Trong công việc, chúng ta cần giải quyết 3 cảm xúc tiêu cực sau để có được hạnh phúc.
Ai cũng từng trải qua giai đoạn nhảy việc vì không hài lòng với mức lương của mình. Thực tế, những ai mong muốn tăng lương bằng cách nhảy việc thường mang tâm lý nóng vội. Dù bạn nghỉ việc và nhận lương cao hơn nhưng nếu không đủ năng lực thì vẫn có kết quả như vậy. Rồi bạn cũng sẽ lại thôi việc hoặc điều chỉnh vị trí làm việc.
Do đó, nhảy việc và tăng lương chỉ là hiện tượng, còn bản chất là giá trị thu về. Tuy nhiên, hôm nay tôi không có ý định thảo luận với bạn cách nâng cao giá trị bản thân bởi hầu hết điều quyết định thành quả công việc của một người không phải là những giá trị đó mà là khả năng quản lý cảm xúc.
Tôi chỉ muốn nói rằng hạnh phúc là yếu tố tiên phong của thành công, chứ không chỉ là kết quả. Có hạnh phúc rồi mới có thành công!
Khi chúng ta hạnh phúc, tâm lý và cảm xúc của chúng ta sẽ tích cực, thông minh hơn, có động lực hơn và từ đó sẽ thành công hơn.
Vậy trong công việc, chúng ta cần giải quyết những cảm xúc tiêu cực nào để có được hạnh phúc?
1. Giải quyết sự lo lắng
Một vài năm trước, người bạn Tiểu Mẫn của tôi đã chia sẻ một ít kinh nghiệm của cô ấy. Lúc đó Tiểu Mẫn đang làm chuyên viên nhân sự của một công ty, cảm thấy công việc quá nhàm chán, không thể cống hiến, rồi lo lắng sẽ bị sa thải, cô chẳng biết đâu mới là hướng đi mới. Vì vậy, cô lo lắng mỗi ngày, đi làm mà tâm trạng như ngồi trên đống lửa.
Một ngày nọ, cô tình cờ gặp giáo viên đại học của mình. Cô giáo chỉ hỏi 2 điều và đã làm Tiểu Mẫn bớt lo lắng. “Nếu em thực sự từ bỏ công ty này, dù là từ chức hay sa thải, trong vòng 1 tháng đó em sẽ đối mặt với công việc này như thế nào? Em hy vọng sẽ mang theo những gì khi nghỉ việc?”, cô giáo hỏi. “Em sẽ tham gia làm việc nhiều hơn, tìm hiểu về công việc nhiều hơn rồi sau đó là rời khỏi công ty”, Tiểu Mẫn đáp.
Trên thực tế, sự lo lắng của Tiểu Mẫn bắt nguồn từ việc cô ấy thiếu tự tin vào khả năng của bản thân. Vì vậy, cô giáo cuối cùng đã đưa ra gợi ý: viết đơn từ chức ngay lập tức và tự tin nghỉ việc. Nhưng Tiểu Mẫn không cần phải gửi bức thư này ngay mà phải cất vào tủ, xem liệu cô có thực sự cần từ chức sau 1 tháng hay không, lúc đó rồi quyết định cũng không muộn.
Trong 1 tháng tiếp theo, Tiểu Mẫn được cấp trên khen ngợi nhiều, cô dần lấy được động lực làm việc và cũng không còn chán ghét công việc của mình. Lá thư nghỉ việc cũng chỉ nằm trong ngăn kéo của cô mà thôi.
Cách Tiểu mẫn vượt qua sự lo lắng trong công việc đó chính là thay đổi mục tiêu thụ động “chịu đựng công việc nhàm chán và tránh bị sa thải” sang mục tiêu chủ động “học thêm những điều có giá trị với mình trước khi nghỉ việc”.
Trong quyển sách Happy Work có đề cập rằng, một người khi lớn lên sẽ có 3 vùng: vùng an toàn, vùng trưởng thành, vùng lo lắng.
– Vùng an toàn: đề cập đến công việc có thể được thực hiện mà không cần nỗ lực. Nhưng vì thiếu thử thách, người ta thường cảm thấy rằng họ không có cảm giác hoàn thành công việc.
– Vùng lo lắng: đề cập đến một lĩnh vực mà khả năng hiện tại không thể kiểm soát được, ví dụ như việc phát biểu trước đám đông.
– Vùng tăng trưởng: đề cập đến lĩnh vực mà chúng ta có thể nỗ lực để đạt được, như việc bắt chước bài viết của ai đó để tập viết thành 1 bài viết của mình.
Cách để đối phó với lo lắng là hành động trong vùng tăng trưởng, bao gồm sửa đổi các mục tiêu. Tức là biến các mục tiêu không thể kiểm soát thành những mục tiêu có thể kiểm soát được. Chìa khóa để vượt qua lo lắng là chấp nhận những điều không kiểm soát được, chú ý đến phần bạn có thể kiểm soát, đặt mục tiêu thực tế và hành động tích cực cho chúng.
Do đó, khi bạn cảm thấy lo lắng, hãy tự hỏi bản thân rằng bạn đã đặt mục tiêu của mình vào vùng lo lắng chưa.
2. Ngưng than phiền
Mọi người đều biết rằng than phiền là một cảm xúc tồi tệ và việc tập trung vào những điều tiêu cực sẽ làm giảm hạnh phúc của chúng ta.
Nhưng đâu đó than phiền cũng có mặt tích cực, nếu sự than phiền tích cực có thể giải tỏa nỗi bất bình bên trong và cho chúng ta thấy được nhu cầu thực sự bên trong. Vì vậy, bạn có thể giữ mặt tốt của than phiền và thay đổi mặt xấu của nó.
Chúng ta thường gặp những người hay phàn nàn khi cuộc sống của họ đi sai hướng họ muốn. Họ sẽ phàn nàn về xã hội, phàn nàn về công ty, phàn nàn về thời cuộc… Những lời phàn nàn này đôi khi là sự thật, nhưng vấn đề này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Tương tự như đối phó với lo lắng, chìa khóa để chuyển từ phàn nàn sang hành động là có thể phân biệt điều gì có thể kiểm soát được và điều gì không thể, rồi hành động theo những điều bạn có thể kiểm soát.
Chúng ta không bao giờ có thể đạt được quyền kiểm soát tuyệt đối cuộc sống nhưng có thể chọn thái độ và phương pháp tốt nhất để đối phó với những cơ hội, thách thức trong cuộc sống.
3. Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Chủ nghĩa hoàn hảo là nỗi sợ thất bại, nó vô hiệu hoá cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là những khía cạnh chúng ta quan tâm nhất. Vì vậy, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn và hành động vì sợ thất bại.
Họ muốn đợi đến khi chắc chắn 100% rồi mới hành động nhưng rồi họ lại thấy rằng không gì có thể thực sự chắc chắn 100%. Thế là họ rơi vào tình trạng chờ đợi.
Nhiều người có xu hướng chờ đợi khi họ không chắc chắn điều gì đó vì trong tiềm thức họ tin rằng chờ đợi là không tốn kém và không có rủi ro. Nhưng thực tế là ngược lại.
Khi em họ tôi tốt nghiệp đại học, cô ấy có 2 sựa lựa chọn: đi du học hoặc làm việc tại New Oriental. Nhưng mãi cô vẫn không thể quyết định được bởi cứ mãi chần chứ, suy tính xem phương án nào hoàn hảo hơn. Cuối cùng, cô ấy bỏ lỡ cơ hội du học và cả việc làm tốt tại New Oriental.
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn và hành động vì họ sợ thất bại. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng trong nhiều trường hợp, thông tin và khả năng mới lại được phát hiện trong hành động.
Khi chúng ta phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn và không thể thu thập thêm thông tin, cách tốt nhất là tìm ra điểm chung của một số lựa chọn hiện có và tìm kiếm thông tin mới trong hành động, thay vì nằm thoi thóp tại chỗ.
(Nguồn: Zhihu)-Đại Lâm Mộc-Theo Pháp luật & bạn đọc