm 2023, Nhật Bản đang đầu tư vào 5168 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 71 tỷ USD. Nhật Bản hiện đứng thứ ba trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Lĩnh vực tăng trưởng xanh tại không chỉ thu hút phía Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới câu chuyện chống biến đổi khí hậu với mô hình kinh doanh bảo vệ, tái tạo môi trường, bà Ellen Van – Giám đốc Đầu tư Quỹ Mekong Capital – cho biết và khẳng định đây là cơ hội của Việt Nam.
22 năm đầu tư ở Việt Nam, lần đầu tiên Mekong Capital thành lập quỹ đầu tư về khí hậu và môi trường. Chia sẻ với chúng tôi, bà Ellen cho biết quỹ mới của Mekong Capital có tên Mekong Earth and Forest Fund (MEFF), tập trung đầu tư vào 2 lĩnh vực: Nông nghiệp tái sinh và lâm nghiệp bền vững.
“Những dự án chúng tôi tìm kiếm sẽ là những dự án tạo được tác động tích cực đến cả 3 bên liên quan gồm môi trường, con người và nền kinh tế”, bà Ellen nói.
Bảo Bảo-Theo Nhịp sống thị trường