Trong lúc các loại thuế mới liên tiếp được tung ra, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã không phí phạm chút thời gian nào mà ngay lập tức bắt tay vào tìm kiếm các thị trường thay thế.
Những con số của năm 2019 cho thấy cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc có thể ứng biến nhanh như thế nào, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhanh chóng đa dạng hóa và tìm thấy những thị trường mới để bù đắp những tổn thất mà thuế quan của Tổng thống Trump gây ra.
Theo số liệu chính thức vừa được Trung Quốc công bố hôm nay (14/1), kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 12,5% nhưng tổng kim ngạch vẫn tăng 0,5%. Cán cân thương mại cũng nêu lên câu chuyện tương tự, với thặng dư thương mại với Mỹ giảm 8,5%, xuống gần 296 tỷ USD nhưng tổng thặng dư tăng hơn 20%, lên khoảng 422 tỷ USD.
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn một dự kiến sẽ được ký kết tại Washington vào ngày mai (15/1). Tuy nhiên “hiệp định ngừng bắn” này được cho là sẽ chỉ giúp xoa dịu tình hình trong chốc lát vì những mâu thuẫn về các vấn đề cốt lõi vẫn còn tồn tại. Do đó nhiều người đang hoài nghi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục chống đỡ với thuế quan của ông Trump hay không khi mà tương lai bấp bênh đang đe dọa sẽ làm xói mòn đáng kể vị thế thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu của nước này.
“Căng thẳng thương mại Mỹ Trung khiến dòng chảy thương mại toàn cầu chuyển hướng. Thỏa thuận giai đoạn một không thể giúp hoạt động thương mại toàn cầu trở lại như xưa, vì vẫn tồn tại sự thiếu chắc chắn về chính sách và điều đó đè nặng lên kế hoạch chi tiêu của doanh nghiệp”, Frederic Neumann – chuyên gia của HBSC nhận định.
Theo thỏa thuận, trong 2 năm tới Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm khoảng 200 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, các sản phẩm chế tạo và dịch vụ của Mỹ. Trong đó có khoảng 50 tỷ USD là dầu và khí đốt.
Trong lúc các loại thuế mới liên tiếp được tung ra, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã không phí phạm chút thời gian nào mà ngay lập tức bắt tay vào tìm kiếm các thị trường thay thế. Kết quả là xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đã tăng gần 13%, sang Anh tăng 10%. Chiến lược này hiệu quả đến nỗi tỷ trọng của Trung Quốc trong kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới vẫn được giữ vững trong 3 quý đầu năm 2019.
Số liệu tháng 12 cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng vượt dự báo. Xuất khẩu tăng 7,6% trong khi nhập khẩu tăng 16,3%.
Nếu như ở thời điểm cuối năm 2018 Trung Quốc có thâm hụt 5 tỷ USD với phần còn lại của châu Á thì năm 2019 cán cân đã chuyển sang trạng thái thặng dư 67 tỷ USD.
Theo Adam Slater, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, với nguy cơ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng rời xa nhau, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sụt giảm tới 40% và chắc chắn sẽ không thể khôi phục trong nhiều năm nữa.
Tác động lớn nhất tới Trung Quốc sẽ là chuỗi cung ứng được đa dạng hóa, không chỉ là rời xa Trung Quốc mà là không còn phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung ứng đơn lẻ nào, theo Pauline Loong, chuyên gia tại công ty nghiên cứu Asia Analytica ở Hồng Kông.
“Định hình lại chuỗi cung ứng là việc tốn nhiều thời gian, vì thế về dài hạn tác động đến Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì đang diễn ra hiện nay”, bà nói.
Tham khảo Bloomberg
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