Hải quân Pakistan đã quyết định lựa chọn sử dụng tên lửa hạm đối không Albatros NG do tập đoàn quốc phòng châu Âu MBDA phát triển, thay vì HQ-16 của Trung Quốc.
Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ công bố thỏa thuận cung cấp 4 tàu chiến cho Hải quân Pakistan với tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ USD.
Hợp đồng này nằm trong số các thương vụ xuất khẩu vũ khí lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ từng ký kết và loại tàu chiến chuyển giao là một phiên bản tàu hộ vệ tàng hình MILGEM bản địa của Ankara.
Đây là những mẫu tàu chiến nhỏ (trọng tải khoảng 1.500 đến 3.000 tấn) và có thể mang theo vũ khí chống hạm, chống ngầm và phòng không.
Một nhà máy đóng tàu ở Istanbul đang đóng hai tàu chiến MILGEM cho Pakistan, trong khi hai chiếc còn lại được đóng tại Karachi. Biến thể MILGEM được bán cho Pakistan sẽ có lượng rẽ nước lớn hơn và dài hơn so với những chiếc đang có trong biên chế của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Các báo cáo ban đầu cho biết Hải quân Pakistan sẽ sử dụng tên lửa đất đối không HQ-16 của Trung Quốc trên các tàu hộ vệ MILGEM. HQ-16 là dòng tên lửa được triển khai để bắn hạ các tên lửa chống hạm và máy bay đối phương.
Năm 2020, Đô đốc Zafar Mahmood Abbasi – Tư lệnh Hải quân Pakistan đã nghỉ hưu thậm chí còn khẳng định HQ-16 sẽ được bắn từ hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) bố trí trên mũi tàu. Các tàu chiến MILGEM mà Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Pakistan có 16 ống VLS.
Tuy nhiên, thứ Bảy cuối tuần qua (12/5), Defense Turkey – tờ báo chuyên đưa tin về các diễn biến quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lại cho biết Hải quân Pakistan đã chọn sử dụng tên lửa hạm đối không Albatros NG do tập đoàn quốc phòng châu Âu MBDA phát triển, thay vì HQ-16 của Trung Quốc.
Tên lửa Albatros NG (thế hệ tiếp theo) được MBDA công bố vào tháng 3 năm nay. MBDA mô tả Albatros NG là một “biến thể kéo dài tầm bắn” của tên lửa CAMM đang phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Anh.
Albatros NG được phát triển với sự tài trợ của Italia. Tên lửa trang bị một động cơ đẩy lớn hơn dòng CAMM cho phép nó có thể đạt tầm bắn hơn 40km.
Mặc dù HQ-16 ước tính có tầm bắn khoảng 70 km nhưng tên lửa này của Trung Quốc lại được thiết kế dựa trên hệ thống phòng không hải quân Shtil của Nga, loại vũ khí ra đời từ những năm 1980.
Do đó, HQ-16 là một tên lửa thô kệch hơn và được dẫn đường bằng radar bán chủ động, tức là nó được dẫn hướng từ tàu phóng cho đến khi tiếp xúc mục tiêu. Phương pháp dẫn đường bằng radar bán chủ động làm cho tên lửa dễ bị chế áp bởi các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của đối phương.
Trong khi đó, Albatros NG trang bị đầu dò radar chủ động, nghĩa là bản thân tên lửa được tích hợp radar nên không cần cần phải dựa vào dẫn hướng của tàu phóng sau khi khai hỏa.
“Nhờ hệ thống CAMM-ER/Albatros NG NBAD bắn và quên, tàu hộ vệ PN MİLGEM sẽ có thể tấn công nhiều mục tiêu trên không cùng một lúc chứ không như HHQ-16 dẫn đường bằng radar bán chủ động. Vì vậy, tên lửa cũng thực hiện được các nhiệm vụ với hiệu suất cao hơn trong môi trường bị đe dọa bởi tác chiến điện tử”, Defense Turkey đưa tin.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị