Những năm qua, khi giá cà phê lao dốc khiến người nông dân Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng đối với những hộ trồng xen canh các loại cây ăn quả trong vườn cà phê thì thu nhập vẫn ổn định.
Không chỉ vậy, nhờ có cây che bóng nên vườn cà phê phát triển bền vững. Việc trồng xen canh là xu hướng tất yếu đối với người trồng cà phê.
Từ những hiểu biết sâu sắc cả về nông nghiệp lẫn thị trường, anh Cao Văn Quang (phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) đã có được những thành công bước đầu từ vườn cây xen canh của mình.
Cà phê + bơ thu tiền tỷ
Năm 2015, anh Cao Văn Quang mua 9ha đất ở thôn Kênh Xim (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai). Lúc này, cả 9ha đang là vườn tiêu già cỗi, nhiều diện tích bị nhiễm bệnh và đã bị chết.
Phá bỏ toàn bộ vườn hồ tiêu trên, anh Quang đầu tư trồng mới 9.000 gốc cà phê chất lượng cao. Anh Quang cho biết: Giống cà phê được đặt mua từ Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Đây là giống mới cho năng suất và chất lượng hạt cao. Quá trình trồng, anh hướng dẫn nhân công làm đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra nấm bệnh hại, kiểm tra dinh dưỡng trong đất. Chính vì vậy mà cây cà phê xanh mướt, quả lớn đồng đều, không bị sâu hại hay bị thiếu dinh dưỡng…
Năm đầu thu bói, vườn cà phê cho năng suất 2 tấn nhân/ha, thu vụ thứ hai đạt 4 tấn nhân/ha. Dự kiến khi vườn cây vào kinh doanh chính thức, năng suất sẽ đạt từ 5 – 7 tấn nhân/ha – con số mà không nhiều nhà vườn cà phê ở Tây Nguyên dám nghĩ tới.
Cùng lúc với trồng cà phê, anh Quang còn xen canh 300 cây bơ Booth, 400 cây bơ Trịnh Mười. Năm 2018, vườn bơ cho thu bói với năng suất đạt 20 – 30kg mỗi cây. Năm nay – theo anh Quang là mất mùa bơ, nhưng vườn cây của anh vẫn đạt 40kg mỗi cây. Với giá bơ hiện tại từ 60.000 – 70.000 đồng/kg tại vườn, và với năng suất như trên, 700 gốc bơ của anh Quang cho thu về sít soát 2 tỷ đồng vụ này.
Ngoài xe canh cây bơ, anh Quang còn trồng xen cây mít Thái và sầu riêng (500 cây sầu riêng mới trồng năm 2018). Riêng 300 cây mít Thái đã cho thu bói từ năm 2018, đạt 5 – 7kg mỗi cây. Dự kiến năm nay, năng suất mít sẽ đạt 25 – 30kg/cây, với giá bán tại vườn khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Anh Quang cho biết: Xen canh cây ăn quả như mít, sầu riêng, bơ trong vườn cà phê, xem như là cây chắn gió cho cà phê, nhưng lại cho thu nhập cao. Cái lợi nữa là tiết kiệm được công chăm sóc, chi phí phân bón. Về mặt thị trường, xen canh đem lại sự an toàn cho chủ vườn khi cây này mất giá thì cây kia lại được…
Sầu riêng “bén duyên” cùng na Thái
Không chỉ dừng lại ở trang trại 9ha trên, anh Quang còn đầu tư mua thêm 3ha khác ở thôn Nông Trường (xã Ia Glai, huyện Chư Sê). Thời điểm anh mua 3ha này đang là cà phê tuổi kinh doanh. Anh mạnh dạn phá bỏ và thay vào đó là vườn hồ tiêu. Cái rủi cho anh là đúng vào thời điểm cây tiêu bị bệnh ở khắp Tây Nguyên, anh lại phá tiêu, bán trụ và xoay sang trồng cây ăn quả.
Năm 2017, anh Quang xuống giống 600 cây sầu riêng. Đến tháng 5/2018, anh trồng xen 1.000 cây na Thái trong vườn sầu riêng. Theo anh Quang thì na Thái chỉ có 12 tháng là ra hoa, hiện đã cho thu bói từ 5 – 10 quả mỗi cây. Tuy nhiên hiện anh đang hãm na bằng cách vặt bớt quả non, không cho đậu quả nhiều để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Na Thái thu mỗi năm 2 vụ: Vụ 1 từ tháng 5 – tháng 6 dương lịch, vụ 2 từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Nếu chăm sóc tốt, cân bằng được dinh dưỡng, năng suất sẽ đạt khoảng 20 tấn quả/ha.
Với cách chăm sóc bài bản, khoa học, dự tính đến năm 2020, với năng suất bình quân 30 quả mỗi cây, 1.000 gốc na của anh sẽ thu về khoảng 20 tấn quả. Cũng theo anh Quang thì hiện giá na Thái bán tại vườn là 70.000 đồng/kg, còn nếu được chứng nhận hữu cơ, giá bán ra ngoài sẽ là 130.000 đồng/kg.
Cả 2 vườn, anh Quang đang lo cho 10 nhân công thường xuyên và 40 nhân công hợp đồng thời vụ. Theo anh Quang thì trồng xen canh có nhiều cái lợi như tiết kiệm được nước tưới, phân bón, công chăm sóc; tránh được rủi ro do biến động của giá cả thị trường… Tuy nhiên chủ vườn phải biết xen canh cây gì với cây gì cho phù hợp, chống “đá” nhau giữa các loại cây xen canh. Hơn nữa, nông dân phải có sự am hiểu sâu sắc, phải có kỹ thuật cao trong khâu chăm sóc, làm sao phải đảm bảo dinh dưỡng cho từng loại cây trồng…
Không chỉ dừng lại ở việc xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê, anh Cao Văn Quang còn nuôi tham vọng là hướng tới chuỗi giá trị mô hình trái cây + cà phê sạch theo mô hình Organic, mang đến hiệu quả kinh tế cao; liên kết với các nông trại khác trên địa bàn, hướng đến chăm sóc trái cây sạch, có xuất xứ nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý, đảm bảo xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất. Ngoài ra, sẽ tiến hành xây dựng nhà máy chế biến và trung tâm kiểm tra dinh dưỡng của trái cây, kiểm tra dư lượng kim loại trong trái cây, tiếp theo là phân loại và xuất khẩu. “Kế hoạch xây dựng nhà máy công nghệ cao này, dự tính sẽ tiến hành vào năm 2020 – 2021″, anh Quang cho hay.
Theo Lam Giang – Đình Thung – Nông nghiệp Việt Nam