Gần tròn một thập kỷ, AHBI đã tư vấn và hỗ trợ cho hơn 1.000 DN, cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp, tiếp nhận và trực tiếp ươm tạo 35 DN…
Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (AHBI) trực thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC).
DNSG có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Hải An – Giám đốc AHBI để hiểu thêm về kinh nghiệm hỗ trợ startup của Trung tâm.
* Với mục tiêu xây dựng môi trường thuận lợi nhằm nuôi dưỡng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực NNCNC, ông có thể cho biết AHBI đã hỗ trợ và đồng hành cùng các startup đó như thế nào?
Khi tham gia chương trình ươm tạo khởi nghiệp, đầu tiên các startup phải hoàn thiện ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh (KD), thành lập DN. Bên cạnh đó, chúng tôi có cơ sở vật chất để thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kỹ năng vận hành và phát triển DN, giúp DN hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, tiếp cận các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để có được các điều kiện cho một startup khởi nghiệp.
* Khởi sự DN ở giới trẻ bao giờ cũng đầy ắp đam mê và khát vọng làm giàu. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. Cụ thể, năm 2018 số DN ngừng hoạt động lên tới 107.000. Sáu tháng đầu năm 2019 có khoảng 87.000 DN thành lập thì cũng có 21.800 DN ngừng hoạt động. Ông lý giải thất bại của họ là do đâu?
Thương trường rất khốc liệt. DN khởi nghiệp luôn phải đối mặt với rủi ro và thách thức. Một vài báo cáo gần đây cho thấy, trên 30% DN nhỏ đã thất bại trong 2 năm đầu thành lập, 50% DN bị loại khỏi thương trường trong 5 năm kế tiếp. Trong 20% còn tồn tại sau chừng ấy thời gian cũng không có nhiều DN thành đạt. Gần 10 năm đồng hành cùng các startup trong lĩnh vực NNCNC, tôi nhận thấy, quản trị DN luôn là vấn đề nan giải với những tổ chức, cá nhân khởi nghiệp.
Chủ DN mới thường thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị, nhiều người không phân biệt rạch ròi các mối quan hệ gia đình, xã hội với KD. Không xây dựng được kế hoạch KD cụ thể. Với các startup này, nguồn vốn, công nghệ, nhân lực, thời gian đều là những thứ họ thiếu hụt hoặc còn có phần xa lạ. Trong đó vốn đầu tư là thứ nan giải và dễ dẫn đến thất bại nhất. Có chủ DN không đánh giá chính xác nguồn vốn dự trữ cần thiết, đặt hy vọng cảm tính vào thu nhập từ hàng hóa bán được để “cứu vãn” tình thế. Họ càng không có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DN mình, chưa quan tâm đến marketing, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu vì cho rằng phức tạp, tốn kém. DN có thể sở hữu một sản phẩm mới, có thể đi tiên phong nhờ tính sáng tạo, đột phá, nhưng nếu không tạo được nền tảng vững chắc để truyền bá giá trị này đến thị trường thì khó có thể tiến xa được.
* Điều kiện và những đối tượng nào được ươm tạo tại AHBI? Họ được hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Startup là chủ sở hữu hợp pháp các kết quả nghiên cứu, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, có kế hoạch kinh doanh khả thi, có mục tiêu cụ thể thì sẽ được AHBI xem xét đưa vào diện ươm tạo. Chúng tôi cũng chú trọng ưu tiên ươm tạo ý tưởng kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, chọn tạo giống cây trồng, chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản, nuôi trồng nấm, cây dược liệu, canh tác trong nhà màng không sử dụng đất, trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh. Các tổ chức, cá nhân đáp ứng được các tiêu chí này, hoặc DN nông nghiệp mới thành lập không quá hai năm muốn hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới khi tham gia chương trình ươm tạo sẽ được hỗ trợ phòng thí nghiệm (công nghệ tế bào thực vật, công nghệ vi sinh, sinh học phân tử ứng dụng) với trang thiết bị hiện đại, nhà màng, nhà xưởng, nhà hậu nuôi cấy mô phục vụ sản xuất, cơ sở vật chất và thiết bị văn phòng. Song song đó, DN được đào tạo, tập huấn kiến thức quản trị DN, sở hữu trí tuệ, khởi sự DN, chuyển giao công nghệ, PR – marketing… AHBI còn giúp đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm thông qua hội chợ, hội thảo, các chương trình xúc tiến thương mại, tiếp cận hệ thống phân phối như Big C, Co.opmart, Lotte mart…
* Nếu là DN ươm tạo trong AHBI thì có được hỗ trợ tài chính không?
Nhiệm vụ chính của AHBI là hỗ trợ DN khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ và phát triển sản phẩm thông qua chương trình ươm tạo, kết nối với các chuyên gia tư vấn nhằm tạo ra những sản phẩm NNCNC có giá trị cả về chất lượng và thương mại, làm tăng tính thuyết phục khi kêu gọi tài trợ, mời đầu tư. Chúng tôi cũng đẩy mạnh kết nối với các tổ chức tài chính, quỹ tín dụng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm giúp DN tiếp cận vay vốn để mở rộng hoạt sản xuất, KD. AHBI còn tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm mời gọi đầu tư, cập nhật chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực NNCNC để kịp thời phổ biến cho DN. Thời gian qua AHBI đã hỗ trợ 10 DN tham gia ươm tạo tiếp cận Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của BSSC và nhận được số vốn vay gần 6 tỷ đồng, tiếp cận chương trình Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với số vốn đầu tư 9,1 tỷ đồng, kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cho 5 DN tham gia chương trình Tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN vừa và nhỏ thông qua mạng lưới ươm tạo DN ASEAN, chương trình hợp tác với Israel với số vốn đầu tư 40.000 USD mỗi chương trình.
* AHBI với slogan “Nơi giải khó cho các startup nông nghiệp công nghệ cao”. Vậy có thể coi AHBI như là bà đỡ để thực hiện những ước mơ xanh trong ngành này hay không?
Vai trò của các cơ sở ươm tạo DN nói chung và AHBI nói riêng là tạo điều kiện, là chất xúc tác giúp DN khởi sự thành công, phát triển tinh thần kinh doanh, là công cụ thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa thành công các ý tưởng công nghệ nhờ gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa trường đại học – viện nghiên cứu và DN; tác động tích cực tới mối quan hệ DN – Chính phủ, là nơi kiểm nghiệm sự phù hợp, hiệu quả của các chính sách của Chính phủ; kết nối DN khởi nghiệp với mạng lưới nguồn lực để gia tăng cơ hội sống sót và tăng trưởng. Không riêng gì AHBI mà các cơ sở ươm tạo khác cũng đang thể hiện đúng tinh thần, vai trò làm bà đỡ để thực hiện những ước mơ xanh.
* Ngoài các startup khởi nghiệp, ông còn có lời khuyên nào cho các nhà nông trong thời đại 4.0?
Nông nghiệp 4.0 là xu thế, là lựa chọn của nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, nông nghiệp 4.0 là hướng đi tất yếu trong việc phát triển NNCNC. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, nhất thiết phải cơ cấu lại nền nông nghiệp, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sao cho giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Đối với nông dân, để hội nhập và phát triển với nền nông nghiệp của thế giới cần phải mạnh dạn thay đổi phương thức và thói quen canh tác, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường liên kết với các đối tác có liên quan, xây dựng chuỗi giá trị nông sản trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Chủ động cập nhật kiến thức, tiếp cận với các thành tựu nông nghiệp 4.0, nâng cao ý thức trong sản xuất sản phẩm an toàn.
* Cảm ơn tiến sĩ!
DNSG