Ô mai là một thức quà truyền thống được ưa thích tại Việt Nam. Có nhiều thương hiệu lâu đời nổi tiếng như ô mai Gia Lợi, Gia Thịnh, Tiến Thịnh – Hàng Đường; Vạn Lợi – Hàng Da; Thanh Hương – Phố Huế,… Tuy nhiên, xét trên quy mô sản xuất công nghiệp và xây dựng thương hiệu, Hồng Lam là thương hiệu nổi bật nhất với hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước.
Người sáng lập của ô mai Hồng Lam là ông Nguyễn Hồng Lam, sinh năm 1957. Ông Hồng Lam khởi nghiệp ô mai vào năm 1996 với kiốt số 14 chợ Đồng Xuân và dần xây dựng thương hiệu phát triển cho đến ngày nay.
Nghề ô mai đến với ông Lam như duyên nợ trong thời điểm khó khăn nhất. Giai đoạn đầu, ông mày mò tự học làm ô mai, giã gừng, sên đường, thử từng mẻ mơ, mận, khế,… làm đi làm lại cho đến khi điêu luyện thành công thức riêng.
Một mình cặm cụi trong gian bếp nhỏ khu tập thể Quân đội, đến năm 1996, ông Hồng Lam thuê thêm 5 người và mở xưởng tại nhà.
Những hộp ô mai Hồng Lam đầu tiên được bán tại kiốt số 14 góc chợ Đồng Xuân. Đến năm 2000, ông Lam mở cửa hàng trang trọng đầu tiên trên phố hàng Đường. Hiện nay, một trong những cửa hàng ô mai Hồng Lam vẫn đặt tại địa chỉ 11 Hàng Đường.
Năm 2006, công việc kinh doanh phát triển, ông Lam thành lập Công ty cổ phần Hồng Lam, với nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bước tiến này đã chính thức đưa Hồng Lam vào quy mô sản xuất công nghiệp sản phẩm ô mai.
Việc công nghiệp hóa nghề cổ truyền và mang tính thủ công cao như ô mai là điều không hề đơn giản. Các khâu phân loại, phơi sấy hàng trăm tấn mơ, mận… được máy móc thực hiện thay nhưng vẫn cần sự giám sát chặt chẽ của con người. Sản phẩm cuối cùng sẽ được kiểm tra chất lượng bằng công nghệ đo lường dựa trên các chỉ tiêu hóa, lý, cảm quan và vi sinh.
Theo giới thiệu, nhà máy được cấp chứng nhận quốc tế ISO 22000 về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường và các công cụ quản lý hiện đại.
Năm 2022, Công ty Cổ phần Hồng Lam đã nâng vốn điều lệ từ 60 lên 80 tỷ đồng.
Hiện nay, hệ thống phân phối của ô mai Hồng Lam có 26 cửa hàng, chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bao gồm cửa hàng tự mở và mô hình nhượng quyền. Các sản phẩm không chí dừng lại ở ô mai mà còn được mở rộng đa dạng sang bánh trung thu, mứt tết, nước cốt hoa quả, long nhãn, bò khô, trà,…
Tư duy kinh doanh của ông chủ Hồng Lam đã giúp cửa hàng ô mai nhỏ trên phố Hàng Đường trở thành doanh nghiệp với quy mô sản xuất lớn như ngày nay đó là biến ô mai từ thứ quà ăn vặt trở thành những set quà tặng, trên nền tảng là câu chuyện về những giá trị truyền thống, quen thuộc của người Việt Nam kết hợp việc đầu tư cho thiết kế bao bì sản phẩm.
Nhờ vậy, sản phẩm không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Hồng Lam cũng rất chú trọng xây dựng các kênh phân phối sản phẩm. Bên cạnh các kênh truyền thống là 26 cửa hàng, sản phẩm của Hồng Lam còn được bày bán phổ biến tại các siêu thị như Aeon, Big C, WinMart, WinMart+, Lotte Mart, Co.opmart, MM Mega Market,… trong cả nước.
Những năm gần đây, Hồng Lam không mở thêm nhiều cửa hiệu trực tiếp mà đẩy mạnh kênh thương mại điện tử với website được đầu tư, chăm chút.
Mặc dù là thương hiệu có uy tín nhưng trong quá trình kinh doanh, ô mai Hồng Lam từng gặp phải sự cố khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện hàm lượng Cyclamate vượt quá mức giới hạn công bố 8,3 lần, Saccharin vượt quá 6,5 lần công bố vào hồi tháng 11/2016.
Sau đó, doanh nghiệp đã nhanh chóng thu hồi sản phẩm và gửi lời xin lỗi tới khách hàng.
Nghĩa-Theo NSTT