Doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi là nhà đầu tư tham gia vào chương trình Thương vụ Bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam, founder và cố vấn của BSSC, hiện đang là CEO tại VinTech City. Nhưng “Shark Phi” có gì hot? Doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi có gì khác biệt?
Với khởi nghiệp, sau nhiều năm Chính phủ phát động “quốc gia khởi nghiệp” đến nay, các nhà start up đã và đang khởi nghiệp ra sao? Ngoài Chính phủ kiến tạo, môi trường hỗ trợ, họ đã và đang cần những gì?
Các startup đừng chỉ tập trung bày biện!
– PV: Có lẽ, những thành tựu của BSSC không thể phủ nhận nhờ có sự dẫn dắt với bản ngã luôn muốn tạo ra những điều mới mẻ của nhà điều hành. Nhưng, điều mà chúng tôi muốn được trò chuyện với chị đầu tiên, là góc độ của một nhà đầu tư – khi chị tham gia Shark Tank, chị thấy có khó khăn nào và khác biệt nào khi bỏ vốn của mình với tư cách “Cá Mập” cho các startup?
– Mỗi doanh nghiệp có những khó khăn khác nhau và cũng có những lợi thế khác nhau, song như tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp khác nói chung, bài toán về quản trị luôn là bài toán rất khó, đòi hỏi các nhà sáng lập và đội ngũ quản lý phải không ngừng học tập và cải tiến. Các nhà sáng lập phải rất “thành thật với bản thân” về điểm mạnh và yếu của chính họ và có sự can đảm để thay đổi những điểm yếu “cốt tử” để giúp doanh nghiệp hiệu quả hơn. Đáng tiếc cả việc nhận ra và quyết tâm hiệu chỉnh, rõ ràng đều không dễ dàng.
Khó khăn lớn nhất với tư cách nhà đầu tư của tôi trước hết là vấn đề thời gian. Những gì đã trải qua, cả những deal (thương vụ đầu tư) mà tôi cho rằng thất bại cho tôi “bài học đắt giá” là dù đầu tư thiên thần (angel investor) thì việc có đủ thời gian để theo dõi, giám sát và quyết liệt hơn với đội ngũ quản lý các công ty khởi nghiệp khi đưa ra khuyến nghị, yêu cầu thay đổi trong vận hành. Điều tiếp theo khiến tôi thấy khá khó khăn là kênh thông tin, báo cáo và sự minh bạch cần thiết giữa nhà đầu tư với startup. Startup không nên viện dẫn về sự tập trung cho việc tạo ra sản phẩm mà quên mất việc cập nhật minh bạch thông tin doanh nghiệp. Tài chính là điểm rất “hời hợt” của các công ty khởi nghiệp.
– PV: Qua mùa làm “Cá Mập” xinh đẹp trên chương trình truyền hình có đông đảo bạn trẻ kinh doanh quan tâm, theo chị thì quyết định đầu tư trên… sóng và quyết định đầu tư trong thực tế có khác nhau không? Các bạn trẻ đã thực sự chú trọng làm cách nào để thu hút được nhà đầu tư khi gọi vốn?
-Tôi tham gia Shark Tank rất ít, chỉ vài số của mùa một và sự xuất hiện của tôi chủ yếu vì tôi muốn mang góc nhìn của một người hỗ trợ khởi nghiệp lâu năm vào chương trình này. Tôi nghĩ Shark Tank cũng phản ánh một phần đời thực của quá trình gọi vốn. Nếu xem mỗi startup như một đầu bếp, những gì bạn thấy trên show đã là giai đoạn “vị đầu bếp” mang món đồ ăn ngon được bày biện tương đối đẹp lên cho “thực khách”. Thế nhưng, quá trình chọn nguyên liệu, “nấu nướng” phía sau của vị đầu bếp thì chỉ những thực khách tinh tế mới nhận ra được và đương nhiên “khẩu vị” mỗi “thực khách” cũng khác nhau. Không có gì là dễ dàng cả. Các Startup đừng chỉ tập trung vào giai đoạn bày biện, hãy chăm chút vào cả một quá trình.
Tôi may mắn với “người” và “nghiệp”
– PV: Hơn một năm ở cương vị CEO của VinTech City kể từ ngày chị nhận lời mời đảm trách công việc tại Thành viên mới của một trong những Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam cho đến nay, chị có thể chia sẻ công việc mới có gì khác biệt so với các cương vị trước đó chị đã trải qua?
