Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xã Lùng Phình (Bắc Hà, Lào Cai), chị Giàng Thị Chứ vốn quen với công việc trồng ngô, trồng lúa. Nhưng với nghị lực đổi thay mạnh mẽ, chị Chứ đã chuyển hướng sang làm du lịch, với mô hình farmstay đầu tiên trên địa bàn xã Lùng Phình.
Ý tưởng đổi thay từ nghị lực đầy quyết tâm
Trên cung đường từ huyện Bắc Hà đi huyện Si Ma Cai, qua đoạn thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, có một một hình farmstay khá hoành tráng, với tên gọi Farmstay A Lềnh. Đó là mô hình của gia đình chị Giàng Thị Chứ, dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2020, nhưng với sự đầu tư bài bản cả về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ, đã thu hút được khá nhiều du khách từ mọi miền đất nước.
Chia sẻ với phóng viên Báo PNVN, chị Chứ, cho biết: “Từ xưa mình chỉ quen làm ruộng nương thôi. Rồi mình thấy khách du lịch đi qua khu vực làng bản mình nhiều quá, nhưng cả xã mình chưa có một cơ sở nào làm du lịch để đáp ứng nhu cầu cho khách. Đi sang các vùng khác thì thấy họ làm du lịch khá tốt, hiệu quả cao hơn làm nông nghiệp rất nhiều. Nên mình đã bàn với chồng chuyển sang đầu tư làm du lịch”.
Từ một ý tưởng có thể nói là rất táo bạo với những người phụ nữ Mông, bởi từ xa xưa, người phụ nữ Mông ở xã Lùng Phình thường an phận với công việc làm nông nghiệp, với trồng trọt và chăn nuôi là chính.
Khi bàn với chồng, chồng mình rất ngạc nhiên, chỉ lo mình không làm được, vì từ xưa cả nhà mình cũng chưa có ai biết làm du lịch như thế nào cả. Nhưng mình thì quyết tâm, tự tìm tòi học hỏi cách làm. Đi đến các điểm làm du lịch ở dưới thị trấn Bắc Hà xem họ làm, mình học theo, rồi thì cũng có kinh nghiệm, chị Chứ cho hay.
Gian nan những ngày đầu khởi nghiệp
Năm 2020, gia đình chị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm du lịch, sau khi làm xong thì gặp đại dịch Covid-19, mọi việc đều bị đình trệ. Lúc đó, cả gia đình lo lắng nhưng chị Chứ vẫn luôn tin tưởng và cố gắng động viên các thành viên trong gia đình.
Sau một thời gian, đại dịch qua đi, chị Chứ cùng các thành viên trong gia đình lại bắt tay vào công cuộc khởi nghiệp làm du lịch.
Tuy nhiên, sau đại dịch, ngành du lịch vẫn chưa thể phục hồi, lượng khách bị giảm đi rất nhiều. Cơ sở của nhà chị lại mới mở ra nên chưa thể đón được nhiều khách, dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động.
Anh Giàng A Lềnh, chồng chị Chứ, chia sẻ: “Khi vợ bàn việc làm du lịch, nói thật là mình cũng không yên tâm, nhưng vẫn ủng hộ làm và bỏ vốn đầu tư. Bởi vợ mình bàn có lý, đó là cả xã này chưa có ai làm, khách du lịch đi qua rất nhiều, nếu mình làm thì họ sẽ có chỗ để đến. Trải qua nhiều khó khăn, nhưng đến bây giờ thì cũng đã có khách và bước đầu cũng khá ổn định”.
Bà Giàng Sín Xuyển, Chủ tịch Hội LHPN xã Lùng Phình, cho biết: “Gia đình chị Giàng Thị Chứ là hộ đầu tiên đầu tư làm du lịch ở xã Lùng Phình. Đây là sự mạnh dạn, dám làm và làm rất bài bản, đến nay cũng đạt được những thành quả rất tốt. Có thể nói đây là tấm gương cho nhiều chị em, nhiều gia đình ở địa phương noi theo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo cho địa phương”.
Ước mơ tạo ra một quần thể Homestay ở Lùng Phình
Cho đến nay, mô hình farmstay của gia đình chị Chứ đã phát triển khá ổn định. Do được đầu tư với quy mô bài bản, có sức chứa được 100 khách/ngày đêm, cùng với đó là trang thiết bị khá tiện nghi, nên thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài nước.
Kể từ khi làm du lịch, chị Chứ cũng tạo ra việc làm và thu nhập cho một số chị em trong thôn. Họ tham gia vào các dịch vụ nấu ăn, biểu diễn văn nghệ phục vụ khách, nhờ đó mà cũng có thêm thu nhập cho gia đình.
Chị Chứ chia sẻ: “Đối với lĩnh vực du lịch, thì nếu chỉ một mình nhà mình làm, thì sẽ bất lợi. Bởi mình cũng không thể đón được hết khách, nếu như họ đi đoàn đông, nên tôi đang thuyết phục các gia đình trong thôn cùng đầu tư làm du lịch giống như mình. Nhiều nhà làm thì sẽ có thể mạnh hơn, có thể đón nhiều khách và tạo thành một điểm đến lớn ở Lùng Phình. Làm du lịch cũng vất vả và bỏ vốn nhiều, nhưng ngược lại nó sẽ có thu nhập tốt hơn là làm nông nghiệp. Mong muốn của tôi là các gia đình khác cùng đầu tư cùng phát triển du lịch, để có cuộc sống ổn định và bền vững hơn”.
Theo PNVN