Một năm trước, khi Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada, cư dân mạng Trung Quốc đều lên tiếng bảo vệ bà. Chính quyền gọi Mạnh Vãn Châu là “anh hùng dân tộc”, gọi Huawei là “thương hiệu quốc gia”, nhưng tình thế đã nhanh chóng thay đổi.
Tháng 12/2018, theo yêu cầu từ phía Mỹ, cảnh sát Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, với các cáo buộc tội danh như lừa đảo, ăn cắp bí mật thương mại và không tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ. Cả Mạnh Vãn Châu và Huawei đều phủ nhận cáo buộc này.
Sau một năm, bà Mạnh Vãn Châu vẫn đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver, chờ đợi phiên tòa xét xử việc dẫn độ sang Mỹ. Tuy nhiên, bà Mạnh có thể tự do di chuyển trong phạm vi gần 260 km2 của Vancouver, miễn là về trước giờ giới nghiêm (23 giờ).
Theo SCMP, cuộc sống bị quản thúc tại gia của bà hiện tại được coi là khá thoải mái. Tờ BBC bình luận rằng bà ấy đang bị “mắc kẹt trong một cái lồng mạ vàng”.
Dư luận Trung Quốc từ đang ủng hộ Mạnh Vãn Châu đã bất ngờ đảo chiều kể từ vụ bê bối “Huawei 251”. Theo SCMP, kỹ sư Huawei Lý Hồng Nguyên (Li Hongyuan), 35 tuổi, đã làm việc cho Huawei trong khoảng 12 năm. Cuối năm 2017, anh không được gia hạn hợp đồng, nguyên nhân là do Lý đã báo cáo với cấp quản lý công ty về việc gian lận trong nội bộ vào năm 2016.
Lý Hồng Nguyên cho biết anh muốn nhận 331.000 nhân dân tệ (khoảng 47.000 đô la) sau khi thôi việc. Công ty đã chuyển 300.000 nhân dân tệ vào tài khoản của anh vào tháng 3/2018.
Đến tháng 12/2018, Lý bị bắt giam vì các cáo buộc tống tiền Huawei lên đến 300.000 nhân dân tệ. Sau 251 ngày giam giữ, Viện kiểm sát Thâm Quyến cho rằng “thực tế phạm tội không rõ ràng, thiếu bằng chứng, không đủ điều kiện để truy tố” nên đã thả anh ta ra.
Vụ việc này đã gây xôn xao trên mạng Internet. Sau khi sự việc bị bại lộ, lại có thêm thông tin về các nhân viên Huawei từng bị vu khống và bức hại giống như Lý Hồng Nguyên, có đến khoảng 20 người với đầy đủ họ tên: Tăng Mộng, Vương Hạo, Ngô Bân, Trương Tuệ Mẫn, Dương Viễn Viễn, Lý Tinh Tinh, Vương Chí Tuấn, Lưu Ninh, Tần Học Quân,… Trong số họ, thậm chí có người bị kết án ba hoặc hai năm tù. Lý Hồng Nguyên chỉ thoát nạn do anh đã ghi lại cuộc đàm phán khi đó bằng một cây bút ghi âm.
Trên mạng xã hội Weibo và Zhihu, cư dân mạng Trung Quốc phẫn nộ lên án Huawei và chế giễu Mạnh Vãn Châu. Nhiều cư dân mạng đã có những bình luận rất “kinh điển”:
“Bạn viết truyện trong biệt thự, còn tôi khiếu nại 251 ngày sau song sắt nhà tù”;
“Tuyết thổi mạnh trong biệt thự của bạn ở Canada, còn tôi ở nhà tù Long Cương bốn mùa như xuân”;
“Thật tuyệt vời, bị giam giữ mà vẫn có thể truy cập Internet, ở biệt thự cá nhân sang trọng, muốn gì ăn nấy. Hãy suy nghĩ về 251 ngày trong trại giam, ăn cơm tù, nhớ nội quy, đúng là một bên thiên đường một bên địa ngục”;
“Mạnh Vãn Châu bị giam một năm, toàn quốc quan tâm. Nhân viên Huawei bị giam 251 ngày, không ai hay biết”;
“Liệu bà ấy có cần sự thông cảm của chúng ta không? Biệt thự cao cấp, tài sản hàng tỷ và quyền lực, chẳng lẽ chúng ta không nên quan tâm hỗ trợ và cảm thông nhiều hơn cho người bị giam giữ 251 ngày hay sao?”;
“Bạn nghĩ tất cả mọi người đều sẽ đồng cảm với người dựa dẫm chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước trong căn biệt thự trị giá vài chục triệu tại Canada?”;
“Một người mẹ của vài người con ngoại quốc sống trong biệt thự tại Canada nói yêu Trung Quốc, bạn có tin không?”;
“‘Công chúa’ quốc tịch Hồng Kông, người mua bất động sản khắp nơi tại nước ngoài bị bắt thì toàn quốc đồng lòng lên tiếng, trong khi công dân bị chính công ty mình giam giữ 251 ngày thì không hề đề cập đến”;
“Bạn có thể là Lý Hồng Nguyên, nhưng bạn sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành Mạnh Vãn Châu. Bạn có xứng đáng để cảm thông với con gái của nhà tư bản lớn không?”;
“Ủng hộ việc giam giữ ‘công chúa lớn’ của Huawei. Đây là sự trả thù đối với cựu nhân viên Huawei, cho thỏa lòng người đây mà!”.
Hoàn cảnh thoải mái của Mạnh Vãn Châu không chỉ trái ngược hoàn toàn với tình hình của Lý Hồng Nguyên và nhiều nhân viên Huawei khác, mà còn trái ngược hoàn toàn với tình trạng của hai người Canada ở Trung Quốc.
Sau vụ bắt giữ bà Mạnh, quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã bắt giữ cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor vì các cáo buộc về gián điệp, đe dọa an ninh Trung Quốc.
Họ đã bị TQ trả thù bằng cách giam giữ và trải qua những phiên xét xử mệt mỏi. Ngoài thời gian ngắn ngủi hàng tháng gặp Lãnh sự quán Canada, họ không được gặp gia đình, thậm chí không thể gặp gỡ luật sư, càng không thể được tại ngoại như Mạnh Vãn Châu ở Canada, sống trong biệt thự của mình, cùng gia đình vui vẻ hưởng đãi ngộ một cách thoải mái. Câu chuyện của Mạnh Vãn Châu truyền tải thông điệp không gì khác hơn là: Canada là thiên đường, và Trung Quốc là địa ngục.
Trong khi Huawei rơi vào cơn bão dư luận, phản ứng của chính phủ Trung Quốc không nhất quán và thất thường. Đầu tiên, xóa các bài đăng như vũ bão của người dùng Internet, sau đó, dường như cảm thấy khó làm người dân nguôi giận, các phương tiện truyền thông của chính quyền cũng đăng bài chỉ trích lãnh đạo cấp cao của Huawei nhằm “áp chế lòng dân”, nhưng lại sợ gây bất ổn xã hội, không lâu sau đó phương tiện truyền thông chính phủ đều xóa các bài đã đăng.
Tất cả điều này phản ánh rằng, chính phủ hoàn toàn bất ngờ và mất cảnh giác trước sự thay đổi đột ngột của người dân. Sự bùng nổ bất ngờ của dân chúng vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu không có sự kiểm soát mạng internet, cơn bão dư luận bất cứ lúc nào cũng có thể mang đến thảm họa cho nhà cầm quyền.
Trước sự lên án của công chúng, Nhậm Chính Phi và lãnh đạo cấp cao Huawei đã có hành động. Một mặt, họ dựa vào quyền lực quốc gia để xóa bài và chặn mạng, mặt khác, đăng tải rằng Huawei gặp phải “truyền thông đen” và “đầu tiên là Hoa Kỳ, thứ hai là đối thủ cạnh tranh, thứ ba là nền tảng truyền thông”. Nhưng họ không hề đưa ra một lời xin lỗi nào, còn việc bồi thường cho Lý Hồng Nguyên đã phải ngồi tù oan và mất tự do cá nhân trong vòng 251 ngày thì càng không cần phải bàn đến.
Trên thực tế, bản thân sự vu khống và cáo buộc khiến người dân chịu bất công và tổn hại về thể chất lẫn tinh thần đã cấu thành tội hình sự. Sau khi Lý Hồng Nguyên ra tù, anh không sử dụng pháp luật làm vũ khí đưa Nhậm Chính Phi và lãnh đạo cấp cao Huawei ra công lý vì tội vu khống và vu cáo. Thay vào đó, anh chỉ yêu cầu gặp Nhậm Chính Phi nói chuyện. Nhẹ nhàng mà nói, làm như vậy thật quá khách sáo. Nặng nề mà nói, đây là ảo mộng ngây thơ, không khác gì “chơi với hổ”.
Theo lời cư dân mạng Trung Quốc, “Mọi thứ gắn với lòng yêu nước, nếu không xấu thì cũng đen tối”; “Huawei và Mạnh Vãn Châu là anh hùng dân tộc, lòng người sụp đổ rồi!”. Hình tượng Huawei sụp đổ, hình tượng Mạnh Vãn Châu sụp đổ, thẻ bài “chủ nghĩa ái quốc” đã mất linh.
Minh Huy (Theo NTDTV)