-Tôi thấy may mắn lớn nhất là công việc của tôi là luôn xoay vần với 2 từ khoá: “Người” và “nghiệp” hay nói cách khác là môi trường cho mình nhiều “nhãn quan” nguồn lực vào con người, người tài và các nền tảng hỗ trợ khởi nghiệp. Trước kia tôi đa phần làm cố vấn, đầu tư cho những nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ thì tại Vintech City, tôi được tiếp xúc và làm việc với các nhà nghiên cứu ứng dụng. Họ có điểm chung ở đam mê, sự sáng tạo và đa số họ làm việc tận tâm để mang sản phẩm ra thị trường khởi nghiệp.
Môi trường và những nền tảng hỗ trợ trong suốt thời gian qua của VinTech City cũng tập trung hỗ trợ nguồn nhân lực công nghệ nói chung, những nhà nghiên cứu, giảng viên các trường ĐH, sinh viên công nghệ… Đây thật sự là công việc mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng khoa học và khởi nghiệp
PV:Với kỳ vọng VinTech City hỗ trợ toàn diện cho hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam theo mô hình Silicon Valley, chị cân đối thời gian ra sao để vẫn có thể tham gia hỗ trợ cộng đồng với các vai trò khác?
– Quả thật là có rất nhiều việc phải làm, nhưng với tôi, khi đã làm việc gì, tôi luôn muốn có sự tập trung và đặt áp lực phải làm tốt nhất, do vậy, mỗi công việc tôi làm đều có sự sắp xếp ưu tiên cao nhất và tận tâm. Hiện, tôi dành trọn vẹn thời gian với hơn 200% sức lực, tâm huyết cho công việc của VinTech City. Tôi thật sự rất yêu thích công việc mình đang làm và những giá trị mới mẻ được tạo ra.
Ngoài thời gian đó, số thời gian và tâm sức ít ỏi còn lại, để cân bằng và tránh tụt hậu với cộng đồng startup trẻ, tôi học tập và tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng bằng những gì có thể: Cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp.., và đương nhiên cũng dành cho các công việc thuộc hoạt động đầu tư của tôi. Thời gian rất ít và chặt chẽ đúng không? (cười) Với hoạt động đầu tư, sau một thời gian cũng loay hoay với danh mục đầu tư của mình, hiện tôi đã tìm kiếm được các cộng sự hỗ trợ tôi và đương nhiên tôi cũng tự tìm ra được nhiều “qui luật” cho bản thân từ những gì đã trải qua để quản lý, giám sát các hoạt động này tốt hơn.
– PV: Quy luật đó là gì; và chị rút ra từ chứng minh hiệu quả trong thực tế hay sao, thưa chị?
– Tôi thận trọng hơn vào quá trình chọn lựa đầu tư của mình, phần lớn là những công ty có đội sáng lập giỏi, chịu học hỏi, thay đổi và quan trọng nhất là minh bạch, có tính cam kết. Niềm tin vào con người, nhà sáng lập càng ngày càng trở nên là câu “thần chú” của tôi. Khi tôi không có nhiều thời gian, tôi cần tập trung vào những điều thật sự tạo ra giá trị, ý nghĩa lớn.
Bên cạnh đó, tôi bắt đầu tập trung nhiều hơn đến những xu hướng cũng như ngành đầu tư trong tương lai nhưng lại thận trọng hơn trong khi phân tích những “dấu cộng” rõ ràng tôi có thể mang vào cho một doanh nghiệp mà tôi đầu tư hoặc cố vấn.
Tóm lại, ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy mình bớt mạo hiểm đi ít nhiều, tập trung vào những gì mình am hiểu sâu hoặc có những cộng sự vô cùng am hiểu.
Hậu phương tinh thần của tôi là sự nỗ lực
– PV: Là thủ lĩnh tinh thần của các bạn trẻ khởi nghiệp, hẳn chị cũng chứng kiến thất bại của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hoặc những doanh nghiệp trẻ từng được kỳ vọng là kỳ lân sau các vòng gọi vốn. Chị có nhận xét gì về tinh thần, sức sống của doanh nghiệp trẻ và start up Việt Nam?
– Startup nói chung đã là rủi ro và khả năng đi đến cuối con đường để “hái quả ngọt” nhất không dành cho tất cả các chiến binh nên tôi ít khi phán xét cho tất cả sự thành công hay thứ mà cộng đồng hay gọi là thất bại, tôi gọi đó là một hành trình “đi học”, rất dũng cảm và đầy trải nghiệm. Môi trường khởi nghiệp Việt Nam phát triển và trở nên năng động hơn mang đến một góc nhìn cởi mở hơn rất nhiều về một thế hệ startup mới.
