Các trang trại Trung Quốc đang nhân giống sư tử và hổ, sau đó thu hoạch nội tạng của chúng để chế tạo các loại thuốc cổ truyền, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) cho biết trong một báo cáo hôm 9/7, theo Breitbart.
Trong báo cáo mang tên “Giao dịch tàn ác”, WAP đã xác nhận ở Trung Quốc có các trang trại quy mô lớn chuyên cung cấp nội tạng của các động vật như sư tử và hổ để chế tạo các loại thuốc điều trị bệnh, từ viêm khớp đến viêm màng não, dù có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của các bài thuốc này.
Bản báo cáo cho biết họ nhận thấy “sự tàn ác khủng khiếp ở mọi góc độ” trong ngành công nghiệp này. Báo cáo viết: “Trước khi bị giết và bị lấy nội tạng để làm thuốc thì những động vật hoang dã này phải chịu nhiều hình thức tra tấn tàn ác khác nhau.”
Tổ chức này cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy các trang trại tiến hành lai tạp và cưỡng ép nhân giống, khiến các con vật gặp vấn đề về sức khỏe như thị giác, thính giác, hô hấp và khó khăn trong việc nhai nuốt. Trong một số trường hợp, các con vật bị tàn tật do suy yếu về gene di truyền.
“Chúng bị khai thác vì lòng tham và tiền bạc – vì để chế tạo ra một thuốc mà chưa bao giờ được chứng minh là có bất kỳ tính chất chữa bệnh nào. Chỉ riêng vì lý do đó, chuyện này đã là không thể chấp nhận được”, theo tiến sĩ Jan Schmidt-Burbach, một Cố vấn về động vật hoang dã tại WAP.
“Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng phải chịu đựng đau đớn vô cùng – điều này làm cho chúng trở nên phẫn nộ tuyệt đối”, cô nói. “Rất nhiều con vật trong đó chỉ được nhìn thế giới qua các thanh kim loại, chỉ cảm thấy bê tông cứng dưới bàn chân của chúng, và chúng sẽ không bao giờ được trải nghiệm bản năng cơ bản nhất của chúng – đi săn. Những con vật này là những kẻ săn mồi đỉnh cao – chúng không phải là đồ chơi – càng không phải là thuốc.”
Tình tra lạm dụng động vật là điều rất phổ biến ở Trung Quốc, đây được coi là một trong những nước vi phạm tồi tệ nhất đối với các quyền động vật. Theo tờ báo Mỹ Breitbart, một trong số các ví dụ nổi tiếng nhất về lạm dụng động vật được nhà nước công nhận là Lễ hội thịt chó ở thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, nơi người tiêu dùng ăn khoảng 15.000-20.000 con chó mỗi năm. Sự kiện man rợ này đã gây nên làn sóng phản đối trên toàn thế giới và cũng như sự chú ý của các ngôi sao Hollywood, những người đã cầu xin chính quyền Trung Quốc hãy bãi bỏ việc tiêu thụ thịt chó.
Năm 2017, chính quyền Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ lễ hội, mặc dù các nhà vận động bảo vệ quyền động vật vẫn hoài nghi vì lễ hội năm nay vẫn diễn ra vào tháng 6 theo đúng kế hoạch.
PV