Để thấy được rằng tham vọng trở thành cường quốc công nghiệp – công nghệ cao của Trung Quốc mãnh liệt như thế nào, hãy nhìn vào các công ty Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs Group Inc., kim ngạch xuất khẩu máy móc của Nhật Bản sẽ đạt mức cao kỷ lục. Các đơn đặt hàng máy công cụ từ các công ty Trung Quốc đã tăng từ tháng 6 và ngày càng mạnh mẽ. Doanh số bán thiết bị tự động hóa của các nhà máy dự kiến sẽ vượt qua các mức đỉnh trước đó.
Điều đó hoàn toàn trái ngược so với hai năm trước: các công ty Trung Quốc nỗ lực giành lấy thị phần khi Bắc Kinh tham vọng tăng cường gấp đôi mảng sản xuất các sản phẩm cao cấp, rời xa thị trường vốn có là những hàng hóa đại chúng có biên lợi nhuận thấp mà được sản xuất hàng loạt và liên tục trong vài thập kỷ qua. Chính sách kích thích tài chính của chính phủ Trung Quốc cũng giúp kích thích nhu cầu về các máy móc liên quan đến xây dựng như máy xúc thủy lực, nơi các công ty Nhật Bản có chỗ đứng vững chắc.
Sự thay đổi chiến thuật trong bối cảnh phong tỏa và sự phục hồi sau đó cho thấy những giới hạn của chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Trung Quốc. Nước này đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để tập trung vào các chính sách tự cung tự cấp do bị ảnh hưởng bởi sự trừng phạt từ Mỹ về lý do thương mại toàn cầu và sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch khiến nhu cầu tăng vọt. Một phần quan trọng trong kế hoạch kinh tế của Bắc Kinh 5 năm tới là tăng cường sản xuất máy móc, thiết bị 5G và chất bán dẫn cao cấp để sử dụng ở thị trường nội địa. Nguồn vốn nhà nước sẽ ngày càng đổ nhiều hơn vào các ngành này. Chính phủ cũng muốn nâng cấp các chuỗi cung ứng nội bộ và duy trì vai trò công xưởng của thế giới. Cho đến nay, Trung Quốc là nước sử dụng robot công nghiệp lớn nhất, nhưng số lượng robot được lắp đặt trên mỗi 10.000 nhân viên vẫn tương đối thấp.
Trong một số lĩnh vực như 5G, Trung Quốc chắc chắn đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, nước này sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Hãy xem xét kỹ điều này: các nhà cung ứng Trung Quốc chiếm hơn 80% thị phần trong lĩnh vực sản xuất các robot chuyển động thẳng, thực hiện các nhiệm vụ đơn giản và Cartesian được sử dụng trong ngành công nghiệp nhựa. Nhưng khi nói đến robot khớp nối, có chuyển động nhiều trục phức tạp hơn, Nhật Bản mới là một trong những nước xuất khẩu robot công nghiệp lớn nhất.
Thực tế vẫn là có một khoảng cách lớn về trình độ công nghệ giữa 2 quốc gia. Hơn 75% bộ giảm tốc được nhập khẩu từ các công ty Nhật Bản như Nabtesco Corp. và Harmonic Drive Systems Inc., theo các nhà phân tích của HSBC Holdings Plc. Các thành phần này chiếm hơn một phần ba giá thành của robot công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc, so với 12% đối với robot từ Nhật Bản. Điều đó gây khó khăn cho việc cạnh tranh về chi phí. Các công ty Trung Quốc sẽ phải dựa vào các thương vụ mua lại để bù đắp yếu điểm này.
Đối với những gã khổng lồ về sản xuất máy móc của Nhật Bản, điều đó có nghĩa là xu hướng – và nhu cầu – luôn tồn tại. Các đơn đặt hàng ồ ạt của Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và định giá cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực này. Fanuc Corp., có nhà máy sản xuất robot màu vàng sản xuất các sản phẩm cho các công ty như Apple báo cáo rằng doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã tăng 29% trong chín tháng đầu năm 2020. Bất chấp sự sụt giảm mạnh của nền kinh tế do Covid-19, khảo sát cho thấy các điều kiện đối với các nhà sản xuất ngày càng lạc quan. Chỉ số phụ TOPIX Machinery tăng 30% kể từ tháng 6 trong khi thị trường chứng khoán chỉ tăng 17%. Các công ty có khả năng sẽ đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc để thúc đẩy sự tập trung vào quốc gia đó.
Việc Trung Quốc trở thành nhà vô địch về công nghệ – công nghiệp sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Mặc dù sẽ bị ảnh hưởng do sự cố phong tỏa liên quan đến tình hình Covid-19 ngày càng tồi tệ, Nhật Bản sẽ không sớm mất đi vị thế lâu đời của mình.
Theo Bloomberg- Theo Kinh doanh & Phát triển