Trung Quốc giữ lại một lượng nước lớn sông Mekong tại một trong những con đập lớn ở thượng nguồn. Động thái gây lo ngại cho các quốc gia hạ nguồn khi mùa khô tới gần.
Trung Quốc kín tiếng khi mực nước sông Mekong giảm đột ngột ngay trước mùa khô
Vấn đề về nguồn nước khiến cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á trở nên căng thẳng sau khi Bắc Kinh giữ lại một lượng nước lớn sông Mekong tại một trong những con đập lớn ở thượng nguồn. Hành động này đã dẫn đến sự sụt giảm đột ngột về lượng nước tại các nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mekong.
“Mực nước giảm đột ngột kể từ đầu tháng 1, tất cả chúng ta đều biết lý do cho việc này là bởi Trung Quốc đã đóng cửa con đập,” ông Niwat Roikaew, Chủ tịch của Chiến dịch phi lợi nhuận về môi trường Love Chiang Khong tại Chiang Rai – một tỉnh phía bắc Thái Lan, nơi có sông Mekong chảy qua.
Theo như ước tính, có khoảng 60 triệu người dọc theo hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào dòng chảy của con sông này để kiếm sống và sinh hoạt. Người dân ở các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đã bất ngờ trước động thái của Bắc Kinh, đặc biệt là khi các nước này bước vào thời điểm mùa khô hàng năm.
Tới giữa tháng 2, các cộng đồng lưu vực sông bị ảnh hưởng bởi động thái giảm lưu lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ. Từ đầu tháng 1, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã thông báo cho các nước hạ lưu sông Mekong về các cuộc thử nghiệm của Bắc Kinh tại các con đập lớn vào đầu tháng 1 – gần 1 tuần sau khi lượng nước bị cắt giảm từ 1.900 m3/s xuống 1.000 m3/s, các thử nghiệm kéo dài đến ngày 24 tháng 1.
Trong một báo cáo, Ủy hội sông Mekong (MRC) – cơ quan liên chính phủ đại diện cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam quản lý hệ sinh thái lưu vực sông Mekong cho biết, dòng chảy đã giảm xuống mức “đáng lo ngại”.
Quan chức MRC cho biết trong báo cáo: “Đã có những đợt nước dâng và giảm đột ngột ở hạ lưu Cảnh Hồng và giảm mạnh hơn nữa tới Viêng Chăn (Lào). Điều này đã gây ra những thách thức cho chính quyền và người dân trong việc chuẩn bị và ứng phó với những tác động có thể xảy ra”.
Báo cáo của MRC nhấn mạnh rằng thiếu sót trong ngoại giao tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc và các nước hạ nguồn trong vấn đề hợp tác và chia sẻ nguồn tài nguyên chung.
11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn là nỗi e ngại muôn thuở cho các nước hạ nguồn
Carl Middleton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết: “Vẫn cần có sự hợp tác sâu rộng hơn về quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Mục tiêu ở đây là làm sao để vận hành các dự án thủy điện mà tránh được các tác động của nó tới môi trường và xã hội, đồng thời thừa nhận và đền bù cho những tác hại mà việc vận hành đã gây ra.”
Tác động của Trung Quốc lên con sông Mekong đã rơi vào tầm ngắm của các nhà hoạt động môi trường tại địa phương và quốc tế bởi khả năng mà nước này có thể giảm lưu lượng nước. Nikkei ghi nhận nhiều ý kiến chỉ trích Bắc Kinh sử dụng con sông này như một cái vòi bật hoặc tắt để đáp ứng các yêu cầu về nước sinh hoạt của riêng nước họ.
Pianporn Deetes, giám đốc chiến dịch của International Rivers tại Thái Lan cho biết: “Là một quốc gia thượng nguồn, Trung Quốc coi dòng sông như một con kênh và cho rằng họ có quyền quyết định việc sử dụng dòng sông này như thế nào. Nhưng con sông đó không phải là của riêng Trung Quốc, cần có sự quản lý để nhìn nhận các giá trị sinh thái và mục đích sử dụng của con sông cho hàng triệu người dân tại khu vực hạ lưu sông.”
Việc Trung Quốc xây dựng 11 đập lớn ở thượng nguồn đã gây ra căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước hạ lưu sông Mekong, đặt ra nhiều thách thức khi mà cường quốc châu Á này đang muốn xây dựng mối quan hệ với các nước khu vực Đông Nam Á. Việt Nam, khi làm chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm ngoái, đã nâng cao mối quan tâm về sông Mekong để các quốc gia trong khối cùng xem xét.
Nỗ lực chia sẻ thông tin của Trung Quốc
Sông Mekong dài 4.600 km, bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, chảy về phía Nam qua tỉnh Vân Nam, chảy qua Myanmar vào lưu vực sông Mekong thông qua Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông. Lưu vực có con sông này chảy qua là vựa lúa của vùng.
Đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2019 đã cho thấy tác động của các con đập ở Trung Quốc đối với các nước lưu vực Mekong. Những vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, hay Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia – một hồ nước khổng lồ cần nước của sông Mekong cung cấp sản lượng cá lớn, thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của địa phương, cũng bị tác động mạnh.
David Brown, cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, cho biết: “Người Việt Nam và Campuchia ở hạ lưu sông Mekong đã phát triển các hệ thống canh tác nông nghiệp và đánh bắt thủy sản ven sông liên kết chặt chẽ với mực nước lên xuống của sông. Hiện nay, năng suất của cả nông nghiệp và thủy sản đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các đập của Trung Quốc”.
Trung Quốc cũng có những nỗ lực nhằm giảm thiểu thiệt hại bằng cách tuyên bố sẵn sàng chia sẻ dữ liệu dòng chảy sông với các nước hạ lưu sông Mekong. Tuy nhiên, cho đến năm ngoái, Trung Quốc chỉ chia sẻ thông tin về lưu lượng nước trong mùa mưa hàng năm từ tháng 6 đến tháng 10, khi con sông và các nhánh sông phình ra gây lũ lụt tại các vùng.
Sau đợt hạn hán năm 2019, Trung Quốc đã ngớt dần các cuộc điện đàm từ các nước về dữ liệu lưu lượng nước trong mùa khô. Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 8 đã tiết lộ kế hoạch chia sẻ dữ liệu của Trung Quốc trong mùa khô tại hội nghị thượng đỉnh các nước là thành viên của sáng kiến Hợp tác Lancang-Mekong. Tuy nhiên, các lãnh đạo của các cộng đồng, tổ chức, ví dụ như ông Niwat ở Thái Lan, vẫn không cảm thấy hài lòng.
Chuyên gia Niwat cho hay: “Chúng ta, với tư cách là một cộng đồng khu vực sông Mekong, cần phải thảo luận và đi đến một thỏa thuận quy định lượng nước phải được xả ra từ các đập của Trung Quốc để duy trì chu kỳ tự nhiên cho nhiều thế hệ sinh sống dọc theo con sông này. Trung Quốc không thể đưa ra quyết định này một mình.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị