Theo một bài bình luận mới được trang the Hill (Mỹ) đăng tải gần đây, chuỗi cung ứng của Mỹ có thể đang gặp nguy to vì Trung Quốc… thiếu nước.
Hiện tại, chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và của Mỹ nói riêng vốn đang đối mặt với nhiều áp lực gây gián đoạn như đại dịch COVID-19, cảng biển tắc nghẽn, thiếu hụt chất bán dẫn, vận tải đường bộ quá tải… nhưng theo chuyên gia Gopal Reddy từ tổ chức nghiên cứu Ready for Climate, việc Trung Quốc thiếu nước có thể là “giọt nước tràn ly” đối với chuỗi cung ứng Mỹ.
Nước là thành phần rất quan trọng trong mọi hoạt động sản xuất kinh tế, từ nông nghiệp tới sản xuất điện, khai thác mỏ, sản xuất công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày của con người. Ước tính một chiếc điện thoại thông minh thông thường cần đến hơn 13.600 lít nước để sản xuất.
Và Trung Quốc hiện đang thiếu hụt lượng nước cần thiết để duy trì nền kinh tế. Lượng nước bình quân đầu người của Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 mức trung bình toàn cầu, và gần 700 triệu dân của nước này hiện đang sống tại các khu vực thiếu nước.
Trong khi đó, tại các khu vực quanh Bắc Kinh đang chứng kiến tình trạng cạn kiệt nước ngầm nghiêm trọng, đến mức một số khu vực của thành phố này bị sụt xuống hơn 14cm mỗi năm, theo tác giả bài viết.
Tình trạng thiếu nước của Trung Quốc đang thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất điện: các nhà máy thủy điện và điện than của quốc gia này đang phải chật vật xoay xở khi nguồn cung nước không ổn định.
Các nhà chức trách đã đối phó với tình trạng mất điện trên diện rộng bằng cách kìm hãm mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp, gây ra sự gián đoạn lớn đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc.
Điều này liên quan đến chuỗi cung ứng của Mỹ như thế nào? Mỹ nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, bao gồm 70% hàng hóa trong chuỗi siêu thị Walmart và 40% số lượng quần áo bán ra trong nước.
Mỹ cũng nhập rất nhiều nguyên vật liệu, sản phẩm công nghiệp khác của Trung Quốc như thép, nhôm và polysilicon được sử dụng để sản xuất pin mặt trời.
Và để có được những sản phẩm, hàng hóa nói trên, các nhà máy Trung Quốc cần sử dụng điện được tạo ra thông qua con đường tiêu thụ nước không bền vững ở Trung Quốc. Khi nguồn cung cấp nước cạn kiệt, rõ ràng là Mỹ sẽ nhập ít hàng hóa từ Trung Quốc hơn, với giá cao hơn đáng kể.
Tình trạng thiếu nước “đáng báo động”
Theo tác giả, tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc rất đáng báo động và chính phủ nước này cũng đã đưa ra các biện pháp quyết liệt, bao gồm một đại dự án để vận chuyển nước từ miền Nam Trung Quốc lên miền Bắc Trung Quốc, đưa các dây chuyền sản xuất ra khỏi các khu vực đang thiếu nước, và thậm chí là cả các biện pháp can thiệp vào bầu khí quyển được gọi là “gieo hạt đám mây” để tăng lượng mưa.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, các giải pháp nói trên chỉ giống như giải pháp tạm thời chứ không thể giải quyết gốc rễ vấn đề.
Biện pháp khử mặn nước biển không phải là một lựa chọn khả thi, vì đây là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng và một nửa lượng nước được tạo ra, hoặc thậm chí là nhiều hơn thế, có thể bị tiêu hao do tiêu thụ điện năng.
Ngoài ra, với tình trạng lưới điện Trung Quốc căng thẳng như hiện tại, khó có khả năng nước này có đủ công suất điện dự phòng để khử mặn và vận chuyển lượng nước đó đến các khu vực thiếu nước.
Năm 2005, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng cảnh báo rằng tình trạng thiếu nước đe dọa “sự tồn vong của đất nước”, trong khi các quan chức quy hoạch ở Bắc Kinh đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để giới hạn dân số của thành phố dưới 10 triệu do nguồn nước hạn chế (dân số hiện tại của Bắc Kinh là 21 triệu).
Tình trạng thiếu nước trầm trọng của Trung Quốc cũng là một vấn đề lớn đối với thị trường năng lượng và tác động lớn đến nỗ lực giảm thiểu khí thải của nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, điện được tạo ra từ khí đốt tự nhiên chỉ tiêu thụ lượng nước bằng một nửa so với than đá, và nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu đang đẩy giá năng lượng ở Mỹ và nước ngoài lên cao.
Ngoài ra, nhiều quan chức Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời chưa đủ tin cậy để nước này có thể chuyển đổi toàn diện và thoát khỏi sự phụ thuộc vào điện than.
Tác giả Reddy kết luận, những thông tin nói trên cho thấy nền kinh tế Mỹ đang gặp rủi ro đáng kể vì Trung Quốc thiếu nước, và nước này cần tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề này.
Các cuộc thảo luận gần đây về khả năng chuyển chuỗi cung ứng của Mỹ ra khỏi Trung Quốc đã tập trung vào các cân nhắc về an ninh quốc gia và chính sách trong nước. Những thách thức nghiêm trọng do tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc sẽ là một yếu tố khác cần xem xét, tác giả kết luận./.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị