Ít nhất 10 máy bay ném bom Trung Quốc đã tham gia vào cuộc tập trận tấn công trên biển ở Biển Đông, ngay lập tức sau khi quân đội Mỹ gia tăng sự hiện diện ở khu vực.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, cuộc tập trận, có sự tham gia của máy bay ném bom tân tiến nhất của Trung Quốc là H-6J, nhằm mục đích phô diễn khả năng chống lại các hoạt động vừa qua của Mỹ, bao gồm việc tàu khu trục hoạt động “kép” hồi tháng 2.
Hôm thứ Ba, CCTV đưa tin, hơn 10 máy bay ném bom, gồm 2 loại là H-6J (có thể mang đến 6 tên lửa chống hạm) và H-6G (có thể mang 4 tên lửa) đã tham gia vào cuộc tập trận sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các cuộc tập trận bao gồm các bài tập tấn công đường dài và tăng cường sự phối hợp giữa các phi công, CCTV đưa tin.
Yue Gang, một đại tá PLA đã nghỉ hưu, cho biết các cuộc tập trận nhằm chống lại các hoạt động gần đây của Mỹ.
Song Zhongping, nhà bình luận các vấn đề quân sự tại Hồng Kông, cho biết các cuộc tập trận của máy bay ném bom Trung Quốc nhắm vào cả Biển Đông và Đài Loan.
Trước đó, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận chung ở Biển Đông hơn một tuần sau khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc bắt đầu có liệu lực.
Hôm thứ Tư, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur thuộc lớp Arleigh-Burke của Mỹ tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan để thể hiện “cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” theo một tuyên bố từ Hạm đội 7, Hải quân Mỹ. “Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực thi tự do hàng hải, hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, tuyên bố nói thêm.
Chiều 25/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bình luận về việc tàu chiến Mỹ hồi tháng 2 đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên hải quân Mỹ tiến hành hoạt động này dưới thời Tổng thống Biden. Theo đó, bà Hằng cho hay, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và UNLOCS, Việt Nam tuân thủ các quy định của công ước, kể cả các quy định liên quan đến hoạt động hàng hải, hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với công ước.
Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin, tàu USS Russell đã đi ngang quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau một cuộc tập trận chung giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cũng tại Biển Đông.
Thông báo của hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Russell “đã khẳng định quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật quốc tế”.
Hôm 5/2, một tàu chiến khác của Mỹ là tàu khu trục John S. McCain cũng lần đầu tiên di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ 1974) kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Giới quan sát đánh giá những động thái trên cho thấy chính quyền Biden sẽ không hạn chế các hoạt động nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông, vốn là hoạt động được đẩy mạnh dưới trào của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, khi Mỹ tìm cách tái xây dựng các liên minh, nhiều quốc gia đã tham gia vào các hoạt động ở Biển Đông. Tuần trước, Hải quân Pháp xác nhận tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf của nước này đã rời cảng Toulon hôm 18/2, khởi động một nhiệm vụ kéo dài 3 tháng ở khu vực Thái Bình Dương, đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị