“Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm sản xuất sản phẩm may mặc cho các thương hiệu nước ngoài, trong tôi luôn có một câu hỏi: Vì sao người Việt có thể sản xuất ra các sản phẩm thời trang chất lượng cao cho thương hiệu nước ngoài mà không thể tự sản xuất và kinh doanh với chính thương hiệu của mình?”, chị Vũ Thị Thu Thủy – CEO Lamer trăn trở.
“Xuất phát điểm của tôi nhiều năm trước là công nhân may tại xưởng gia công Nam Định” – bà chủ Lamer Vũ Thị Thu Thuỷ “tua” ngược thời gian kể về câu chuyện lập nghiệp của bản thân mình.
Chị Thuỷ Lớn lên tại vùng đất Nam Định, cái nôi của ngành dệt may với số lượng lớn người lao động tham gia trong ngành may gia công cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ, xuất hàng đi trong nước và nhiều thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Mô hình “từ bàn may tới tay khách hàng” và cú hích Mỹ tiến
Có cơ hội tiếp xúc và tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong ngành, cô công nhân của xưởng may gia công ấp ủ và tìm kiếm cơ hội để tạo dựng thương hiệu dệt may riêng, đánh thức tiềm năng của dệt may quê nhà.
Không chỉ là tạo sợi, sản xuất cúc áo, đai quần,… khát khao của chị Thuỷ là tạo ra và giới thiệu đến thị trường những sản phẩm thời trang hoàn chỉnh mang thương hiệu Việt Nam tới khách tiêu dùng trên toàn cầu.
Lamer, doanh nghiệp ngành thời trang hướng đến nhóm khách phụ nữ công sở ra đời từ đó. Thành lập từ năm 2009, Lamer Jsc là cơ sở may mặc, sản xuất theo đơn hàng. Năm 2015, Lamer chuyển đổi mô hình F2C – Factory to Customers (tạm dịch: Từ bàn may đến tay khách hàng) hướng đến việc quản lý chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến bán lẻ nhằm đảm bảo chất lượng của mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Hiện bên cạnh 30 cửa hàng hiện diện từ Bắc vào Nam, Lamer còn sở hữu nhà máy hơn 100 công nhân cùng mạng lưới xưởng vệ tinh giúp đảm bảo sản lượng sản xuất lên tới hơn 300.000 sản phẩm/năm, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm liên tục được mở rộng, phân phối lợi nhuận và chuẩn bị tài chính trong 24 tháng. Tạo dựng được một thương hiệu có nền tảng vững chắc trong nước, Lamer tự tin “mang chuông đi đánh xứ người”.
Bán áo khoác 3 triệu, váy 1,5 triệu đồng và những review đầu tiên của người dùng Mỹ
Mục tiêu vươn ra thế giới đã lâu nhưng phải đến khi đại dịch COVID-19 nổ ra, động lực tìm kiếm thị trường mới mới trở nên cấp thiết. Lamer quyết định thử nghiệm con đường mới: Tiếp cận thị trường quốc tế qua Amazon.
“Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm đăng tải sản phẩm để xác định thị hiếu của khách hàng Mỹ“, chị Trần Tú Viên – Trưởng phòng Thương mại Điện tử của Lamer – kể lại.
Những ngày đầu, sản phẩm của Lamer thường nhận review là “size quá nhỏ” do hình thể khác biệt giữa người Mỹ và người Việt.
“Sau đó, chúng tôi tập trung vào nhóm người dùng từ 30 tuổi. Về bảng size, chúng tôi bổ sung thêm nhiều kích cỡ sản phẩm từ XL đến 4XL – tương ứng với size XL của khách hàng Mỹ. Chúng tôi cũng chọn phát triển sản phẩm theo phong cách classy smart casual (tạm hiểu: thoải mái, phóng khoáng), tránh cho sản phẩm bị lỗi mốt”.
“Đồng thời, sản phẩm được gắn thêm bo chun để đảm bảo độ co dãn tối đa, form dáng suông, eo cao hoặc xếp ly để vừa vặn với hình thể của khách hàng Âu Mỹ“, chị Viên nói thêm.
Một trong những sản phẩm thuộc dòng “Best sellers” của Lamer trên Amazon là chân váy xếp ly, có giá 32,99 USD (tương đương 800.000 đồng), áo khoác dáng dài Parka có giá 129,99 USD (hơn 3 triệu đồng), váy chiffon giá 59,99 USD (gần 1,5 triệu đồng)…
Trong 9 tháng đầu tiên, thương hiệu thời trang Việt này nhận được hơn 2.000 đơn hàng mới. Sau một năm kinh doanh trên Amazon, Lamer cho biết doanh thu các sản phẩm chủ đạo đã tăng trưởng 250%. Chặng đường dù thử thách song đội ngũ Lamer cho biết mình luôn tìm thấy niềm hạnh phúc, khi thấy dệt may Việt dần thoát khỏi cái bóng “sân sau” để tiếp cận trực diện thị trường toàn cầu.
“Tôi tin rằng những thế hệ tiếp theo hoàn toàn có thể mang nhiều thương hiệu Việt hơn nữa ra thế giới. Và qua đó giúp chúng ta khẳng định một điều: Người việt không chỉ thành công nhờ tay nghề giỏi, chúng ta còn có tầm nhìn và tư duy kinh doanh nhạy bén“, CEO Lamer cho biết.
Bình An-Theo An ninh Tiền tệ