Trước tình trạng ô nhiễm đồng ruộng, sản lượng rươi tự nhiên sụt giảm và trở nên kham hiếm, ông Nguyễn Văn Hiệu đã tìm cách học hỏi nuôi thành công con rươi. Mỗi kg rươi, ông Hiệu đang bán với giá gần 500 ngàn đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệu (61 tuổi) ở xóm 10, xã Chất Bình, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có mảnh đất bãi ven sông Đáy rộng khoảng gần 2 sào. Trước kia mảnh đất này được gia đình ông đào ao để nuôi cá.
Mặc dù, ông Hiệu đã xây bờ ao kiên cố nhưng mỗi khi nước lũ lên cao khiến ao cá nhà ông bị ngập lụt dẫn đến mất trắng. “Chán nuôi cá, tôi lại cho thêm đất vào để trồng lúa nuôi cáy. Tuy hiệu quả không cao bằng nuôi cá nhưng chắc ăn hơn và có đồng ra đồng vào mỗi ngày….”, ông Hiệu kể
Ngồi ngay bờ ruộng nuôi rươi, ông Hiệu cho biết, khoảng hơn chục năm về trước, môi trường đồng ruộng, sông, ao còn trong lành, các mảnh đất bãi chạy dọc theo con sông Đáy có rất nhiều rươi sinh sống.
“Cứ vào mùa rươi bà con nông dân quê tôi lại có một khoản thu lớn từ bắt rươi. Ngày đấy ăn rươi thoải mái, cũng chỉ biết là ngon miệng thôi chứ cũng chưa hiểu lắm về giá trị dinh dưỡng của loài này. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây lượng rươi tự nhiên cạn kiệt do ô nhiễm nguồn nước và tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ quá nhiều. Ô nhiễm khiến con rươi tự nhiên mất tích, cũng chẳng biết là chúng đi đâu hay là chết hết rồi. Một vài khu vực vẫn còn nhưng năm thì mười họa mới thấy…”, ông Hiệu chia sẻ với phóng viên.
Sau khi có dự án nuôi rươi thí điểm do một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tài trợ về giống rươi, kỹ thuật nuôi rươi, thức ăn cho rươi… ông Hiệu đăng ký xin nuôi thử nghiệm. “Rươi là một loài động vật có giá trị dinh dưỡng cao nên đồng nghĩa với cho giá trị kinh tế cao. Hiện tại rươi tự nhiên rất kham hiếm nên khi nghe thấy thông tin về hỗ trợ nuôi rươi tôi đăng ký nuôi ngay. Nếu mà nuôi rươi thành công sẽ mở ra cơ hội làm giàu không chỉ cho gia đình tôi mà cho nhiều bà con khác trong vùng”- ông Hiệu thổ lộ.
Ông Nguyễn Văn Hiệu cho biết, để có môi trường sống thích hợp cho rươi sinh sống, ông chỉ trồng một vụ lúa trong năm và canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Tức là chỉ bón phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, tuyệt đối không sử phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa học, thuốc trừ cỏ.
“Giống rươi nhạy cảm với hóa chất lắm, dính một tí là chúng cũng tự biến đi đâu mất. Thế nên tôi xác định trồng lúa hướng hữu cơ, sâu rầy ăn đâu còn đâu mình thu hoạch chứ không có dùng thuốc thang, phân hóa học…Cỏ mọc thì tôi nhổ bằng tay…”, ông Hiệu tiết lộ với phóng viên DV
Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, ông Hiệu tiến hành tiêu độc khử trùng và bón phân hữu cơ lên men để tiếp tục cải tạo đất ruộng rươi. Khi tiến hành lấy nước vào ruộng, cần điều chỉnh độ mặn hợp lý để tạo môi trường phù hợp với rươi. Sau khi có môi trường phù hợp và diệt hết các thiên địch gây hại cho rươi, tháng 6/2019, gia đình ông bắt đầu thả ấu trùng rươi vào ruộng.
