Nhiều chuyên gia phân tích địa chính trị đánh giá đây là một ‘bẫy nợ’ để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát các vấn đề của quốc gia đối tác chiến lược.
“Phải chăng Sri Lanka đang một lần nữa ruồng rẫy Ấn Độ và Nhật Bản chỉ vì Trung Quốc?” – Tờ EurAsian Times đặt câu hỏi, đồng thời cho biết trong một đòn giáng mạnh nhằm vào New Delhi và Tokyo, Sri Lanka đã quyết định xếp xó 2 dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD.
Đầu tiên là dự án phát triển Cảng container phía đông (ECT) theo biên bản ghi nhớ (MoU) do chính quyền Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ký kết với Ấn Độ và Nhật Bản vào tháng 5/2019. Theo các điều khoản, Sri Lanka sẽ giữ 51% cổ phần, trong khi Nhật Bản và Ấn Độ chia nhau số cổ phần còn lại. Dự án ECT ước tính có giá trị từ 500-700 triệu USD.
Ngoài ECT, Colombo còn quyết định hủy bỏ dự án đường sắt hạng nhẹ trị giá 1,5 tỷ USD do Nhật Bản tài trợ với lý do không mang lại “hiệu quả chi phí”.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải “hủy bỏ dự án này và đóng cửa văn phòng dự án ngay lập tức” – Jayasundara , trợ lý cấp cao của ông Rajapaksa, viết trong một lá thư gửi tới Bộ Giao thông vận tải Sri Lanka.
Các báo cáo về sau tiết lộ rằng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trước đó đã phê duyệt khoản vay 30 tỷ yen [tương đương 285 triệu USD) để tài trợ giai đoạn đầu của dự án đường sắt hạng nhẹ.
Sri Lanka đang đối mặt với những khó khăn kinh tế trong cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất từ trước đến nay. Verite Research, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Colombo [thủ đô thương mại của Sri Lanka], cho biết Sri Lanka đã vay 34 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2019 và 81% trong đó được dùng để phát triển cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc hiện là “chủ nợ” lớn nhất của Sri Lanka trong số các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng, chiếm 33% tổng số khoản vay của quốc đảo này.
Sri Lanka đã phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc để xây dựng cảng biển trị giá 1,5 tỷ USD ở Hambantota. Sau khi cảng này hoạt động thua lỗ và không thể mang lại đủ lợi nhuận để trả khoản nợ cho Bắc Kinh, Sri Lanka đã quyết định cho Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm với chi phí 1,1 tỷ USD.
Bắc Kinh sau đó tiếp tục viện trợ cho Colombo 500 triệu USD để chống dịch bệnh, cứu trợ cuộc khủng hoảng tài chính đang bùng phát. Sri Lanka cũng đã đề nghị chính phủ một số nước khác, trong đó có Ấn Độ, về việc trì hoãn thanh toán khoản nợ.
Khoản viện trợ này được cho là một cách để khỏa lấp hình ảnh Trung Quốc đầu tư các khoản tiền khổng lồ vào những dự án lớn thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm kiểm soát các đối tác chiến lược thông qua việc áp đặt các nghĩa vụ nợ lên họ.
“Nhiều chuyên gia phân tích địa chính trị đánh giá đây là một ‘bẫy nợ’ để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát các vấn đề của Sri Lanka. Tôi muốn nói rằng chuyện không phải là như thế, và dự án quy mô lớn này sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân. Hãy hỗ trợ nỗ lực này của chúng tôi” – Thông báo của Văn phòng Tổng thống Rajapaksa cho hay.
Dẫn lời “các nhà quan sát tài chính dày dạn kinh nghiệm” ở Colombo, một báo cáo của tờ Nikkei cho rằng, Sri Lanka không chỉ bỏ qua các cam kết mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng quốc tế. Chính phủ Sri Lanka đang phá vỡ dự án đường sắt hạng nhẹ để có thể trao nó cho người Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Sri Lanka. Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa và Maithripala Sirisena, Sri Lanka đã cam kết tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường.
Sri Lanka là một trong những mắt xích rất quan trọng đối với kế hoạch kia của Trung Quốc. Cho tới nay, Trung Quốc khá thành công trong việc lôi kéo Sri Lanka vào phạm vi ảnh hưởng của mình với cách tiếp cận “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị