Nước Mỹ cũng cho biết, sẽ không đi “một mình” trong chiến lược quan trọng này.
Theo hãng tin Reuters, vào ngày 11/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố bản đánh giá tổng quan chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới nhất dài 12 trang, khẳng định, nước Mỹ sẽ tập trung vào mọi ngóc ngách của khu vực từ Nam Á đến quần đảo Thái Bình Dương để củng cố vị thế và cam kết lâu dài của mình.
Chiến lược mới của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, nước Mỹ sẽ không đi “một mình” trong việc đối phó với ảnh hưởng và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc và nước này đang nỗ lực trong tăng cường hợp tác an ninh và các lĩnh vực khác với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
“Trung Quốc đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ nhằm tạo ra phạm vi ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như tìm cách trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới“, tài liệu viết. “Nỗ lực tập thể của chúng tôi trong thập niên tới sẽ xác định liệu Trung Quốc có thành công trong chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực, mang lại lợi ích cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới hay không“.
Về các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chính quyền Mỹ cho biết kế hoạch của họ bao gồm việc tiếp tục hỗ trợ Đài Loan phòng thủ; hội nhập quân sự sâu hơn với các nước trong khu vực để răn đe Trung Quốc, như thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Australia năm ngoái; và mở rộng các nỗ lực chống lại các cuộc tấn công mạng và các mối đe dọa từ công nghệ mới nổi.
Theo Nhà Trắng, mục tiêu của Mỹ trong khu vực “không phải là thay đổi Trung Quốc mà là định hình môi trường chiến lược” và “xây dựng cân bằng ảnh hưởng” có lợi cho Mỹ, đồng minh và đối tác, đồng thời kiểm soát đối trọng với Trung Quốc.
Chiến lược của Mỹ cũng liệt kê biến đổi khí hậu, phục hồi đại dịch và vấn đề Triều Tiên là những thách thức lớn khác mà khu vực phải đối mặt.
Tài liệu này là chiến lược khu vực đầu tiến dưới thời Tổng thống Biden. Đáng chú ý hơn, nó được công bố trong thời gian Ngoại trưởng Antony Blinken đang có chuyến thăm một số đối tác ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Điều này cho thấy, Mỹ thực sự coi trọng và tập trung mạnh mẽ vào khu vực này.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị