Trung Quốc tuyên bố xả nước đập thủy điện để giúp Việt Nam đối phó với hạn hán, tuy nhiên nước chưa tới thì lúa đã chết. Những năm gần đây, do thiếu nước ngọt mỗi năm có đến 300.000 người Việt phải rời bỏ ĐBSCL…
Vào chiều 20/2 vừa qua, tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 5 với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc – Vương Nghị cho biết, mưa ít là lý do chính gây khô hạn và Trung Quốc cũng đang chịu thiệt hại từ điều này.
“Trung Quốc đã vượt qua khó khăn của mình và tăng dòng chảy của sông Lan Thương để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn… Chúng tôi cũng đồng ý tăng cường hợp tác trong khuôn khổ nhóm Lan Thương – Mekong để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước“, ông Vương Nghị cho biết.
Về tình hình hạn hán nghiêm trọng ở lưu vực sông Mekong, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông Mekong đòi hỏi các nước ven sông phải có hành động quyết liệt để đảm bảo sự phát triển bền vững của dòng sông.
“Trước mắt, cần tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu thuỷ văn trong cả mùa mưa và mùa khô, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và cơ chế phối hợp trong quản lý khẩn cấp lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác”, phó Thủ tướng cho hay.
Trung Quốc xả đập thủy điện, nước không tới được ĐBSCL
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (trường ĐH Cần Thơ), Trung Quốc xả đập thủy điện lần này sẽ không tới được ĐBSCL.
“Bây giờ Trung Quốc xả đập thủy điện, nếu nước tới được ĐBSCL cũng phải mất 3 tuần, lúc đó lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi”, ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn dẫn chứng, vào năm 2016 Trung Quốc từng xả đập thủy điện với lưu lượng 2.100m3/giây, ở lưu lượng xả này nước còn không tới được ĐBSCL, trong khi lần này chỉ xả đập ở mức 850m3/giây, nước sẽ không tới được, chưa kể Lào,Thái Lan,.. ở thượng nguồn cũng lấy nước.
Ở thời điểm hiện tại, từ những ngày đầu tháng 2/2020, lượng nước Mekong đổ về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện tượng ngập mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh rạch, nội đồng ven sông Hậu.
Tại ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hạn hán và xâm nhập mặn đang gây thiếu nước nghiêm trọng khiến 3.600 hecta lúa có nguy cơ mất trắng, hơn 26.000 hộ dân ở tỉnh này cũng đang thiếu nước ngọt để sử dụng.
Tại Trà Vinh có hơn 10.000 hecta lúa đông xuân hiện đang thiếu nước tưới, có khả năng mất trắng 50%. Bến Tre cũng đang bị nước mặn ‘bao vây’, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề,..
Mỗi năm có khoảng 300.000 người phải rời bỏ ĐBSCL
Theo thông tin từ Reuters (ngày 6/2/2020), mực nước sông Mekong năm 2019 được ghi nhận thấp nhất trong 50 năm. “Sa mạc hóa” Mekong là điều có thể nhìn thấy trước.
Vào ngày 15/2/2020, tờ New York Times cho biết, với khoảng hơn 10 con đập trong kế hoạch nằm rải rác hạ lưu Mekong cùng hàng trăm con đập khác tại các phụ lưu, đường sống của 60 triệu người đang bị bóp nghẹn, không chỉ đối với nông dân, ngư phủ mà cả người giàu và những kẻ quyền thế thu lợi từ thủy điện.
Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, tác giả cuốn Last Days of the Mighty Mekong ghi nhận rằng, bởi ảnh hưởng của các con đập, hiện tượng biến đổi khí hậu và khai thác cát, mỗi năm có đến 300.000 người Việt phải rời bỏ ĐBSCL trong vài năm gần đây. Nhiều khu vực ĐBSCL, nơi sinh sống của 20% dân số Việt Nam, đang “lún” xuống biển.
Những con đập có thể kết thúc dòng Mekong hùng vĩ
Trung Quốc hiện đã xây dựng tổng cộng 11 con đập trên dòng Mekong, nhịp sống Mekong đã bị Trung Quốc kiểm soát gần như tuyệt đối. Tất cả nguồn trữ nước của các con đập ở Trung Quốc đều nằm trên dòng chính của Mekong. Trong đó, 3 con đập lớn nhất Trung Quốc – Nọa Trác Độ, Tiểu Loan, Mạn Loan – đang tác động trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên theo mùa của dòng Mekong.
Đáng chú ý nhất thời điểm này là dự án đập Luang Prabang.
Trong bức thư gửi đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh miền Tây vào tháng 1/2020, chuyên gia đồng bằng sông Cửu Long, ông Ngô Thế Vinh – tác giả quyển Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng – viết: “Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết hạn tiến trình Tham khảo Trước (10/2019 – 4/2020) cho dự án Luang Prabang. Nếu không có hành động tức thời và chuyển biến quyết liệt từ phía Việt Nam, lễ động thổ khởi công xây con đập Luang Prabang sẽ diễn ra vào tháng 4/2020. Đó sẽ là một ngày “tang tóc” cho toàn thể 20 triệu cư dân 13 tỉnh miền Tây…”
Theo thông tin từ báo Tài Nguyên Môi Trường (ngày 4/11/2019), chủ đầu tư dự án Luang Prabang là công ty TNHH Năng lượng Luang Prabang của Lào, với hai cổ đông: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu; Công ty TNHH PT của Lào giữ 37%; và Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn.
Từ Nguyên (t/h)