Năm 1989, người ta phát hiện một đứa trẻ bị bỏ rơi bên cạnh một chiếc xe bán tải ở vùng nông thôn của Florida với nhiều vết thương nhẹ trên cơ thể. Đứa bé sau đó được đưa vào trại trẻ mồ côi. Và rồi, Nathan và Betty Figgers – một cặp vợ chồng lớn tuổi đã nhận nuôi cậu bé. Họ đặt tên cậu là Freddie Figgers.
Cậu bé mồ côi với niềm đam mê công nghệ
Freddie Figgers lớn lên cùng cha mẹ nuôi và cô em gái nhỏ tại vùng quê nghèo ở Florida. Thời tiểu học, Figgers bị những đứa trẻ khác bắt nạt và châm chọc là “đứa trẻ rác rưởi” khi chúng biết cậu bị bỏ rơi. “Tôi được người ta nhặt được tại một khu vực nông thôn, vì vậy hầu như mọi người đều biết điều này. Khi còn nhỏ tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về những lời chế giễu và cảm thấy xấu hổ. Mãi sau này khi tôi trưởng thành, bố mẹ mới kể lại cho tôi nghe sự thật” – anh chia sẻ.
Năm Figgers lên 9 tuổi, cha anh mua lại một chiếc máy tính Macintosh 1989 bị hỏng tại một cửa hàng đồ cũ với giá 25 USD. Ông mang chiếc máy tính về nhà và đặt nó trên bàn bếp để con trai ông có thể mày mò với nó.
“Ông ấy nghĩ rằng việc ngồi sửa chữa chiếc máy tính có thể giúp tôi thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.” Và cha anh đã đúng. Figgers tháo chiếc máy tính ra và sửa lại nhiều lần. Niềm đam mê công nghệ cũng khơi nguồn từ đó. “Tôi vẫn còn giữ nó. Đó là thứ khơi dậy niềm yêu thích của tôi đối với công nghệ” – anh nói. Freddie Figgers đã mày mò và rất giỏi trong lĩnh vực này.
Năm anh 13 tuổi, người dân trong thành phố Quincy đã thuê anh sửa chữa máy tính cho họ. Đến năm 15 tuổi, Figgers thành lập công ty đầu tiên của mình tại phòng khách của bố mẹ, Figgers Computers, chuyên sửa chữa máy tính và giúp khách hàng lưu trữ dữ liệu của họ trên các máy chủ do chính anh tạo ra. Sau khi xây dựng cơ sở dữ liệu đám mây của riêng mình, Figgers quyết định bỏ học đại học. “Tôi sẽ không khuyến khích mọi người bỏ học giống mình. Nhưng đó là con đường tôi đã chọn. Năm 17 tuổi, tôi có 150 khách hàng, và cứ thế tôi tiếp tục xây dựng và phát triển” – anh nói.
Đừng để hoàn cảnh quyết định bạn là ai!
Bước ngoặt lớn nhất đến vài năm sau đó, năm 2012, khi đó Freddie Figgers mới 23 tuổi, anh đã bán một chương trình theo dõi GPS cho một công ty ở Kansas với giá 2,2 triệu USD.
Câu chuyện bắt đầu từ việc cha anh- Nathan Figgers mắc bệnh Alzheimer và thường đi lang thang khi ông phát bệnh. Figgers đã tạo ra thiết bị định vị GPS này lắp vào giày của cha để theo dõi, đồng thời nói chuyện với ông qua đó.
Không lâu sau đó, năm 2014 ông qua đời ngay sau khi Freddie thành lập Figgers Communications bằng số tiền kiếm được từ công nghệ “giày thông minh” của mình. Anh nói: “Thật khó khăn khi chứng kiến bố mình ngày càng tiều tụy. Tôi luôn biết ơn bố mẹ tôi. Họ đã dạy tôi không nên để hoàn cảnh quyết định tôi là ai”.
Thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc bên gia đình nhỏ Freddie Figgers cũng là người sáng lập Figgers Wireless, một công ty viễn thông tư nhân đã được thẩm định vào năm 2017 có giá trị hơn 62 triệu USD. Anh cũng điều hành Quỹ Figgers, tổ chức quyên góp cho nhiều hoạt động xã hội như cứu trợ sau thiên tai, học bổng đại học cho học sinh trung học và hỗ trợ đồ dùng dạy học cho các giáo viên.
“Điều tốt nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm là lan tỏa năng lượng tích cực đến người khác” – Figgers chia sẻ. Anh biết ơn cha mẹ nuôi của mình vì đã tin tưởng vào anh và tạo điều kiện cho anh truyền năng lượng của mình vào các dự án máy tính sáng tạo từ khi còn nhỏ.
Mặc dù kinh doanh tập trung vào việc bán điện thoại thông minh và gói dữ liệu nhưng Freddie Figgers vẫn theo đuổi dự án ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe. Figgers bán máy đo đường huyết không dây cho những người mắc bệnh tiểu đường, cho phép bệnh nhân tải xuống và chia sẻ mức đường huyết thông qua công nghệ Bluetooth. Và anh đang thực hiện một dự án tương tự như công nghệ “giày thông minh” để giúp các gia đình giữ liên lạc với những người thân ở xa.
“Cha mẹ tôi đã nhận nuôi tôi, cho tôi tình yêu và tương lai. Họ đã làm hết sức mình để biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, và bây giờ đó là tất cả những gì tôi muốn làm”.
Theo Washingtonpost-Theo TRÍ THỨC TRẺ