“Tôi đề nghị Công Phượng giải nghệ, cầu thủ gì đá phạt đền hỏng. Hãy giải nghệ đi”….
Tiếng chửi dành cho Công Phượng từ chính CĐV Việt Nam cách đây hai năm vẫn còn in mãi trong ký ức của tôi về một kỳ SEA Games kỳ lạ của bóng đá Việt Nam. Từ hy vọng đến thất vọng, rồi tiếng chửi trên khán đài ngay tại đất Malaysia.
Bóng đá vốn dĩ là một trò chơi mang tính giải trí nhưng sự hà khắc từ dư luận thì thật sự quá khủng khiếp. Phần lớn nạn nhân chính là các cầu thủ nổi tiếng, họ là tâm điểm của sự yêu – ghét, đá hay sẽ được ngợi khen, còn trình diễn thất vọng thì bị dìm đến tận cùng sự chỉ trích.
Malaysia năm 2017, Công Phượng đứng ra lãnh trách nhiệm đá quả phạt đền trước Thái Lan. Phượng đá thay cho Hồ Tuấn Tài, người đồng đội bị dư luận “đánh” tả tơi sau trận hòa 0-0 với U22 Indonesia. Phượng đá quả 11m vì sợ Tài sút hỏng thì khó sống nổi với “búa rìu” dư luận, cộng đồng mạng. Nhưng rồi chính Phượng trở thành nạn nhân khi sút hỏng quả phạt đền.
Một quang cảnh đầy hãi hùng, thầy trò HLV Hữu Thắng ôm mặt trong thất vọng, từ những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng… cúi mặt trong nỗi buồn tận cùng. Những giọt nước mắt đã lăn dài trên má vì đội nhà thua cuộc. Một số CĐV Việt Nam bật khóc nức nở như chết lặng, còn số đông buông lời chỉ trích. Thậm chí, có người còn bảo: “Tôi đề nghị Công Phượng giải nghệ, cầu thủ gì đá phạt đền hỏng. Hãy giải nghệ đi”.
Sau buổi chiều đáng quên đó, Công Phượng hứng chịu thêm vô vàn sự chỉ trích. Áp lực dồn nén đến mức từng có thông tin là Công Phượng bị trầm cảm trong một thời gian ngắn. Nếu không có đủ sự bản lĩnh thì có lẽ Công Phượng đã không thể đứng dậy nổi từ định kiến dư luận.
Ví dụ điển hình là thủ thành Phí Minh Long đến bây giờ trở thành quên lãng sau những sai lầm khiến U22 Việt Nam thua U22 Thái Lan. Minh Long cũng hứng chịu sự chỉ trích nặng nề và cả một tương lai rộng mở đã bị ảnh hưởng từ chính những tiếng chửi kể trên.
Hai năm sau, một câu chuyện khác lại xuất hiện ở SEA Games 30, thủ môn Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm trong ngày U22 Việt Nam thắng U22 Indonesia. Sự thật là Dũng đã mắc lỗi về chuyên môn nhưng liệu có cần nhìn nhận theo hướng đả kích, chỉ trích?
Bùi Tiến Dũng từng được ví như người hùng của U23 Việt Nam. Nhưng bóng đá thì không thể nói trước được, giống như Công Vinh từng nói là đời cầu thủ bạc lắm, hôm nay là người hùng, còn ngày mai có thể bị chửi là tội đồ. Bùi Tiến Dũng bây giờ rơi đúng vào tình cảnh như thế.
Bùi Tiến Dũng sai sót là điều không thể chối bỏ, vì không chỉ một lần khi cả một năm qua có rất nhiều sai sót mỗi khi đứng trong khung gỗ. Và sai sót nếu đến trong một hoàn cảnh khác thì U22 Việt Nam có thể trả giá, không còn cơ hội sửa sai. Bùi Tiến Dũng rõ ràng là một sự lựa chọn không còn đảm bảo về chỉ số niềm tin trong khung gỗ của U22 Việt Nam.
Thế nhưng, góc độ chuyên môn thì HLV Park Hang Seo sẽ biết cách giải quyết trong phần còn lại ở SEA Games 30. Người hâm mộ đừng tạo thêm áp lực cho các cầu thủ. Sự chỉ trích chỉ góp phần khiến cho Dũng hay U22 Việt Nam trở nên nặng nề hơn trong hành trình chinh phục HCV.
HLV Lê Thụy Hải phân tích vấn đề rất hay rằng: “Tôi lo là sau chuyện Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm có thể tạo nên sự áp lực lớn cho vị trí thủ môn của U22 Việt Nam tại SEA Games 30. Đó cũng là lý do chúng ta nên nhìn tích cực là U22 Việt Nam đã thắng U22 Indonesia, một trận đấu quả cảm và giàu cảm xúc”.
Chính HLV Park Hang Seo cũng ứng xử một cách cực kỳ khéo léo về chuyện của Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm. Ông Park từ chối nói về chuyện cá nhân, một hành động thiết thực để bảo vệ Bùi Tiến Dũng.
Đúng hơn, chúng ta hãy để cho các cầu thủ U22 Việt Nam giải tỏa bớt áp lực tại SEA Games 30, thay vì dồn ép thêm bằng sự chỉ trích, bởi mọi thứ đến lúc này đang rất tốt (U22 Việt Nam toàn thắng 3 trận). Vậy tại sao chúng ta không nhìn câu chuyện theo hướng tích cực nhất để ủng hộ U22 Việt Nam?
Yêu – ghét – chỉ trích – ngợi ca, đó là một phần của bóng đá. Nhưng bóng đá cũng như cuộc sống, đồng hành cùng nhau trong nỗi buồn thì bao giờ cũng tạo ra ý nghĩa tích cực hơn là chê trách, nhất là với những cầu thủ trẻ như Bùi Tiến Dũng thì cần lắm sự an ủi, bởi chúng ta đã có bài học lớn từ chuyện khen – chê Công Phượng, Phí Minh Long của hai năm trước.