Trên thế giới này tồn tại một loại lực lượng thần bí, nó nhìn không thấy, sờ không được, nhưng lại hữu duyên với vạn vật thế gian, nó không chỉ có địa vị quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại, mà còn có năng lực điều khiển lịch sử. Nó là cái gì vậy? Trước tiên chúng ta hãy nghe một câu chuyện.
Hoàng Đế mơ gió đắc được thiên hạ
Vào khoảng 5000 năm trước, Hoàng Đế, vị thủy tổ của người Hoa, vì để thống nhất Trung Nguyên mà ngày đêm lo nghĩ, cầu mong nhân tài, khát khao hào kiệt. Có một lần ông có một giấc mơ kỳ quái, trong mơ nhìn thấy một trận gió lớn nổi lên quét sạch bụi trần trong trời đất, thế giới chớp mắt biến trở nên trong trẻo thanh minh. Hoàng Đế tỉnh dậy vẫn nhớ như in giấc mộng này, nghĩ tới nghĩ lui. Một ngày nọ, ông đột nhiên nghĩ ra.
Gió là phong “風” tượng trưng cho người cai trị, chữ bẩn là cấu “垢” loại bỏ chữ bụi đất là thổ “土” ở bên cạnh, còn lại chữ hậu “后”, hợp lại là phong hậu “風后”. Hoàng Đế rất tin báo mộng, liền phái người đi tứ xứ tìm một người hiền đức có tên là Phong Hậu, kết quả thực sự đã tìm thấy một người như thế ở ven biển. Hoàng Đế không nói hai lời, liền phong cho Phong Hậu làm tướng. Ông bày bố bát trận đồ để đánh Xi Vưu, nhưng Xi Vưu không phải là kẻ tầm thường, hắn lập tức phóng ra sương mù dày đặc làm quân đội của Hoàng Đế mất phương hướng. Nhưng hắn không thể làm khó cho Phong Hậu, một người thông thạo tinh tượng. Ông ngước đầu nhìn lên sao Bắc Đẩu, nhớ ra chiếc gáo của Bắc Đẩu sẽ biến hóa theo mùa, từ đó chế tạo một chiếc xe chỉ nam có thể xác định phương hướng, không sợ sương mù dày đặc. Cuối cùng Hoàng Đế đại phá quân đội của Xi Vưu, thống nhất Trung Nguyên, lịch sử huy hoàng của dân tộc Trung Hoa từ đó bắt đầu mở ra.
Sau đó, Phong Hậu ở lại phò tá Hoàng Đế, vừa làm thầy vừa là đại thần của Hoàng Đế, đứng đầu trong tam công, cống hiến không ít lương sách trị quốc cho Hoàng Đế.
Hãy đoán xem, câu chuyện Hoàng Đế mơ thấy gió lớn này là thần thoại truyền thuyết, hãy là sự tình đã từng xảy ra trong lịch sử?
Kỳ thực, đây là sự kiện lịch sử chân thực được ghi lại trong “Sử ký”. Điều kỳ diệu hơn nữa là, theo nhận định trong Sử ký và các sách sử khác, vị “kỳ nhân trong gió” Phong Hậu này đã chuyển sinh thành Lão Tử; thời kỳ Xuân Thu chuyển sinh thành đại phu của nước Việt là Phạm Lãi, người giúp Việt Vương Câu Tiễn thành tựu bá nghiệp; rồi lại chuyển sinh thành Hoàng Thạch truyền thụ binh pháp cho Trương Lương, một trong ba danh thần khai quốc của nhà Hán. Ông cũng chuyển sinh thành Đông Phương Sóc, người được gọi là “Tuế tinh hạ phàm” phục vụ bên cạnh Hán Vũ Đế.
Điều này có khác với lịch sử mà chúng ta tưởng tượng không? Trên thực tế, có rất nhiều điều thần kỳ trong lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc, chỉ là rất nhiều điều trong số đó không được nhắc đến trong sách giáo khoa của chúng ta.
Hãy để tôi kể cho bạn một câu chuyện lịch sử thần kỳ khác.
