Kể từ ngày 31 tháng 3, Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây, Trung Quốc liên tục hứng chịu gió mạnh, sấm sét và mưa lớn. Vào chiều ngày 2 tháng 4, mây đen tụ tập trên khu đô thị chính Nam Xương, sau đó có sấm chớp lớn. Có thông tin nói rằng, có tới 44.000 vụ sét đánh xảy ra chỉ trong một đêm. Mưa lớn và mưa đá trút xuống khiến nước tích tụ nghiêm trọng ở một số khu vực ở Nam Xương và khiến các chuyến tàu bị trì hoãn.
Tác giả gốc Hoa và cũng là chuyên gia các vấn đề về Trung Quốc – Dương Ninh (楊寧) đã có bài viết về vấn đề này, liên kết những thông tin trong lịch sử và truyền thuyết đô thị, và nhận thấy có những trùng hợp đặc biệt đáng kinh ngạc. Liệu truyền thuyết chỉ là truyền thuyết, hay nó thực sự ẩn giấu những bí mật, khiến chính quyền Trung Quốc cũng phải cẩn trọng khi xây dựng các công trình quan trọng.
Liên quan đến những trận mưa lớn thường xuyên xảy ra gần đây ở nhiều nơi ở Giang Tây, một số người đến từ Nam Xương đã tiết lộ một điều kỳ lạ, đó là hai trong số sáu sợi xích sắt trong Tỏa Long Tỉnh (Giếng khóa Rồng) ở chùa Vạn Thọ, một ngôi chùa Đạo giáo thiên niên kỷ ở Nam Xương, còn được gọi là “Thiết trụ quán”, đột nhiên bị đứt một cách bí ẩn cách đây nửa tháng.
“Tỏa Long Tỉnh” nằm ở phía bên trái của chính điện trong “Thiết trụ quán”. Tương truyền, vào thời Đông Tấn cách đây 1600 năm, một con rồng đã gây rắc rối ở Nam Xương.
Hứa Tốn (許遜), một đạo sĩ sống ẩn dật ở đây, đã dùng thần thông của mình để trấn áp nó. Trên thực tế, có truyền thuyết về việc nhốt Rồng ở tỉnh Sơn Tây, Quảng Đông và nhiều nơi khác. Dân gian truyền rằng mỗi cố đô đều có một hải nhãn (mắt biển) và mỗi hải nhãn này đều được trấn thủ bởi một con rồng. Một khi mắt nhãn này bị mở ra, sẽ hồng thủy ngút Trời, Đại Địa biến thành biển rộng.
Vậy mưa lớn ở Nam Xương có liên quan gì đến dây xích bị đứt ở ‘Giếng khóa Rồng’ không? Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về câu chuyện Giếng khóa Rồng ở thủ đô Bắc Kinh.
Vào thời cổ đại, sau khi xây dựng một thành trì, người ta sẽ tìm kiếm hải nhãn trong thành phố dựa trên phong thủy và xây dựng một giếng khóa rồng. Sau khi Chu Đệ (朱棣), người sáng lập nhà Minh, quyết định dời đô từ Nam Kinh đến Bắc Kinh, ông đã cử các cận thần Lưu Bá Ôn (劉伯溫) và Diêu Quảng Hiếu (姚廣孝) chịu trách nhiệm tái thiết. Hai quan văn này đều thông thạo Phong Thủy, họ đã phát hiện ra chín mắt biển trong thành, mỗi con mắt đều dẫn thẳng đến biển Hoa Đông.
Trong số đó, mắt biển ở Bắc Tân Kiều (北新橋), núi Bắc Hải và núi Ngọc Tuyền là lớn nhất. Để chế ngự những mắt biển này, hai người đã xây một giếng rồng dưới cầu Bắc Tân, dùng dây sắt nhốt rồng trong giếng, đồng thời xây một ngôi miếu trên giếng có ba gian để thờ Nhạc Phi.
Truyền thuyết kể rằng, giếng này sâu không thấy đáy, trong giếng treo một sợi xích sắt dài, không ai biết là dài bao nhiêu, cũng không ai dám kéo xích lên, truyền thuyết nói đầu kia của xích có khóa một con Rồng, trấn thủ Hải Nhãn, nếu kéo sợi xích này lên, lôi Rồng ra, thì dẫn đến hồng thủy ngút Trời, ngập toàn thành Bắc Kinh.
