Từ đam mê trồng xương rồng, bà Phụng Tiên không ngờ có ngày mình kiếm được nhiều tiền từ loại cây xù xì, gai góc này.
Bắt đầu với nghề phóng viên, bà Phan Thị Phụng Tiên, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, có dịp đi viết nhiều mô hình canh tác nông nghiệp. Có lần đến vườn xương rồng của một lão nông, bà bất ngờ trước vẻ đẹp tiềm ẩn đầy mạnh mẽ của loài cây gai góc, xù xì này và mê chúng từ đó.
Từ gốc xương rồng bỏ hoang
Bà Phụng Tiên bắt đầu trồng xương rồng từ khi nhìn thấy một gốc xương rồng ai đó quăng trong đống rác ven đường. Nó vẫn còn sống, thậm chí còn có hoa. “Tự nhiên tôi nghĩ đến cuộc sống của mình, còn những chông gai, những khó khăn và hình ảnh hoa xương rồng như tiếp thêm cho tôi sức mạnh để vươn lên, có cuộc sống tốt hơn. Từ đó tôi yêu và trồng xương rồng đến giờ” – bà Phụng Tiên bày tỏ.
Để có vườn xương rồng như hôm nay, bà Phụng Tiên cũng chịu khó đầu tư sưu tầm những loại cây mới. “Có lần tôi vay 10 triệu đồng để mua lại vài nhánh xương rồng. Bạn bè hiểu chuyện thì nói tôi quá mê xương rồng, còn người không hiểu thì cười chê. Nhưng với tôi, chỉ có tình yêu dành cho xương rồng” – bà Phụng Tiên khẳng định.
Bà Phụng Tiên được nhiều bạn bè, người thân từ nước ngoài mang về tặng thêm những giống xương rồng mới. Sau gần 20 năm, khu vườn trên 200 m 2 của bà đã có hơn 500 chủng loại xương rồng giá trị.
Trong số này có nhiều cây được bà mua lại từ những vườn bị bỏ hoang, cây sắp chết. Như có phép mầu, cây nào sắp chết khi vào tay bà lại hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Bà Phụng Tiên dẫn khách đến khu vực trồng cây gymnocalycium saglionis (tân Thiên Địa), nói: “Tôi phải vệ sinh cho nó, cắt hết gai đen, xấu, hư ở phía dưới rồi thay đất trồng lại. Sau 3 tháng, nó phát triển bất ngờ, mọc thêm 2 cây con và gai cũng đẹp hơn trước”.
Ngoài tài năng chăm sóc cây, bà Tiên còn “mát tay” lai tạo nên nhiều cây đột biến. Chỉ vào cây xương rồng lophophora ariocarpus, bà Tiên giới thiệu: “Cây này tôi cũng cho đột biến, giờ nó cũng không có chiếc gai nào, trông rất lạ mắt. Xương rồng đột biến sẽ có giá trị cao hơn, hình dáng cũng đẹp mắt hơn. Tôi rất thích những cây như thế”.
Còn cây xương rồng giống saguago cactus, bà Tiên nói mình đã trồng được hơn 10 năm, loại này có tuổi thọ từ 300-350 năm. Ngoài thị trường còn hiếm những gốc lớn như ở vườn của bà, vì thế nó có giá trị cao; loại này bà đang chăm sóc để phát triển thêm chứ chưa muốn bán. Còn loại echinocactus grusonii (kim hổ), gai của chúng có màu vàng sáng hơn những loại khác; nếu chăm sóc tốt, chúng có thể phát triển bề ngang đến 1 m. “Tôi rất thích những loại này, vì chúng cho tôi cảm giác thư thái mỗi khi ngắm. Ai thật sự thích xương rồng mới hiểu được giá trị vật chất lẫn tinh thần nó mang lại” – bà Phụng Tiên bày tỏ.
Khách hàng tấp nập
Vài năm trở lại đây, xương rồng đang được nhiều người săn lùng, nhất là chủ các quán cà phê. Anh Nguyễn Minh Tâm, chủ quán Góc Nhỏ, ở TP Long Xuyên, cho hay đang nhờ bà Tiên cung cấp xương rồng để trang trí quán. “Tôi thấy người ta trang trí hoa trong quán nhưng để độc lạ hơn, tôi chọn xương rồng. Rất may là chị Tiên có nhiều loại, số lượng cũng nhiều nên tôi nhờ chị tư vấn và trang trí xương rồng trong quán. Khách vào quán thấy xương rồng đẹp, lạ nên rất thích” – anh Tâm hài lòng.
“Ban đầu tôi trồng xương rồng vì yêu thích chúng, chứ không nghĩ sẽ bán kiếm tiền. Nào ngờ, thấy nhiều người cũng mê xương rồng nên tôi nhân giống, thậm chí lai tạo thêm những dòng đột biến rồi bán ra thị trường. Khách hàng của tôi có đủ các tỉnh, thành trong cả nước. Tôi bán giá bình dân từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi chậu, tùy vào giá trị của cây. Có thu nhập, tôi lại phát triển vườn của mình” – bà Phụng Tiên đắc ý.
Hiện nay, ngoài cung cấp xương rồng đến hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, bà Phụng Tiên còn nhận lời thiết kế, trang trí và cung cấp xương rồng cho nhiều sân vườn, quán cà phê trong và ngoài tỉnh An Giang. Để có đủ số lượng xương rồng cung cấp cho khách hàng, bà Tiên đang tiếp tục nhân giống và lai tạo thêm các dòng mới. Khách hàng thích loại nào, bà Tiên hầu như đáp ứng. Nhờ vậy mỗi tháng, bà Phụng Tiên thu nhập 50-70 triệu đồng từ việc bán cây xương rồng.
“Mình đam mê chơi cây và hưởng lợi nhiều từ giá trị tinh thần. Mỗi lúc chăm cây là mình được thư giãn, được thấy niềm vui, hạnh phúc và sự an nhiên. May mắn hơn nữa là bây giờ mình còn kiếm được tiền từ xương rồng, còn gì vui hơn” – bà Phụng Tiên mãn nguyện.
“Xương rồng có nhiều loại, có người thích chơi cây có hoa, có người lại chọn cây ít gai, cũng có người chọn các cây thân lớn, tùy theo sở thích khách hàng mà tôi phát triển thêm. Tuy nhiên, theo tôi thấy đa số người chơi xương rồng đều bị phấn khích mạnh khi được ngắm hoa của chúng. Có cây trồng rất lâu mà chẳng bao giờ được ngắm hoa; có cây lại nở hoa trong đêm, đến sáng lại tàn. Đó cũng là nét độc đáo, thú vị cuốn hút người chơi” – bà Phụng Tiên giải thích.
Theo Vĩnh Kỳ-Người lao động