Trung Quốc và Nga hôm thứ Hai (16/12) đã đề xuất LHQ dỡ bỏ lệnh cấm Bắc Hàn xuất khẩu. Đề xuất này được Trung Quốc và Nga soạn thảo thành nghị quyết gửi Hội đồng Bảo an và được họ cho là nhằm mục đích khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Hàn.
Trung Quốc, Nga đề xuất gì?
Theo Reuters, dự thảo nghị quyết của Trung Quốc và Nga cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an dỡ bỏ lệnh cấm người Bắc Hàn lao động ở nước ngoài và kết thúc yêu cầu tất cả lao động Bắc Hàn tại nước ngoài phải hồi hương. Dự thảo nghị quyết cũng loại trừ tuyến đường sắt liên Triều và các dự án hợp tác đường bộ giữa hai miền Triều Tiên ra khỏi các chế tài của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng dự thảo nghị quyết nhằm mục đích khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Hàn. “Đó mới hoàn toàn là ý tưởng, chúng tôi chưa thực hiện nghị quyết này, nhưng chúng tôi thực sự muốn tạo điều kiện [cho đàm phán],” ông Nebenzia nói.
Dự thảo nghị quyết hoan nghênh “tiếp tục đối thoại giữa Hoa Kỳ và DPRK [Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên] tại tất cả các cấp độ, nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và DPRK, xây dựng niềm tin song phương và những nỗ lực chung nhằm thiết lập hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên theo cách thức từng giai đoạn và đồng bộ”.
Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán sáu bên giữa Bắc Hàn, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản hoặc khởi động “các cuộc tham vấn đa phương theo bất kỳ một hình thức tương tự nào khác, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp hòa bình và toàn diện thông qua đối thoại”.
Trung Quốc và Nga từ lâu đã nói rằng Hội đồng Bảo an nên tặng thưởng cho Bình Nhưỡng sau khi ông Kim Jong-un năm 2018 đã cam kết sẽ làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa.
Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an về Bắc Hàn vào tuần trước do Mỹ triệu tập, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) nói rằng các chế tài nên được điều chỉnh để “khởi đầu một sự đảo ngược kịch tính” tình huống trên Bán đảo Triều Tiên.
Reuters cho biết hiện chưa rõ dự thảo nghị quyết của Trung Quốc và Nga nêu trên khi nào sẽ được đưa ra bỏ phiếu chính thức tại Hội đồng Bảo an. Dự thảo nghị quyết chỉ được thông qua khi có được ít nhất 9 phiếu thuận và không bị một trong năm nước thành viên thường trực hội đồng gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc phủ quyết.
“Chúng tôi sẽ không vội vàng mọi thứ,” Đại sứ Nebenzia nói với Reuters và cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán với các thành viên hội đồng sẽ bắt đầu từ thứ Ba (17/12). Ông Nebenzia nhấn mạnh rằng các chế tài được đề xuất dỡ bỏ “không liên quan trực tiếp tới chương trình hạt nhân Bắc Hàn, đây là vấn đề nhân đạo”.
Mỹ nói chưa đến lúc dỡ bỏ chế tài
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters rằng hiện nay chưa phải lúc để Hội đồng Bảo an xem xét dỡ bỏ chế tài Bắc Hàn vì nước này “đang đe dọa thực hiện khiêu khích leo thang, từ chối gặp mặt để thảo luận phi hạt nhân hóa, và tiếp tục duy trì, thúc đẩy vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm và các chương trình tên lửa đạn đạo”.
Các chế tài về công nghiệp mà Trung Quốc và Nga đề xuất dỡ bỏ mang lại cho Bắc Hàn hàng trăm triệu USD mỗi năm và đã được áp đặt trong năm 2016 và 2017 để cố gắng và ngăn chặn dòng tiền đổ vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Mỹ, Anh và Pháp đã từng khẳng định rằng LHQ không nên dỡ bỏ bất kỳ chế tài nào cho tới khi Bắc Hàn từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
“Về Bắc Hàn, như trong quá khứ, điều quan trọng là hội đồng phải duy trì đoàn kết,” Đại sứ Đức tại LHQ Christoph Heusgen nói hôm 16/12.
Trong khi đó, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Tổng thống Donald Trump vẫn cam kết đạt tiến triển trong vấn đề Bắc Hàn thông qua sử dụng phương thức ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (16/12) nói rằng ông sẽ thất vọng nếu một điều gì đó “được thực hiện” tại Bắc Hàn và Mỹ đang theo sát các hoạt động tại quốc gia Châu Á này.
“Tôi sẽ thất vọng nếu điều gì đó sẽ được thực hiện [tại Bắc Hàn], và nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ xử lý. Chúng tôi đang quan sát [Bắc Hàn] rất sát sao,” ông Trump nói.
Đặc phái viên của Mỹ về Bắc Hàn, ông Stephen Biegun hôm Chủ Nhật (15/12) cũng đã tới Seoul, Hàn Quốc để nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Hàn.
Như Ngọc