Những người già sống ở dải cầu Bắc Tân, Bắc Kinh, đều biết giếng này, thậm chí nhiều người còn thử kéo xích lên, nhưng sợi xích quả là quá nặng, người thường không thể kéo nổi, tương truyền có vài người cường tráng cùng nhau kéo xích, nhưng sau khi động xích, trong giếng có sóng cuộn lên, nước giếng như bị sôi lên, đồng thời nghe tiếng gầm cực lớn, họ sợ quá không dám kéo tiếp, trả lại xích về trong giếng.
Theo truyền thuyết, con rồng từng mộng cho Diêu Quảng Hiếu và hỏi khi nào rồng có thể trốn thoát, Diêu trả lời rằng chỉ cần cây cầu cạnh giếng cũ đi thì rồng có thể ra ngoài. Rồng đắc ý nhưng không ngờ Diêu đã xây dựng cầu Bắc Tân ở đây, nghĩa là cây cầu mới, khiến Rồng không kịp ra khỏi giếng.
Sau khi phát hiện mình bị lừa, Rồng lại một lần nữa báo mộng cho Diêu và hỏi khi nào Rồng mới có thể thoát khỏi rắc rối. Diêu nói rằng chỉ cần Rồng nghe thấy âm thanh miếng sắt gõ khi đóng, mở cổng thành thì nó có thể ra ngoài. Tuy nhiên, sau khi tỉnh dậy, Diêu đã ra lệnh lính gác rung chuông thay vì gõ miếng sắt khi mở và đóng cổng thành khiến con rồng vẫn không thể thoát khỏi rắc rối.
Không có bằng chứng lịch sử chính thức nào chứng minh truyền thuyết trên có đúng hay không nhưng nó đã được người dân truyền từ đời này qua đời khác. Trong dân gian còn có một câu nói phổ biến: “Nếu ai quấy rối Tỏa Long Tỉnh, Bắc Kinh sẽ có biến”. Một số sự việc được ghi chép rõ ràng xảy ra sau đó đã cho thấy sự trùng hợp đáng kinh ngạc với truyền thuyết.
Một sự cố xảy ra khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc đó là, sau khi quân Nhật tiến vào Bắc Bình, họ chuẩn bị xây dựng doanh trại quân sự gần cầu Bắc Tân. Có người kể cho người Nhật nghe truyền thuyết về Giếng khóa rồng, nhưng người Nhật không tin mà cố gắng kéo toàn bộ dây xích sắt trong giếng lên.
Quân Nhật nhanh chóng kéo được một phần dây xích nhưng đáng ngạc nhiên là trong 7 ngày, họ vẫn không thể kéo hoàn toàn sợi dây xích lên. Cùng lúc đó, trong giếng bắt đầu dâng lên những dòng nước đen, kèm theo mùi tanh nồng nặc, thỉnh thoảng vang lên những âm thanh đáng sợ.
Cảnh tượng kinh hoàng khiến quân Nhật cuối cùng cũng phải bỏ cuộc kéo dây xích và thả sợi dây xích trở lại giếng. Sau đó, nước giếng dần dần tĩnh lặng trở lại, âm thanh lạ cũng dần dần biến mất.
Ban đầu mọi người nghĩ rằng vấn đề sẽ kết thúc, nhưng vào tháng 8 năm 1939, một trận lũ lớn “chưa từng thấy trong 80 năm” bất ngờ ập đến miền Bắc Trung Quốc. Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và những nơi khác đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Dư luận không khỏi nghi ngờ trận lụt có liên quan đến xích sắt ở giếng khóa Rồng.
Một sự cố khác xảy ra trong thời kỳ “Đại nhảy vọt” năm 1958. Để hoàn thành quá trình chuyển đổi thành cổ Bắc Kinh và thoát khỏi cái gọi là “mê tín phong kiến” về Giếng khóa Rồng, ĐCSTQ đã ra lệnh cho kéo dây xích ra khỏi giếng và phá bỏ ngôi miếu gần đó.
