Từ Quân không kịp hồi lễ, chỉ có thể quỳ mãi trên mặt đất rồi nói: “Tiểu nhân có đức nào năng nào mà dám nhận lễ nghi vương giả thế này? Xin hãy nói rõ cho tại hạ hiểu nguyên do.”
Vào thời nhà Thanh, ở Giang Tả (chỉ khu vực phía đông sông Trương Giang), có một vị tên là Từ Quân hiểu biết y thuật, mở một hiệu thuốc để mưu sinh. Hiệu thuốc của nhà ông ở gần sông Quan, bên bờ có hàng liễu xanh rì, có một cây liễu đặc biệt cao lớn che nắng che mưa, khi trời nóng có thể trú dưới tán cây rất mát mẻ.
Có một thời gian, một người trông giống như hành khất, chèo một con thuyền nhỏ, thường đậu thuyền dưới gốc cây liễu lớn để hưởng bóng mát. Trên thuyền còn có hai người phụ nữ khác, không nói giọng địa phương, dường như là thê tử của người hành khất. Hai người phụ nữ chèo thuyền dọc sông cùng người hành khất đi ăn xin hàng ngày.
Vào một ngày giữa mùa hè, Từ Quân bỗng nghe thấy tiếng hai người phụ nữ khóc lớn, vội chạy ra xem thì thấy người hành khất sắp chết, chỉ còn hơi thở yếu ớt. Từ Quân không khỏi động lòng trắc ẩn, nói với người phụ nữ: “Trượng phu của các cô có lẽ mắc chứng say nắng, tôi đi lấy thuốc, may ra vẫn có thể cứu.” Nói xong, vội vã về nhà lấy thuốc thiềm tô hoàn, dùng nước tiểu em bé tưới vào người hành khất.
Sau một lúc, người hành khất tỉnh dậy, ngày hôm sau về cơ bản đã hồi phục. Người hành khất đến nhà bái tạ, cảm ơn ân cứu mạng của Từ Quân. Nhưng kể từ đó, gia đình người hành khất đã hoàn toàn rời khỏi đó bằng thuyền, người dân địa phương không bao giờ gặp lại họ, cũng không biết họ đã đi đâu.
Lại nói về Từ Quân, sau khi mở hiệu thuốc hơn mười năm, đã tích lũy được một chút gia sản, nghe nói buôn đậu từ Quan Đông rất có lãi, liền cùng bạn bè và người thân vượt biển đến Quan Đông để buôn đậu. Không ngờ trên đường đi, con tàu gặp phải một trận cuồng phong, người lái tàu không cách nào kháng cự gió to, vì để giảm bớt sức gió, ông đã cắt bỏ cột buồm, thả tàu trôi theo gió.
Không biết đã qua bao nhiêu ngày đêm, cũng không biết đã bị gió thổi bay đi bao nhiêu vạn dặm, cuối cùng những người trên tàu cũng nhìn thấy một hòn đảo. Tuy nhiên, khi tàu cập đảo thì va phải đá ngầm, toàn bộ tài sản bị chìm, rất may không có ai bị thương. Mọi người tập trung trên bãi biển, nghĩ về phen tai nạn này, không ngừng rơi nước mắt.
Từ Quân nghe nói buôn đậu từ Quan Đông rất có lãi nên đã cùng người thân và bạn bè vượt biển đến Quan Đông để buôn đậu. Bức tranh “Đóng thuyền đi biển” của Lý Tung thời nhà Tống. (phạm vi công cộng)
Hòn đảo này thuộc thẩm quyền của Triều Tiên, trên đảo có một thị trấn lớn. Khi đội lính canh thị trấn thấy con tàu đã bị thủng, nhưng nhóm người vẫn bình an vô sự, họ đã cử người đến hỏi thăm, ghi lại tên từng người, rồi báo cáo với các quan viên.
Đúng lúc đó, tiểu vương tử của Triều Tiên đang đi tuần tra biên giới, sau khi nhìn thấy danh sách, liền tự mình đi đến bãi biển để kiểm tra. Khi hỏi đến Từ Quân, còn hỏi kỹ về ngành nghề mà ông đang làm, rồi nói: “Cây liễu lớn trước cửa nhà tiên sinh có còn không?” Từ Quân không biết tại sao lại hỏi mình như vậy, liền thành thật trả lời: “Vẫn còn ở đó.” Vì vậy, vương tử đã hạ lệnh cho thủ hạ bố trí đưa nhóm người vào một quán ăn, chiêu đãi tử tế, còn nói “tìm thấy cơ hội sẽ đưa họ trở về thiên triều”.
Sau đó, vương tử mời Từ Quân lên xe của mình, vương tử cưỡi ngựa dẫn đầu xe, theo sau là đội nghi thức bạch mao hoàng việt, tiến về vương thành. Từ Quân ngơ ngác như trong mộng, không biết chuyện gì xảy ra, chỉ có thể để mặc. Hai ngày sau, khi họ đến vương thành, trăm quan ra ngoài thành nghênh tiếp họ, đổi xa giá mà vương gia cưỡi, dùng nghi lễ vương gia để nghênh tiếp đoàn hành nhân vào thành. Sau khi vào thành, vương tử đưa Từ Quân vào vương cung, kéo tay ông đưa vào trong điện, hai bên bái chào nhau, rồi chủ khách cùng ngồi xuống. Vương tử truyền lệnh hậu cung triệu phi tần ra ngoài tiếp khách.
Một lúc sau, cùng với những cung nữ y phục hoa lệ, hai người phụ nữ trong bộ lễ phục nghi thức bước vào, ngọc bội của họ kêu leng keng. Sau khi bước vào, họ cúi đầu hạ bái trước Từ Quân. Từ Quân không kịp hồi lễ, chỉ có thể quỳ mãi trên mặt đất rồi nói: “Tiểu nhân có đức nào năng nào mà dám nhận lễ nghi vương giả thế này? Xin hãy nói rõ cho tại hạ hiểu nguyên do.”
Vương tử cũng quỳ xuống đất, nói với Từ Quân: “Tiên sinh, ngài đã quên mười năm trước người hành khất bị bệnh dưới bóng cây liễu trên thuyền nhỏ rồi sao? Đó chính là quả nhân. Chiểu theo luật pháp nước ta, phàm là người tôn quý mắc dị chứng, là do Thượng Thiên trừng phạt, phải bỏ nhà đi đến nơi rất xa làm hành khất trong ba năm, để biểu thị sám hối. Quả nhân khi ngoài hai mươi tuổi, đột nhiên bị chứng chóng mặt, khi phát tác, thì lập tức bất tỉnh, một ngày sau mới tỉnh lại. Tiên vương lệnh cho thái sử quan chiêm bốc (bói), nói tôi cần đến vùng duyên hải Trung Hoa làm hành khất, nhất định sẽ có kỳ ngộ, bệnh tật sẽ chữa khỏi.”
Nói rồi, vương tử bèn chỉ hai người thiếp nói: “Quả phụ mang theo hai người họ đi ăn xin dọc bờ sông, gặp được tiên sinh dùng tiên đan cứu trị quả nhân, quả nhân từ đó về sau liền khỏi bệnh, đến hôm nay đã hơn mười năm mà chưa tái phát. Phụ vương ta đã mất hai năm rồi, quả nhân tiếp vị, vì vừa mãn tang, còn chưa kịp đến thiên triều chiêu cống thỉnh phong, do đó người trong nước vẫn gọi ta là ‘Tiểu vương tử’. May thay hôm nay tiên sinh đã đến đây để ta có cơ hội báo đáp đại đức của ngài. Không biết tiên sinh muốn hiển quý hay muốn giàu có? Nếu muốn hiển quý, quả nhân sẽ đặc thiết chức vị quả sư để cung phụng tiên sinh; nếu muốn giàu có, thì bảo vật bao nhiêu tiên sinh tùy ý lấy.”
Hòn đảo này thuộc thẩm quyền của Triều Tiên, trên đảo có một thị trấn lớn. Bức tranh là một phần của “Vọng Hải Tháp đồ” do người thời nhà Minh vẽ. (phạm vi công cộng)
Từ Quân lúc này mới minh bạch nhân quả, bèn hồi đáp: “Tiểu nhân chỉ là một thầy thuốc từ xa đến, chẳng có kỳ tài dị năng gì, sao dám làm hoen ố chức vị quả sư mà chiêu mời phi nghị của trăm quan? Tại hạ không muốn điều gì khác, tại hạ nguyên là muốn đến Quan Đông để buôn đậu, nếu có thể cho tại hạ mượn chút vốn liếng, đưa chúng tôi tới Quan Đông, thì tại hạ vô cùng cảm tạ.”
Vương tử cười nói: “Đậu Quan Đông không ngon bằng đậu chúng tôi sản xuất ở đây, không ngờ ở Trung Hoa thượng quốc, chúng lại là vật được quý trọng đến vậy. Thỉnh tiên sinh lúc nào đó hãy đến thăm quan kho lương ở đây, xem đậu của chúng tôi như thế nào?”
Sau khi hai bên hàn huyên chuyện cũ, vương tử bày yến tiệc khoản đãi Từ Quân, sau bữa tiệc, Từ Quân được bố trí cư ngụ tại một phòng trong hành cung là nơi chiêu đãi các sứ thần của thiên triều, lại bố trí một đại thần giỏi tiếng Trung ở bên cạnh Từ Quân, còn trình bày ca vũ tạp kỹ của bổn quốc để làm vui lòng Từ Quân.
Ở đó được mấy tháng, Từ Quân nhớ quê nhà muốn về nước, vương tử đã ba lần thuyết phục ở lại nhưng không được, bèn sai người mở kho lương, bảo ông đi xem đậu thế nào. Từ Quân phát hiện đậu ở đây quả nhiên ngon hơn nhiều so với đậu Quan Động, hạt đậu to và đầy đặn. Từ Quân muốn mang đi một ít, nhưng vương tử chỉ đơn giản là đem tất cả đậu trong kho lương cho ông và những người bạn của ông, chất lên hơn chục chiếc tàu biển, đưa Từ Quân và những người khác về nước bằng một con tàu lớn chuyên dụng của vương gia.
Sau khi trở về Trung Quốc, Từ Quân bán đậu và kiếm được vài chục vạn lượng bạc, vì vậy ông đã đổi tiệm thuốc thành một tiệm cầm đồ, bắt đầu kinh doanh.
Một số người bình luận, nói: “Thật là đáng tiếc, Từ Quân không lấy bảo vật, chỉ vì ông ấy không bao giờ quên đậu của mình.” Tác giả của “Khách Song Nhàn Thoại” Ngô Xí Xương, lại cho rằng Từ Quân quả thật là tuyệt, không tham bảo vật, chỉ lấy hạt đậu, không làm mất thể thống Trung Hoa của tôi, quả là hào kiệt trên thương trường! Tác giả cũng cảm thấy, Từ Quân xuất từ thiện tâm cứu một mạng người, gieo nhân thiện mới đắc được quả thiện, chuyển nguy thành an sau một vụ đắm tàu. Có thể thấy, rằng nếu người ta muốn xu cát tị hung, thì tốt hơn là hãy hằng ngày hành thiện sự.
Tư liệu tham khảo: “Khách Song Nhàn Thoại”
Theo Lưu Hiểu, Epoch Times-Hương Thảo biên dịch