“Việc tài trợ cho các dự án nghiên cứu đương nhiên là có rủi ro. Nhưng với chúng tôi, sự lãng phí tài năng, trí tuệ hay việc đánh mất cơ hội đưa một sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích đến cộng đồng mới là loại rủi ro cao nhất và đáng tiếc nhất”, CEO VinTech City nói.
Trong bài chia sẻ mới đây với báo chí, bà Trương Lý Hoàng Phi, CEO VinTech City cho biết chỉ trong vòng 1 tháng, Quỹ VinTech Fund đã nhận được hơn 200 hồ sơ xin hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu ứng dụng. Số hồ sơ này được chia thành 2 trường phái, hoặc thiên về nghiên cứu khoa học, chưa có nhiều thông tin thị trường, hoặc thuần về tính cải tiến công nghệ cơ bản để thương mại trong khi VinTech Fund đòi hỏi cả luận chứng thuyết phục, nổi bật về tính khác biệt của công nghệ và khả năng chinh phục thị trường của sản phẩm thì mới quyết định tài trợ.
Theo bà Hoàng Phi, để có thể qua được vòng kiểm duyệt của hội đồng chuyên gia và cố vấn của VinTech City và VinTech Fund, các dự án cần phải hội tụ đủ cả 3 tiêu chí cốt lõi: Một là, hàm lượng và lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ. Hai là khả năng thương mại hóa và ba là khả năng, năng lực thực thi của nhóm nghiên cứu, đặc biệt người chủ trì.
Hiên tại, đã có 12 dự án nhận được tài trợ từ Quỹ VinTech Fund, trong đó, một số được nhận ở mức 10 tỉ đồng (tất cả các dự án nhận tài trợ đều không có ràng buộc về quyền lợi của nhà đầu tư). Phía Quỹ cho rằng, việc đầu tư với điều kiện như vậy xét về mặt lợi ích kinh tế có thể xem là có rủi ro, nhưng về dài hạn, điều này tạo ra môi trường, chất xúc tác để phá bỏ các rào cản về yếu tố tâm lý lẫn địa lý để các nhà khoa học cùng nhau cộng tác và có thể thực hiện trách nhiệm xã hội.
“Nếu nói tới rủi ro, tài chính là một khía cạnh. Nhưng với chúng tôi, sự lãng phí tài năng, trí tuệ hay việc đánh mất cơ hội đưa một sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích đến cộng đồng mới là loại rủi ro cao nhất và đáng tiếc nhất. VinTech Fund nỗ lực không để lãng phí tài năng và trí tuệ của các nhà khoa học Việt và đương nhiên chúng tôi cũng tin rằng các nhà nghiên cứu Việt, startup công nghệ mạnh cũng sẽ cố gắng để không mất đi cơ hội của chính mình. Chúng tôi muốn nhấn mạnh, đầu tư hay tài trợ cho nghiên cứu, trọng tâm vẫn là đặt niềm tin vào con người”.
Đặt mục tiêu biến VinTech City trở thành hình mẫu Silicon Valley tại Việt Nam, người đứng đầu mô hình này cho biết, đã có những tín hiệu tốt cho những bước đi ban đầu.
“VinTech City trong thời gian ngắn đã triển khai 06 chương trình thúc đẩy hợp tác và tận dụng nguồn lực của các thành tố trong hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ…
Rõ ràng đó là một hành trình rất dài và còn rất nhiều việc cần làm. Với bài toán nhân lực, VinTech City dù mới bắt đầu nhưng đã thu hút và mở rộng hợp tác với gần 60 trường đại học tại Việt Nam thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Chúng tôi đồng thời cũng đã tìm kiếm, thu hút mạng lưới các chuyên gia người Việt đạt được nhiều thành công và có tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của họ tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển”.
theo Nhịp sống kinh tế