Gió lớn cứu Lưu Bang
Rất nhiều năm sau, lại một trận chiến bá chủ ngang sức ngang tài khác được thượng diễn trên mảnh đất Trung Nguyên. Lần này, các nhân vật chính của câu chuyện biến thành Hạng Vũ, bá vương của nước Sở, và Hán cao tổ Lưu Bang.
Vào tháng 4 năm 205 trước Công nguyên, Hạng Vũ ra tay trấn áp phản quân, Bành Thành, thủ đô của nước Tây Sở, trở nên trống rỗng. Lưu Bang cảm thấy có thể thừa cơ, nhanh chóng triệu tập liên quân đa quốc gia gồm 56 vạn quân, công chiếm Bành Thành. Khi Hạng Vũ biết chuyện, ông ta lập tức rút quân, dẫn 3 vạn quân tinh nhuệ tiến về phía nam. Đúng như dự đoán của Sở Vương Hạng Vũ, chỉ cần 3 vạn quân này đã đại phá quân Hán. Sau hai trận chiến, Lưu Bang chỉ còn lại vài chục người, trốn khỏi Bành Thành, gấp rút bỏ chạy.
Kỵ binh của Hạng Vũ đạp hết tốc lực đuổi theo, mắt thấy đã không thể chạy thoát, không ngờ trên mặt đất nổi lên một trận gió lớn, trong “Sử ký” nói rằng trận gió mạnh này “thổi lên từ hướng Tây Bắc, làm gãy cây đổ nhà, thổi tung cát đá, trời đất tối tăm, đón đầu quân Sở.” (Theo Sử ký – Hạng Vũ bổn ký).
Gió mạnh đến mức cát bay đá chạy, ngày biến thành đêm. Hơn nữa, cơn gió mạnh này có mắt, thổi thẳng vào mặt quân Sở. Quân Sở bị gió quật đến mức không thể mở mắt, nhất thời hỗn loạn. Lưu Bang thừa lúc hỗn loạn bỏ trốn mà thoát chết. Nếu không có trận gió lớn này, và Lưu Bang bị Hạng Vũ bắt sống, thì lịch sử từ đó sẽ phải viết lại.
Nhiều năm sau, không biết có phải vì nhớ đến trận gió cứu mạng này không, mà trong một bữa tiệc, Lưu Bang đã mượn rượu, cao hứng hát bài ca gió lớn: “Đại phong khởi hề vân phi dương, uy gia hải nội hề quy cố hương.” Gió lớn thổi rồi mây bay lên, chúng tôi uy phong về cố hương.
Đều nói nước Sở diệt nước Tần, nhưng thiên hạ rốt cuộc lại về tay nhà Hán. Sự an bài của lịch sử thường rất bất ngờ, đôi khi bước ngoặt của lịch sử chỉ là một trận gió mạnh không rõ từ đâu tới.
Lại nói về gió đông nam trong trận chiến Xích Bích
Trận chiến Xích Bích – Gió Đông Nam bất ngờ thổi tới
Nhắc đến trận chiến Xích Bích, chắc hẳn ai cũng quen thuộc nhất với câu chuyện Gia Cát Lượng thuyền rơm mượn tên trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tuy nhiên, câu chuyện này không được ghi lại trong chính sử. Vậy câu chuyện về trận chiến Xích Bích trong sử sách là gì?
Sử kể rằng vào năm 208 sau Công nguyên, gần như toàn bộ phía bắc sông Trường Giang đã được Tào Tháo thống nhất. Tể tướng Tào đắc ý dẫn đại quân 80 vạn binh mã tiến về phía nam nhằm thống nhất Trung Nguyên. Dù lúc đó Lưu Bị và Tôn Quyền đã kết thành liên minh, nhưng Lưu Bị chỉ có vài binh lính, còn Tôn Quyền trong tay có không đến 5 vạn binh mã, trong mắt Tào Tháo, họ chẳng khác gì một miếng bánh nhỏ.
Vì vậy, khi Tào Tháo vừa hạ trại bên bờ sông Trường Giang, đã viết thư thuyết phục Tôn Quyền đầu hàng, nói rằng, tiểu huynh đệ đánh không lại được ta, tại sao không học hỏi Lưu Tông ở Kinh Châu, đầu hàng đi, ta sẽ không ngược đãi ngươi.