“Trong tuần đầu tiên thả nuôi rươi giống cần bổ sung các loại vi sinh vật và bột tảo xoắn để làm thức ăn cho ấu trùng rươi sinh trưởng và giữ mực nước ruộng khoảng từ 30-50cm. Trong quá trình sinh trưởng, cứ mỗi tuần 1 lần, tôi hòa tan cám hữu cơ và bột đậu tương vào nước rồi phun đều lên mặt ruộng và cho nước lên xuống tự do theo thủy triều để tạo điều kiện tốt nhất cho con rươi phát triển” – ông Hiệu chia sẻ về cách nuôi rươi.
Theo ông Hiệu, thời gian mới thả, ấu trùng rươi vô cùng nhỏ nên máng lấy nước cần chắn bằng vải dày. Cách làm này ngoài có tác dụng không cho rươi giống trôi theo dòng nước ra ngoài mà còn ngăn không cho các loại thiên địch gây hại cho rươi “trà trộn” vào trong ruộng nuôi. Nhờ vậy mà con rươi phát triển tốt hơn, tỷ lệ hao hụt thấp và cho sản lượng mới cao được.
Cũng theo ông Hiệu, nuôi rươi kiểu như ông đang nuôi gọi là phương pháp nuôi rươi bán tự nhiên là bởi sử dụng nguồn giống rươi nhân tạo, nhưng lại nuôi tả trong môi trường tự nhiên – đất trồng lúa. Ngoài nguồn thức ăn có sẵn trong ruộng lúa, người nuôi vẫn bổ sung thêm thức ăn cho rươi sinh trưởng và phát triển.
Nhờ nắm chắc kỹ thuật nuôi rươi và hiểu được đặc tính của con rươi nên ngay trong lần nuôi thử đầu tiên ông Hiệu đã thành công . Sau 5 tháng chăm sóc, rươi đã trưởng thành và ông thu về được gần 15kg rươi, với giá bán từ 450.000 đến gần 500.000 đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 5 triệu đồng.
“Nếu nuôi thả đúng mật độ thì sản lượng đạt từ 30-50kg/sào, ngoài thu hoạch được rươi thì người nuôi rươi còn thu hoạch được một vụ lúa và một vụ cáy. Nếu tính toán kỹ ra thì nuôi rươi sẽ cho thu nhập cực kì cao, cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa thông thường…Nuôi rươi còn giúp cho đồng ruộng sạch, cải tạo đất, hạt lúa, hạt gạo trồng ở ruộng rươi cũng ngon lành hơn rất nhiều”- ông Hiệu phấn khởi cho phóng viên biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Hải Lưu – doanh nghiệp tư nhân Tuyết Lưu (đơn vị hỗ trợ giống rươi và kỹ thuật nuôi rươi) cho biết, nhận thấy tiềm năng mà con rươi mang lại mà trong khi đó ở huyện Kim Sơn có nhiều đất bãi ven sông, phù hợp con rươi phát triển nên ông quyết định đưa con rươi về đây nuôi thử nghiệm.
Qua đánh giá bước đầu, có thể nói mô hình nuôi rươi đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa khoảng 10 lần. Từ những thành công này, trong năm 2020 doanh nghiệp của ông sẽ tiếp tục hỗ trợ và mở rộng diện tích mô hình nuôi rươi lên 4ha ở huyện Kim Sơn để tiếp tục khảo nghiệm hiệu quả kinh tế.
“Ngoài huyện Kim Sơn, vụ rươi tiếp theo tôi tiếp tục sẽ cho nuôi thử nghiệm ở các huyện khác như: Yên Mô và Yên Khánh (Ninh Bình). Qua đó tôi mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của bản thân để đem lại cho người nông dân có thu nhập cao và mở hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao”- ông Lưu thông tin thêm.
Theo DV