Theo các cố vấn của chính phủ Trung Quốc, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ khuyến khích Trung Quốc đàm phán lại thỏa thuận thương mại của Donald Trump.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã được ký kết sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng và 18 tháng hai bên áp thuế quan kể từ khi thương chiến nổ ra. Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ so với mức cao nhất của năm 2017, nhưng đã dừng lại vì buộc phải thay đổi cơ cấu lớn đối với mô hình kinh tế của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, các cố vấn cho rằng thỏa thuận này là không thực tế đối với Trung Quốc để thực hiện và coi Biden là một nhà lãnh đạo “hợp lý và đa phương” hơn Trump – mặc dù các cựu quan chức Mỹ cho rằng, hầu như không có cơ hội để ông Biden đưa ra một thỏa thuận “nhẹ nhàng hơn” với Trung Quốc.
Shi Yinhong, cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc sẽ coi việc giảm các mục tiêu nhập khẩu nặng nề và giảm thuế xuất khẩu sang Mỹ là có lợi cho mình.
“Không sớm thì muộn, ông Biden sẽ khởi động một cuộc đàm phán lại thỏa thuận thương mại, vì thỏa thuận hiện tại là không thực tế. Việc tái đàm phán cũng phù hợp với mong muốn của Trung Quốc ”, ông Shi nói và thêm rằng Bắc Kinh sẽ mong đợi ông Biden tìm kiếm nhiều thay đổi cấu trúc hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán lại nào.
“Chính quyền Biden sắp tới có thể sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Biển Đông, các vấn đề nhân quyền khác và các hoạt động tình báo bị cáo buộc của Trung Quốc ở Mỹ”, cố vấn Shi nhận định.
Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là tổng thống đắc cử vào hôm 7/11, Biden cho biết ông sẽ ngay lập tức đảo ngược quyết định của Trump rời khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới, điều này có thể mở ra cánh cửa hợp tác tốt hơn với Trung Quốc, các cố vấn cho biết.
“Joe Biden có kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ quốc tế và ông ấy cũng hiểu chủ nghĩa đa phương. Ông ấy sẽ có lý trí”, Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn của Bắc Kinh và là cố vấn của chính phủ trung ương, nói.
Yu Wanli, một chuyên gia tại Bắc Kinh về Quan hệ Mỹ – Trung, cho biết Trung Quốc “chắc chắn” sẽ tìm cách đàm phán lại thỏa thuận thương mại, nhưng thừa nhận ông Biden có thể sẽ sử dụng nó như một con bài thương lượng để có được nhượng bộ về các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhân quyền.
“Trung Quốc có thể cam kết bảo vệ nhiều quyền sở hữu trí tuệ hơn đối với các công ty Mỹ và mở cửa hơn nữa thị trường tài chính của mình, nhưng Trung Quốc có thể không thỏa hiệp trong các lĩnh vực như bảo vệ quyền lao động và nhân quyền”, ông Yu nhận định.
Tuy nhiên, các nhà quan sát thương mại Mỹ cho biết quan hệ Mỹ – Trung sẽ vẫn căng thẳng trong tương lai gần và việc Trung Quốc cố gắng đàm phán lại thỏa thuận thương mại sẽ là một điều mơ tưởng.
Benjamin Kostrzewa, một luật sư thương mại ở Hong Kong tại Hogan Lovells và là cựu nhân viên thời Obama tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết ông Biden sẽ phải chịu áp lực rất lớn để duy trì lập trường thương mại mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, khiến những thay đổi đáng kể trong các chính sách hiện tại của Mỹ đối với Trung Quốc khó có thể xảy ra trong những tháng đầu.
“Chính quyền Biden có khả năng sẽ tiến hành xem xét chiến lược các chính sách thương mại và đầu tư của chính quyền Trump để xác định những chính sách nào đang giúp củng cố nước Mỹ và những chính sách nào không”, ông Kostrzewa cho hay.
Theo luật sư Kostrzewa, các chính sách được xác định là không hữu ích có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Trung Quốc về các lĩnh vực như tiếp cận thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác
Stephen Olson, cựu nhà đàm phán thương mại USTR và hiện là thành viên nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, cho biết sẽ có “rất ít” cơ hội chính trị để Biden đàm phán lại thỏa thuận giai đoạn một nhằm giúp Trung Quốc dễ dàng hơn trong thương chiến. Nếu không, nó sẽ xác thực tuyên bố của ông Trump rằng Joe Biden mềm mỏng với Trung Quốc là chính xác.
“Các vấn đề thương mại sẽ không phải là ưu tiên cao nhất đối với chính quyền sắp tới của Biden. Ông ấy đã nói rõ rằng ông ấy muốn tập trung vào người lao động Mỹ trước khi thực hiện bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào. Và tất nhiên ưu tiên số một sẽ là đại dịch COVID-19”, ông Olson nhận định.
Nhiều người đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận sau khi Nhà Trắng đổi chủ hay không. Khi việc mua hàng hóa nông nghiệp của Mỹ tăng mạnh trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, Trung Quốc vẫn chưa đạt được mục tiêu nhập khẩu cho năm 2020.
Dữ liệu hải quan Mỹ cho thấy, vào cuối tháng 9, xuất khẩu nông sản Mỹ vào Trung Quốc chỉ đạt được 54% mục tiêu. Trong lúc tăng cường nhập khẩu đậu nành, ngô và thịt lợn kể từ mùa hè, Trung Quốc đang trên đà chỉ đạt 65% mục tiêu mua hàng nông sản trong năm nay.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm 7/11 cho thấy, vào tháng 10, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cao hơn 46,5% so với ngày Trump nhậm chức, cho thấy nỗ lực giảm thâm hụt đã không có kết quả.
Theo Công an nhân dân