Căn bệnh viêm cột sống khiến anh Trần Văn Tiên phải nằm liệt giường. Đọc sách, đầu tư vào bản thân, trí tuệ là con đường duy nhất. Bên cạnh đó, hành trình suốt 9 năm qua của anh Tiên luôn có bóng hình và sự giúp đỡ của người bạn gái, người vợ.
Làm thuê không được, quyết định làm chủ
Năm 15 tuổi, căn bệnh viêm cột sống khiến anh Trần Văn Tiên trở thành người tật nguyền, phải nằm liệt giường. “Gia đình thuần nông khó khăn, em trai phải nghỉ học đi làm thuê. Tuyệt vọng, nhiều lúc tôi chỉ muốn quyên sinh, chết đi cho mọi người đỡ gánh nặng”, anh nhớ lại.
May mắn thay, biết con thích đọc, cả nhà tìm mượn cho Tiên đủ các loại sách để giải khuây. Chính nhờ những trang sách ấy, đặc biệt là Kinh Thánh mà chàng trai đã vực lại tinh thần. Anh ngồi được xe lăn, tham gia lớp học thiết kế đồ họa và sau đó mở được hiệu ảnh để kiếm thu nhập.
Năm 2010 là thời điểm mạng Yahoo! cùng các forum trên internet nở rộ. Anh Tiên quen biết chị Quyên – lúc ấy đang học thạc sĩ trên thành phố qua một diễn đàn của người Thanh Hóa. Đôi bạn trò chuyện và nảy sinh tình cảm.
Tiên quyết định lên thành phố xin việc và quan trọng nhất, gặp được người con gái mình yêu. Nhưng đời chẳng như mơ, không ai nhận một người khuyết tật như anh vào làm việc.
Làm thuê không được, Tiên quyết định làm chủ. Tiên về phòng trọ của bạn gái, tự mình nghiên cứu các trang thương mại điện tử, tìm cách kiếm tiền tại nhà.
Năm 2012, họ bắt đầu bán trang sức, đăng trên các trang rao vặt và sau đó tự lập website riêng. Tháng 6/2013, Tiên thành lập công ty Trang sức Em và Tôi, mở một quầy hàng trong ngõ nhỏ.
Kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh còn non nớt, mọi việc bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát của vị CEO trẻ. Website sập liên tục, hệ thống quản trị hàng tồn, bán hàng yếu kém, khiếu nại dịch vụ liên tục khiến cả ông chủ và đội ngũ nhân viên lao đao.
Ngay trong lúc tuyệt vọng nhất, gia đình bạn gái Tiên biết chuyện và ra sức cấm cản con gái. “Bố tìm đủ mọi cách để ngăn tôi.
Ông thậm chí còn nói: “Giữa bố và bạn ấy, con phải ra quyết định chọn một người”. Không biết trả lời thế nào, tôi chỉ biết im lặng chờ đến khi làm ra thành quả để chứng minh với bố”, chị Quyên hồi tưởng lại trong xúc động.
“Cái kết” có hậu
“Nhiều đêm thức trắng, nhìn người con gái đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi – Em đã chấp nhận tôi – một người khuyết tật, chấp nhận hoàn cảnh khó khăn của tôi. Nếu không đủ vững vàng thì tôi đâu xứng đáng với niềm tin em đã dành trao”, anh Tiên chia sẻ tại chương trình CEO – Chìa khóa thành công.
Tiên tìm lời giải cho bài toán kinh doanh của mình, chính là công nghệ. Thời điểm đó, công ty là một trong những doanh nghiệp SME hiếm hoi đầu tư vào hệ thống quản trị, lưu trữ đồng bộ dữ liệu. Cùng với đó, anh xây dựng quy trình quản trị, có bản mô tả công việc, thưởng phạt rõ ràng.
Tình hình được cải thiện rõ rệt. Đến nay, Trang sức Em và Tôi đã có hơn 40.000 khách hàng trong và ngoài nước, cả doanh nghiệp và cá nhân.
Một chiến lược khác, công ty nhận thu mua lại 70% giá trị trang sức đã qua sử dụng và số hóa, dùng mã vạch để quản lý các đơn hàng, sản phẩm. Điều này đã góp phần tăng tỷ lệ khách trung thành lên mức 20%.
Số lượng các mẫu trang sức được thiết kế bởi công ty hiện đạt khoảng 30.000 mẫu, trong đó 80% đã được đăng ký độc quyền.
Chứng minh thành quả sau bao gian khó với bố mẹ, anh Tiên và chị Quyên được gia đình chấp thuận và kết duyên vợ chồng vào năm 2014. Một năm sau, họ chào đón đứa con đầu lòng.
Niềm vui như nhân đôi khi trong hai năm 2015 – 2016, anh đã lần lượt được thay khớp háng và khớp gối, có thể đi lại bình thường nhờ hỗ trợ của dự án do một tổ chức y tế từ Chicago hợp tác cùng Bệnh viện Y 108.
Anh Tiên cho biết, mục tiêu trong năm 2020 của Công ty là “tiến đánh” miền Nam và miền Trung bằng việc mở thêm cở sở, showroom tại các khu vực này.
Theo Trí Thức Trẻ