Tôn Quyền đưa bức thư cho mọi người trong triều xem, các đại thần đều sửng sốt nói, tướng quân đầu hàng đi. Tôn Quyền cũng cảm thấy bản thân không có cơ hội chiến thắng. Chỉ có Chu Du nói, Tào Tháo tuy đông quân, nhưng họ đều là người phương Bắc, vừa lên thuyền liền nôn mửa, căn bản không có năng lực tác chiến. Thủy quân của chúng ta đều do tôi huấn luyện bên sông Trường Giang, kinh nghiệm phong phú, đánh bại chúng hoàn toàn không thành vấn đề.
Tào Tháo hùng tài thao lược, đương nhiên cũng nhìn thấy mối nguy hiểm tiềm ẩn này, liền hạ lệnh khóa các tàu chiến lại với nhau bằng dây xích sắt, đầu nối đầu đuôi nối đuôi, như vậy tàu sẽ không lắc lư, binh lính cũng không say sóng. Tuy nhiên, điều Tào Tháo không ngờ tới, kế sách này là tự đào một cái hố lớn chôn mình.
Hoàng Cái ở bờ bên kia nhìn thấy hạm đội tàu địch đã gắn cứng đầu đuôi với nhau, quả quyết hiến kế dùng lửa thiêu doanh trại quân Tào. Theo thế trận của hai quân lúc bấy giờ, muốn dùng hỏa công thì phải có gió đông nam thổi mới được, nếu không thì chính Tôn Quyền sẽ bị thiêu rụi. Khi đó là mùa đông, tháng mười hai. Giữa mùa đông, gió Tây Bắc đang thịnh, tìm đâu ra gió Đông Nam?
Nhưng, một ngày nọ, gió đông nam bỗng thổi rất mãnh liệt. Hoàng Cái cùng tiểu đội quân trá hàng nhanh chóng vượt sông trên hơn chục chiếc thuyền nhỏ, binh sĩ của Tào Tháo ra đứng trên boong tàu xem náo nhiệt. Không ngờ, khi thuyền đến gần, thì đột nhiên khai hỏa, ngọn lửa thừa thế gió bốc thẳng về phía trại quân Tào. Những binh sĩ đang xem náo nhiệt đều chết lặng. Khi họ phản ứng, hạm đội tàu gắn liền nhau của họ nhanh chóng biến thành biển lửa. Sử sách viết: “Hỏa liệt phong mãnh, thuyền vãng như tiễn, thiêu tận bắc thuyền, diên cập ngạn thượng doanh lạc.” (theo “Tư trị thông giám Xích Bích chi trận”), nghĩa là gió mạnh lửa táp, lan lên tàu như mũi tên, thiêu hết phía bắc tàu, rồi lan đến cả doanh trại trên bờ.
Tào Tháo bị tổn thất thảm trọng, từ đó ngừng nam tiến. Lưu Bị và Tôn Quyền nhân cơ hội mở rộng quy mô, cuối cùng hình thành nên cục diện Tam Quốc lập đỉnh. Vì vậy, nếu không có trận gió đông nam bất ngờ này, thì sẽ không có truyện Tam Quốc lưu truyền nghìn năm. Nhưng trận gió đông nam rốt là do Gia Cát Lượng mượn được, hay đến từ ông Trời, thì đến nay vẫn còn là một ẩn số.
Đều nói lịch sử là lặp lại, vài năm sau đó, một trận thủy chiến trứ danh khác trong lịch sử lại bắt đầu ở hồ Bà Dương. Hai bên là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và lão đối thủ Trần Hữu Lượng, hai bên quyết tử chiến ở nơi này.
Trận gió đổi vận của Chu Nguyên Chương
Đây cũng là chiến dịch có sự chênh lệch lớn về lực lượng. Quân đội 60 vạn binh của Trần Hữu Lượng có một hạm đội khủng trải dài hàng chục dặm, trong hạm đội là những tàu lớn cao hơn 10 trượng (3.33m). Chu Nguyên Chương trong tay chỉ có mấy vạn quân, đội thuyền cũng rất nhỏ, khó có thể cầm cự được quá ba ngày.