Nhìn chung, sức chiến đấu của các doanh nghiệp và startup Việt Nam luôn rất mạnh mẽ và quyết liệt. Tuy nhiên, tôi mong thêm tính linh hoạt, bền bỉ và sự khác biệt đậm nét nữa.
– PV: 2020,không gian kinh tế toàn cầu có không ít biến động và ngày càng nhiều rủi ro hơn. Các doanh nghiệp, đặc biệt các startup cần chú ý điều gì?
-Tôi học được bài học về sự tập trung và chọn thứ mình làm thật tốt, tốt nhất. Sự tập trung mới giúp chúng ta quan sát tốt, có chiến lược và những giải pháp trước các “tín hiệu” nhận được. Năng lực triển khai tốt nhất giúp cho sự sống còn.
– PV: Có không ít … tò mò về gia thế hay đời sống cá nhân của chị. Có lẽ đó là sự quan tâm đến hậu phương, phía sau sự thành công của “bà đỡ” khởi nghiệp?
– Tôi nghĩ là mọi người thất vọng không ít khi không tìm được gì đặc biệt cả (cười).
Nhưng dù sao, tôi rất vui vì sự quan tâm của mọi người dành cho mình. Trong công việc, sự quan tâm và ghi nhận của mọi người là một động lực cho tôi hoàn thiện hàng ngày.
Với tôi, mọi điểm xuất phát đều cần sự nỗ lực. Xuất phát càng không thuận lợi, càng cần sự nỗ lực cao hơn. Đây chính là “hậu phương tinh thần” đầu tiên của cá nhân tôi.
“Hậu phương tinh thần” vô cùng quan trọng tiếp theo là những anh, chị đi trước, bạn bè, startup ….Chính sự niềm tin và sự chân thành giúp đỡ của mọi người đã tạo nên tôi hôm nay và điều đó cũng để tôi biết mình phải nỗ lực và làm những việc có ý nghĩa hơn mỗi ngày.
– PV: Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!
Nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP HCM (YBA), CEO Vintech City; Từng là nhà sáng lập và hiện là Cố vấn chiến lược Trung Tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp TP HCM (BSSC).
Trương Lý Hoàng Phi được giới kinh doanh và thanh niên, cộng đồng khởi nghiệp biết đến nhiều bắt đầu từ năm 2010, thời điểm mà khởi nghiệp chưa phải là câu chuyện của mọi nhà, nhưng chị đã đưa ra ý tưởng thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp dành cho thanh niên Việt Nam – những người có ước mơ kinh doanh.
Tại thời điểm đó, chị Hoàng Phi đang là giảng viên của Đại học Kinh tế TP HCM. Đồng thời, đang có công việc tốt tại một Công ty Viễn thông. Nhưng có lẽ với bản ngã thích thử thách bản thân và muốn tạo ra những điều mới mẻ trong cuộc sống – yếu tố vô cùng quan trọng của những người có năng lực dẫn dắt và chia sẻ khởi nghiệp, trước hết như những nhà khởi nghiệp- chị đã không dừng lại ở vị trí ổn định hay công việc tốt.
BSSC ra đời như hoài bão của chị, theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân Tp HCM, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin Tư vấn Kinh tế Thanh niên thành Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp trực thuộc Hội LHTN Việt Nam – TP Hồ Chí Minh. 10 năm hoạt động, đến nay, BSSC đã hỗ trợ hơn 6000 thanh niên khởi nghiệp, là đơn vị duy nhất nhận được sự ủy thác nguồn vốn từ UBND TP Hồ Chí Minh, đồng thời là đơn vị duy nhất thực hiện Đề án đào tạo cho 10.000 thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn TP. HCM.
Trong “thời” của Trương Lý Hoàng Phi dù chưa chạm đến cột mốc 1 thập kỷ đi cùng BSSC, Trung tâm tâm đã xây dựng được mạng lưới trên 40 cố vấn – chuyên gia là những Doanh nhân – Trí thức hàng đầu Việt Nam; trên 100 đối tác là các nhà đầu tư cá nhân và các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; có mạng lưới khoảng 20.000 thanh niên là doanh nhân khởi nghiệp và những cá nhân có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Mỗi năm, Trung tâm này xét chọn và hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng cho các dự án kinh doanh tiềm năng cũng như kết nối cho các Quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn. Từ những nền tảng ban đầu, Trung tâm này cũng phát triển chương trình hỗ trợ ở tầm quốc gia và kết nối startup từ hơn 13 quốc gia đến với chương trình Startup Day hàng năm.
Theo DĐDN