Nhiều người trẻ Trung Quốc không còn muốn phấn đấu nữa sau thời gian dài bị gia đình và xã hội áp đặt.
Sau thời gian dài tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc dần giảm tốc. Điều này vô hình chung khiến nhiều người trẻ không còn muốn phấn đấu. Họ quyết định né tránh mọi sự cạnh tranh trong xã hội để có một cuộc sống bình yên. Trào lưu mới có tên “lying flat’’ – “nằm thẳng” theo đó hình thành.
Phần đông những người trẻ đi theo xu hướng này đều đã phải trải qua quãng thời gian dài mệt mỏi vô cùng áp lực do gia đình và xã hội áp đặt. Họ được ví như thành viên của phong trào chống đối văn hóa hồi năm 1960 với những mưu cầu về một xã hội “dễ thở’’ hơn, ít đòi hỏi và tôn trọng lối sống riêng của mỗi người.
Phong trào “nằm thẳng’’ bắt đầu như thế nào?
Phong trào “nằm thẳng’’ bắt đầu sau khi một bài đăng với tiêu đề “Nói dối là công lý’’ lan truyền chóng mặt trên nền tảng Baidu Tieba hồi tháng 4/2021. Tác giả chia sẻ rằng: “Tôi đã không làm việc trong suốt 2 năm qua và tôi chẳng thấy điều đó sai trái chút nào. Bạn cảm thấy áp lực vì luôn so sánh bản thân với bạn bè và những thế hệ đi trước, trong khi thực chất chúng ta không cần làm vậy’’.
Phát triển ra sao?
Phong trào “nằm thẳng’’ từng gây chấn động tại Thâm Quyến – nơi văn hóa làm việc “996” vô cùng phổ biến. Tại đây, người trẻ phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, đều đặn như vậy 6 ngày 1 tuần để theo đuổi giấc mơ đổi đời. Tuy nhiên, khi tăng trưởng nền kinh tế chững lại, nhiều người trong số họ đã thay đổi quan niệm sống.
“Mỗi khi đương đầu với thử thách, tôi sẽ mất động lực làm việc. Tôi không coi đây là sự lười biếng, mà chỉ đơn giản chỉ là không muốn cạnh tranh với người khác thôi. Tôi chẳng muốn chăm đâm đầu tiền song lại không có thời gian để tiêu chúng”, Yeung, một sinh viên năm cuối cho biết.
Trung Quốc liệu có phải quốc gia duy nhất?
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất chứng kiến làn sóng những người trẻ chuộng lối sống “nằm thẳng’’. Bất kể ở đâu, khi áp lực cơm áo gạo tiền trở nên nặng nề, người trẻ sẽ khó có thể xây dựng lối sống lành mạnh và ổn định tài chính.
Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến nhiều người thay đổi quan niệm sống và sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của bản thân. Họ sẵn sàng nghỉ việc, thậm chí với số lượng kỷ lục. Điển hình như ở Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái, đã có hơn 37 triệu lao động chấp nhận từ bỏ công việc họ đang làm.
Theo nhiều chuyên gia, đây được coi là chỉ dấu cho một quá trình phát triển kinh tế mới tại Trung Quốc, bởi khi một quốc gia trở nên giàu có hơn, người dân vô hình chung sẽ trở nên kén chọn và cảm thấy xã hội quá khắt khe và nguyên tắc. Họ hình thành tư tưởng bỏ học và ngừng phấn đấu bất cứ lúc nào. Con số thống kê không được tổng hợp cụ thể bởi chính phủ không khuyến khích lối tư duy này.
Phản ứng của giới chức
Mặc dù được giới trẻ tán đồng, song “nằm thẳng’’ lại nhận về sự phản đối gay gắt từ phía các phương tiện truyền thông và chính phủ. Họ cho rằng phong trào này chẳng qua chỉ là sự lười biếng không thể chấp nhận được.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 8 theo đó kêu gọi người trẻ từ bỏ lối sống “nằm thẳng’’, đồng thời chủ trương theo đuổi quan điểm “dịch chuyển đi lên”. Các chính sách nhằm thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung”, chẳng hạn như cải thiện điều kiện làm việc và hỗ trợ chi phí nhà ở, giáo dục cũng đã được chính phủ triển khai nhằm giúp chất lượng cuộc sống của người trẻ dần được cải thiện.
Theo: Bloomberg-Huệ AnhTheo Pháp luật và bạn đọc