Khi các công nhân kéo dây xích, điều kỳ lạ lại xảy ra: một lượng nước đen lớn dâng lên, mùi tanh bốc lên và có tiếng động lớn. Hơn nữa, máy chạy suốt ba ngày vẫn không kéo hết dây xích lên. Không còn lựa chọn nào khác, chính quyền lại ra lệnh vứt dây xích lại, đậy giếng bằng những tảng đá lớn và làm đường lấp giếng.
Không lâu sau, một trận lụt lớn khác lại xảy ra ở khu vực Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1959. Sau trận lụt, chính quyền Trung Quốc lại ra lệnh định tuyến lại đường cao tốc và khôi phục giếng khóa Rồng, nhưng họ đã khoanh vùng để ngăn cản người dân đến gần.
Sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra năm 1966, Hồng vệ binh đã “tiêu diệt tứ cựu” tức Phá trừ cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán” và kéo chiếc xích sắt lớn ở giếng khóa Rồng lên, nhưng cũng giống như người Nhật, họ đều sợ hãi và nhanh chóng khôi phục lại trạng thái ban đầu.
Khi Bắc Kinh xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 5 vào năm 2004, báo chí đưa tin tuyến đường tàu điện ngầm đã được thay đổi để tránh một giếng cổ. Giếng này chính là Tỏa Long Tỉnh.
Theo tác giả người Hoa, Dương Ninh (楊寧), bề ngoài, ĐCSTQ tuyên bố bảo vệ các di tích văn hóa nhưng thực tế họ đang cảnh giác với điều đó. Có thông tin nói rằng, khi tuyến tàu điện ngầm đang được xây dựng đã vô tình chạm vào mắt biển, kết quả là khu vực cầu Bắc Tân đã trải qua ba ngày mưa xối xả mà không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, cũng có một số chuyện kỳ lạ được lan truyền trong dân gian, chẳng hạn như một đứa trẻ đi chơi quanh giếng này và cố gắng kéo sợi dây xích nhưng tất nhiên không được, chẳng bao lâu sau, cậu bé mơ thấy rồng và bị sốt trong vài ngày sau đó.
Ngoài những điều kỳ lạ xảy ra ở Tỏa Long Tỉnh ở Bắc Kinh, trên mạng Trung Quốc cũng có rất nhiều câu chuyện về Tỏa Long Tỉnh.
Truyền thuyết kể rằng Tỏa Long Tỉnh sớm nhất có liên quan đến Đại Vũ (大禹). Vào thời Nghiêu Thuấn có một trận lụt lớn, vua sai Đại Vũ đi kiểm soát lũ lụt. Trận lũ lụt là do một con rồng gây rối ở sông Hoài Hà, Đại Vũ đã nhiều lần cùng dân chúng chiến đấu với nó và cuối cùng đã bẫy được nó.
Sau đó, Đại Vũ ra lệnh cho người phong tỏa, buộc con rồng phải quay trở lại biển. Trên đường trở về, Đại Vũ dẫn trăm dũng sĩ đi bắt rồng và ra lệnh cho người đào một cái hố sâu hơn một nghìn thước và đóng cọc vào giếng rồi nhốt Rồng vào đó.
Giếng Vương Tỏa Giao (王鎖蛟) ngày nay ở Vũ Châu tỉnh Hà Nam là di tích của thời kỳ vua Vũ (禹) kiểm soát lũ lụt và trói rồng, được xây dựng lại một chút về phía đông so với địa điểm ban đầu vào năm 1984.
Đánh giá từ những điều kỳ diệu đã xảy ra tại Long Tỏa Tỉnh ở Bắc Kinh và những truyền thuyết về Long Tỉnh ở nhiều nơi của Trung Quốc, tác giả người Hoa, Dương Ninh cho rằng, có thể không phải là không có nguyên nhân khi người xưa xây dựng nơi này và sợi xích bị đứt của Long Tỏa Tỉnh ở Nam Xương có thể liên quan đến những trận mưa lớn liên tục.
Dây xích tự nhiên đứt, theo tác giả, đó chính là lời cảnh tỉnh, bởi vì bất kỳ thảm họa nào cũng liên quan đến đức hạnh của con người. Ở đâu có nhiều người làm những việc không tốt, thì nơi đó sẽ có nhiều thảm họa.
Theo ĐKN