Lúc này, đại tướng Quách Hưng thủ hạ của ông nói rằng, hiện tại hy vọng duy nhất là hỏa công. Nhưng hỏa công mà không có gió thì không thành, gió không đúng hướng cũng bất thành. Ông Trời có thể giúp không?
Tử mã đương hoạt mã, dù thế nào vẫn phải nuôi hy vọng. Trước tiên hãy chuẩn bị thuyền nhỏ, không còn con đường nào khác. Không ngờ vừa chuẩn bị thuyền xong thì gió quả nhiên thổi tới. Những tiểu hỏa tiễn trên mặt nước của Chu Nguyên Chương nhanh chóng lao sang bên kia hồ. Đội tàu lớn của Trần Hữu Lượng đại loạn, bắt đầu hoảng loạn bỏ chạy. Giữa loạn quân có một mũi tên vút tới, bắn xuyên vào mắt của Trần Hữu Lượng. Khi Trần Hữu Lượng gục xuống, số quân còn lại như rồng mất đầu, nhanh chóng tự ai nấy tản.
Bằng cách này, Chu Nguyên Chương đã quét sạch chướng ngại lớn nhất trên con đường trở thành đế vương, không lâu sau thống nhất thiên hạ, khai sáng triều đại 300 năm của nhà Minh.
Những trận gió lớn, hoặc những sự tình nho nhỏ tưởng như ngẫu nhiên mà đã cải biến lịch sử Trung Quốc như vậy có rất nhiều, các bạn biết tiếng Trung có thể xem một chương trình lịch sử có tên “Tiếu đàm phong vân” của giáo sư tiến sĩ sử học Chương Thiên Lượng.
Kể tới đây, bạn đã đoán được sức mạnh thần bí nhìn không thấy sờ không được là gì chưa? Vâng, đó là gió. Vậy thì gió rốt cuộc là gì? Phải chăng đó chỉ là sự đối lưu của không khí như các nhà khoa học nói?
Tứ đại nguyên tố
Người Ấn Độ sẽ không đồng ý. Họ nói, gió là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại của sinh mệnh. Nó là một trong tứ đại nguyên tố đất, lửa, nước và gió. Tín ngưỡng truyền thống của người Ấn Độ tin rằng bốn nguyên tố này tạo thành vạn sự vạn vật thế gian.
Phật giáo cũng kế thừa thuyết tứ đại nguyên tố, cho rằng thổ địa thuộc về đất, đại dương và sông suối thuộc về nước, mặt trời nóng thuộc về lửa, sự lưu thông của không khí thuộc về gió. Đối ứng với thân thể người, tóc, xương và thịt thuộc về đất, máu thuộc về nước, nhiệt độ cơ thể thuộc về lửa, hơi thở thuộc về gió.
Chúng ta thường nghe câu nói “tứ đại giai không”. Rất nhiều người cho rằng đó là “tửu, sắc, tài, khí”. Kỳ thực, chiểu theo thuyết pháp của Phật giáo, tứ đại này chính là chỉ tứ đại nguyên tố đất, lửa, nước và gió. Bởi vì thế gian vạn vật đều là do tứ đại nguyên tố này tổ thành, nên tứ đại giai không chính là thoát ly thế giới vật chất này. Do đó người xuất gia giảng “Tứ đại giai không”, bởi vì mục đích xuất gia tu hành của họ chính là thoát ly trần thế, lên thế giới thiên quốc.
Thật trùng hợp, những người Hy Lạp cổ đại ở cách xa hàng ngàn dặm cũng giảng về bốn nguyên tố, và chúng giống hệt nhau, cũng là đất, lửa, nước và gió. Mặc dù thuyết bốn nguyên tố chỉ được thừa nhận rộng rãi từ thời Socrates ở Hy Lạp cổ đại, nhưng thực tế lý thuyết này đã tồn tại trong tín ngưỡng dân gian truyền thống của Hy Lạp cổ đại từ rất lâu đời. Chỉ là trong nhiều năm, mọi người chỉ nghe đến nó mà không biết tại sao.
Vì vậy dù trong văn hóa châu Âu hay văn hóa Ấn Độ, gió đều đóng vai trò rất quan trọng.
Điều này rất thú vị. Mọi người thử nghĩ xem, Trung Quốc chỉ cách Ấn Độ một dãy núi, từ lâu hai bên đã buôn bán qua lại, nhưng người Trung Quốc giảng ngũ hành, tin rằng ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ cấu thành nên vạn sự vạn vật thế gian, trong đó không có cái gọi là “gió”. Tất nhiên, có người nói, chúng ta vẫn giảng về âm dương, mà “khí” trong hai khí âm dương chính là “gió”. Dù thế nào đi nữa, nhận thức của chúng ta về thế giới khác với người Ấn Độ cổ đại.
Nhưng làm thế nào nhận thức của người Ấn Độ về thế giới có thể nhất quán với người Hy Lạp ở cách xa hàng ngàn dặm?
Tổ tiên của Ấn Độ có phải là người da trắng?
Các nhà nhân chủng học nói, có thể bạn chưa biết điều này. Vào thời thượng cổ, những người sống ở Ấn Độ khác với những người Ấn Độ mà chúng ta nhìn thấy ngày nay, thông qua hoàn nguyên gen, họ có mái tóc vàng, nước da sáng màu và đôi mắt sáng màu, hoàn toàn là hình tượng của người da trắng. Các nhà nhân chủng học gọi họ là “người Ấn-Âu nguyên thủy”. Từ lâu, Ấn Độ đã là quốc gia coi làn da trắng là đẹp, những người Bà La Môn có làn da trắng được đặc biệt tôn kính trong xã hội. Các vị thần trong các ngôi Phật tự cũng được miêu tả là có làn da trắng. Có lẽ đây là dấu hiệu tổ tiên của họ là người da trắng.
Học thuyết chủ lưu cho rằng những người Ấn-Âu nguyên thủy da trắng này có nguồn gốc từ thảo nguyên Caspian ở Đông Âu trên khắp lục địa Á-Âu, khả năng xuất hiện sớm nhất là vào thời kỳ đồ đá mới trong khoảng từ 7500 đến 5500 trước Công nguyên. Sau đó, họ từ khu vực này di cư về phía đông và phía tây, hình thành các nhánh khác nhau của xã hội nguyên khởi, trong đó bao gồm cả người Ấn Độ cổ đại.
Một trong những bằng chứng rất quan trọng ủng hộ thuyết pháp này là ngôn ngữ.
Ngay từ thế kỷ 17, học giả người Hà Lan Marcus Zuerius van Boxhorn đã nhận thấy sự tương đồng sâu sắc giữa các loại ngôn ngữ châu Âu, tiếng Phạn và tiếng Ba Tư được nói ở Iran. Hơn một thế kỷ sau, nhà ngôn ngữ học Sir William Jones đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt tới Ấn Độ để nghiên cứu tiếng Phạn, phát hiện quan hệ đối ứng có tính hệ thống giữa tiếng Phạn, tiếng Latin và tiếng Hy Lạp. Năm 1786, ông thuyết trình trước Hiệp hội Châu Á ở Bengal mới thành lập, chỉ ra những điểm tương đồng nổi bật giữa ba ngôn ngữ, đưa ra kết luận rằng chúng đều đến từ một nguồn gốc.
Ngôn ngữ là một bộ phận của văn hóa. Ngôn ngữ tương thông, văn hóa tự nhiên cũng tương đồng. Vì vậy, việc người Ấn Độ và người Hy Lạp có cùng một nhận thức đối với thế giới không phải là không có khả năng.
Và những câu chuyện về gió này dường như muốn nói với chúng ta rằng, thế giới rất rộng lớn, có rất nhiều điều bí ẩn đang chờ chúng ta khám phá, nhưng thế giới cũng rất nhỏ, một trận gió mạnh có thể thổi bạn đến chân trời góc bể.
Theo Epoch Times,-Hương Thảo biên dịch